Phát triển huyện Thanh Trì thành quận theo hướng giàu đẹp, văn minh
Đề án Đầu tư, xây dựng xã thành phường, huyện Thanh Trì (Hà Nội) thành quận đến năm 2025 được UBND TP Hà Nội ban hành. Thực hiện Đề án trên, lãnh đạo địa phương đã ban hành nhiều văn bản và triển khai biện pháp để thực hiện Đề án đúng tiến độ, sớm đưa huyện Thanh Trì thành quận theo hướng giàu đẹp, văn minh.
Liên quan đến nội dung này, PV Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lợi, Trưởng phòng Nội vụ, UBND huyện Thanh Trì, Hà Nội.
PV: Theo quy hoạch của UBND Thành phố Hà Nội, huyện Thanh Trì sẽ trở thành quận vào năm 2025, hiện nay công tác chuẩn bị được huyện thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Lợi: Thực hiện Quyết định số 5854/QĐ-UBND ngày 21/10/2019 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành Đề án Đầu tư, xây dựng xã thành phường, huyện Thanh Trì thành quận đến năm 2025, huyện đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản để thực hiện Đề án gồm: Kế hoạch triển khai các bước xây dựng hồ sơ, Đề án thành lập quận và các phường thuộc quận; Kế hoạch thực hiện các tiêu chuẩn chưa đạt trong Đề án thành lập quận và các phường thuộc quận của huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội; Kế hoạch thực hiện tiêu chuẩn cân đối thu, chi ngân sách huyện giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch huy động nguồn lực giai đoạn 2021 - 2025 cho đầu tư xây dựng huyện phát triển thành quận; Kế hoạch tổ chức thực hiện hoàn thiện tiêu chí đất cây xanh công cộng giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tổ chức thực hiện hoàn thiện tiêu chuẩn mật độ đường giao thông đô thị; Kế hoạch thực hiện các tiêu chuẩn chưa đạt để xã phát triển thành phường. Huyện đã chỉ đạo 16 xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện hoàn thành các tiêu chuẩn xã phát triển thành phường.
Thực hiện Quyết định của UBND TP Hà Nội về việc ủy quyền cho UBND huyện thực hiện việc lập Đề án thành lập quận, phường của 05 huyện, lãnh đạo huyện đã xây dựng Kế hoạch về việc triển khai các bước xây dựng Hồ sơ, Đề án thành lập quận và các phường thuộc quận của huyện Thanh Trì…
Chỉ đạo các xã, các phòng ban, đơn vị thực hiện rà soát, tự chấm điểm các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng dẫn của Thành phố; đánh giá mức độ đạt được của các tiêu chí, đề xuất các nguồn lực, giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới để vừa đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu gắn với việc thực hiện các tiêu chí phát triển huyện thành quận.
Khuyến khích các tổ chức kinh doanh dịch vụ hiện đại như: Trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi, bán hàng qua mạng, máy bán hàng tự động. Củng cố, nâng cấp mạng lưới chợ hiện có, kêu gọi xây dựng mới một số chợ theo quy hoạch. Phát triển thương mại tại các khu đô thị mới xây dựng. Đầu tư cải tạo, nâng cấp trường học với quy mô sau đầu tư trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II.
PV: Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, các cấp, các ngành đã tham gia như thế nào, Nhân dân hưởng ứng ra sao để có thể hoàn thành kế hoạch kịp tiến độ?
Ông Nguyễn Văn Lợi: Huyện Thanh Trì đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, đô thị ở địa phương với tinh thần quyết tâm, bằng nhiều nỗ lực phấn đấu phát triển huyện thành quận trong thời gian sớm nhất.
Ủy ban MTTQ huyện xây dựng Kế hoạch “Tổ chức Hội nghị đại biểu Nhân dân năm 2023 bàn về xây dựng đời sống văn hóa”, các đơn vị trên địa bàn phối hợp tổ chức 110 hội nghị với 15.095 đại biểu hộ gia đình dự họp, có 741 ý kiến đóng góp, tập trung vào các nội dung: Nâng cấp chất lượng xây dựng khu dân cư văn hóa, công tác phòng chống dịch bệnh, tổ chức lễ hội truyền thống, thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng huyện thành quận... Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Quy ước, hương ước về xây dựng khu dân cư văn hóa được thực hiện tốt, 100% thôn, tổ dân phố đăng ký xây dựng khu dân cư văn hóa năm 2023, văn minh trong việc cưới, việc tang được thực hiện có hiệu quả.
PV: Thưa ông, có được những kết quả trên, huyện đã chỉ đạo và đưa ra biện pháp, cách làm như thế nào để tuyên truyền cho người dân, góp phần hoàn thành các tiêu chuẩn theo yêu cầu của Thành phố?
Ông Nguyễn Văn Lợi: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá XXIV đã đưa nhiệm vụ đầu tư, xây dựng huyện Thanh Trì phát triển thành quận đến năm 2025 vào mục tiêu tổng quát và đề ra 18 chỉ tiêu chủ yếu, 3 khâu đột phá và 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.
Đồng thời chỉ đạo xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện 6 Chương trình công tác toàn khóa; chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện; các Chi, Đảng bộ trực thuộc huyện ủy xây dựng kế hoạch, đề án, chuyên đề để triển khai thực hiện; tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền đến từng người dân để thấy được lợi ích của việc xây dựng huyện thành quận.
Huyện tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện, như: tổ chức hội nghị, tọa đàm, tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử các địa phương, đơn vị, Cổng thông tin điện tử, zalo, facebook, mạng xã hội; Bản tin nội bộ huyện; thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở và hệ thống thông tin cơ sở, đội truyền thông lưu động, tổ chức chính trị - xã hội; các ấn phẩm tuyên truyền... Tập trung chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm hoàn thành mục tiêu quan trọng đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV: “Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện thành quận vào năm 2025 theo hướng giàu đẹp, văn minh”.
Vậy, huyện sẽ trình Nghị quyết xây dựng huyện thành quận lên Thường trực Thành uỷ vào thời điểm nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Lợi: Huyện dự kiến sẽ trình Thường trực Thành ủy vào Quý II/2024.
PV: Đề án khi hoàn thành, bộ mặt địa phương sẽ thay đổi như thế nào? Theo ông, làm sao để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân đi vào thực chất đúng với tiêu chuẩn của quận?
Ông Nguyễn Văn Lợi: Có thể thấy, khi Đề án thành lập quận và các phường thuộc quận hoàn thành, Thanh Trì sẽ được hưởng các cơ chế chính sách của một quận nội thành, nhất là việc được gia tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi từ huyện lên quận sẽ có chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất. Trước đây, đất dành cho nông nghiệp thì sẽ chuyển đổi thành đất dịch vụ, đất ở, đất thương mại dịch vụ… Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng cũng thay đổi. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, kết nối giao thương, thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển.
Khi hệ thống cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, nâng cấp, cải tạo đồng bộ tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; hệ thống chính trị ở cơ sở được xây dựng, củng cố vững mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững thì đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!