Môi trường

Kiểm kê khí nhà kính từ cơ sở

N.T.D 11/01/2024 - 10:52

Năm 2023, lần đầu tiên 1.912 cơ sở có phát thải khí nhà kính (KNK) lớn đã thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê KNK cấp quốc gia theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường.

Cùng với những kết quả bước đầu, nhiều vướng mắc đã lộ diện, trong đó có nguyên nhân do các quy định hướng dẫn kiểm kê cho các ngành, lĩnh vực chưa hoàn thiện.

Kiểm kê KNK là hoạt động quan trọng để xác định lượng phát thải KNK từ các nguồn phát thải. Kết quả kiểm kê trở thành cơ sở để các bộ, ngành, địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch giảm phát thải KNK phù hợp với mục tiêu chung của quốc gia.

Đây cũng là căn cứ để Nhà nước phân bổ hạn ngạch phát thải KNK đến từng cơ sở phát thải lớn - tiền đề của các hoạt động trao đổi, mua bán hạn ngạch và tín chỉ các-bon tại Việt Nam, trước mắt là giai đoạn 2026 - 2030.

Đến nay, Việt Nam đã có 6 kỳ kiểm kê KNK quốc gia cho các năm 1994, 2000, 2010, 2013, 2014, 2016, 2018 và 2020 dựa trên số liệu tổng hợp của quốc gia và cấp ngành. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã lần đầu tiên đưa ra quy định về kiểm kê KNK cấp cơ sở. Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn chỉ rõ, các cơ sở phát thải hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên phải thực hiện kiểm kê KNK.

Các cơ sở trên sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải KNK và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon trong nước. Để có căn cứ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải KNK, tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải KNK cho các cơ sở, các Bộ chuyên ngành tổ chức thực hiện kiểm kê KNK cấp cơ sở thuộc phạm vi quản lý, gửi Bộ TN&MT kết quả kiểm kê sau khi hoàn thiện.

Năm 2023, các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải đã tổ chức thực hiện kiểm kê KNK cấp cơ sở thuộc phạm vi quản lý cho năm 2022 để gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả kiểm kê KNK sau khi hoàn thiện (theo hạn là trước ngày 1/12/2023).

Theo quy định, các Bộ quản lý lĩnh vực phát thải, hấp thụ KNK phải ban hành quy định kỹ thuật về kiểm kê KNK và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK cho các cơ sở thuộc lĩnh vực quản lý. Đến nay, Bộ TN&MT, Bộ Công Thương đã ban hành đầy đủ. Bộ NN&PTNT mới chỉ ban hành cho lĩnh vực lâm nghiệp và Bộ GTVT, Bộ Xây dựng chưa ban hành.

Năm 2023, các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải đã tổ chức thực hiện kiểm kê KNK cấp cơ sở thuộc phạm vi quản lý cho năm 2022 để gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả kiểm kê KNK sau khi hoàn thiện (theo hạn là trước ngày 1/12/2023).

Theo quy định, các Bộ quản lý lĩnh vực phát thải, hấp thụ KNK phải ban hành quy định kỹ thuật về kiểm kê KNK và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK cho các cơ sở thuộc lĩnh vực quản lý. Đến nay, Bộ TN&MT, Bộ Công Thương đã ban hành đầy đủ. Bộ NN&PTNT mới chỉ ban hành cho lĩnh vực lâm nghiệp và Bộ GTVT, Bộ Xây dựng chưa ban hành.

Đánh giá tầm quan trọng của việc hiểu rõ các quy định pháp luật về kiểm kê KNK cũng như cách thức phân bổ hạn ngạch phát thải, ông Lương Quang Huy - đại diện Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam đang tích cực triển khai một cách bài bản các cam kết kể từ Hội nghị COP28 với cam kết đến năm 2035 phải cắt giảm KNK về “0”. Khối doanh nghiệp là đối tượng trọng tâm thực hiện các giải pháp giảm phát thải vả đã chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan.

Nếu không thể đảm bảo hạn ngạch phát thải, doanh nghiệp sẽ phải chi trả tiền cho mức phát thải vượt quá, gây ảnh hưởng đến doanh thu cũng như uy tín của doanh nghiệp. Vì vậy, hiểu cặn kẽ và nắm rõ các quy định sẽ giúp doanh nghiệp tránh được các tổn thất cả về tài chính lẫn thương hiệu.

Thực chất, chính các hoạt động tăng hiệu suất năng lượng, kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm điện... đã có yếu tổ giảm phát thải trong đó. Vấn đề là doanh nghiệp cần chuyển đổi sang lượng giảm phát thải KNK tương đương và có con số cụ thể từ những nguồn nào.

Kiểm kê KNK sẽ giúp cơ quan quản lý ghi nhận kết quả giảm phát thải của doanh nghiệp để đề xuất cập nhật danh mục cơ sở giảm phát thải, cũng như phân bổ hạn ngạch.

Trong thời gian tới, các Bộ sẽ tiếp tục đào tạo, hướng dẫn các cơ sở tự thực hiện kiểm kê KNK trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm 2024. Bộ TN&MT đang hoàn thiện hệ thống báo cáo trực tuyến và sẽ thí điểm cho kỳ kiểm kê năm 2024.

Thay vì phải thực hiện thủ công, công tác báo cáo kết quả kiểm kê sẽ được số hóa và trở nên đơn giản hơn. Đây sẽ là kho dữ liệu thống nhất, phục vụ công tác quản lý nhà nước về giảm phát thải KNK một cách hiệu quả trong thời gian tới.

N.T.D