Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ
Thành Nhà Hồ có niên đại trường tồn hơn 600 năm, còn bảo lưu tính toàn vẹn, xác thực cùng giá trị nổi bật toàn cầu, được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới vào năm 2011. Trong khoảng thời gian hơn 10 năm kể từ khi di sản được vinh danh, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản luôn được tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Thành Nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới.
Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, ngày 27/6/2011, tại Kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản Thế giới ở Paris, Cộng hòa Pháp, Ủy ban Di sản Thế giới đã chính thức quyết định đưa Di tích Thành Nhà Hồ vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.
Ngay sau khi di sản được UNESCO vinh danh, để bảo tồn và phát huy danh hiệu UNESCO, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ngay lập tức bắt tay vào xây dựng và thực hiện những nhiệm vụ mang tính chất chiến lược trong công tác quản lý và bảo tồn khu di sản này.
Trong khoảng thời gian hơn một thập kỷ xây dựng và thực hiện công tác quản lý, bảo tồn khu di sản, tỉnh Thanh Hóa đã thu được nhiều kết quả, để lại nhiều dấu ấn quan trọng, thể hiện nỗ lực cũng như quyết tâm của tỉnh trong việc tham gia và thực hiện công ước quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới 1972.
Theo đó, kết quả công tác quản lý di sản thế giới Thành Nhà Hồ được thể hiện ở 5 nhiệm vụ mang tính chất chiến lược.
Xây dựng và ban hành các văn bản phục vụ công tác quản lý khu di sản
Để thực hiện tốt công tác quản lý khu di sản, ngoài các quy định của công ước bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới 1972, Luật Di sản văn hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành những văn bản dưới luật mang tính đặc thù phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và đã áp dụng vào thực tiễn quản lý di sản một cách hiệu quả.
Trong thời gian qua, việc thực hiện các quy định tại các quy chế được quán triệt đến tất cả các cấp, ngành liên quan của tỉnh Thanh Hóa. Điều này đã góp phần quan trọng trong những kết quả đạt được trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản Thành Nhà Hồ.
Xây dựng và thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản
Việc xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản Thành Nhà Hồ là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cho mục tiêu, kế hoạch quản lý khu di sản này.
Ngay sau khi khu di sản được UNESCO công nhận di sản thế giới, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm thực hiện lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị khu di sản trong thời gian tiếp theo.
Ngày 12/8/2015 Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 1316/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch. Đây là một quyết định quan trọng tạo cơ sở pháp lý và khoa học cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản Thành Nhà Hồ trong thời gian tới.
Theo đó, phạm vi và quy mô lập quy hoạch được xác định trên diện tích 5.078,5ha, gồm vùng lõi và vùng đệm. Vùng lõi rộng 155,5ha gồm 03 hợp phần của khu di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ là: Thành Nội, La Thành và đàn tế Nam Giao, vùng đệm rộng 4.923ha bao gồm: Di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh và các công trình tôn giáo tín ngưỡng (gồm khu vực bảo vệ I và II) rộng 54,87ha (trong đó Ly Cung chiếm diện tích 4,03ha); khu vực cảnh quan đồi núi, sông hồ có mối quan hệ với di sản thế giới Thành Nhà Hồ; khu vực phát huy giá trị di tích phục vụ du lịch; thị trấn Vĩnh Lộc; làng xã và đồng ruộng, tổng diện tích 4.868,13ha.
Ngay sau khi Quy hoạch tổng thể khu di sản Thành Nhà Hồ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 9124/UBND-VX, ngày 08/9/2015 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1316/QĐ-TTg, ngày 12/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cũng có văn bản số 2317/SVHTTDL-DSVH, ngày 28/9/2015 về việc tham vấn ý kiến về kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch.
Đến nay, Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch hiện đang được gấp rút triển khai thực hiện theo đúng tinh thần phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 11/10/2021, HĐND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành nghị quyết số 158/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, phục hồi, một số hạng mục công trình thuộc khu vực thành nội di sản thế giới Thành Nhà Hồ (nhóm dự án số 3, giai đoạn 1) với tồng mức đầu tư trên 745 tỷ, giai đoạn 2022-2025. Điều này thể hiện sự quan tâm đầu tư về nguồn lực và cơ chế chính sách của tỉnh Thanh Hoá trong triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể, cũng đồng thời là góp phần thực hiện các cam kết với UNESCO trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ mà UBND tỉnh Thanh Hoá đang nỗ lực thực hiện.
Xây dựng, thực hiện kế hoạch quản lý và cam kết với UNESCO về chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản
Kế hoạch quản lý Thành Nhà Hồ gửi UNESCO do UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt trên cơ sở tư vấn của các chuyên gia hàng đầu ở trong nước và quốc tế, là một kế hoạch quản lý tương đối toàn diện và là cơ sở cho công tác quản lý khu di sản Thành Nhà Hồ trong những năm đầu sau khi khu di sản được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, đồng thời định hướng tầm nhìn dài hạn trong thời gian tiếp theo.
Theo đó, nội dung kế hoạch quản lý bao gồm 10 chương kèm theo phụ lục, danh mục bản đồ, bản vẽ kỹ thuật và các chỉ số cơ bản. Nội dung các chương của kế hoạch quản lý tập trung vào những vấn đề trọng tâm đó là: Cung cấp những thông tin chung về Thành Nhà Hồ; tình trạng bảo tồn và các nhân tố tác động đến tài sản; tình trạng bảo vệ và quản lý hiện nay; phạm vi, tình trạng, mục tiêu của kế hoạch quản lý; tài liệu nghiên cứu; các ranh giới khoanh vùng và khống chế phát triển; bảo tồn và nâng cao giá trị tài sản; tiếp cận và du lịch; nhận thức của cộng đồng và vấn đề phát triển kinh tế; thực hiện kế hoạch.
Mục tiêu, tầm nhìn và nội dung được trình bày trong kế hoạch quản lý khu di sản Thành Nhà Hồ đã tạo cơ sở pháp lý và khoa học cơ bản cho công tác quản lý khu di sản này trong những năm đầu sau khi di sản được công nhận.
Sau khi có những khuyến nghị từ cơ quan tư vấn về di tích (ICOMOS) của UNESCO, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 3584/UBND-VX, ngày 13/6/2011 về cam kết thực hiện chiến lược bảo tồn và quản lý di sản Thành Nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa. Nội dung cam kết tập trung thực hiện 10 nội dung cơ bản theo các khuyến nghị của ICOMOS, như: “Thực hiện nghiên cứu và đưa toàn bộ con đường Hoàng Gia vào vùng đề cử; thực hiện công tác nghiên cứu tổng thể, bổ sung tư liệu để đưa các làng truyền thống Đông Môn, Xuân Giai và Tây Giai vào khu vực đề cử; đưa đền thờ Trần Khát Chân vào vùng đề cử; lập kế hoạch điều tra tổng thể nhằm đưa ra ranh giới khoanh vùng bảo vệ mới cho các hang động và thắng cảnh liên quan đến tổng thể cảnh quan, thiên nhiên di sản Thành Nhà Hồ; tiếp tục kiểm kê, bổ sung tư liệu một cách có hệ thống toàn bộ các di tích có liên quan đến khu di sản Thành Nhà Hồ; xây dựng và thực hiện tốt chương trình khảo cổ học chiến lược đối với khu di sản...”.
Đây là những cam kết mang tính chất chiến lược, có tầm ảnh hưởng sâu rộng và tác động, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Bên cạnh những quy định vô cùng chặt chẽ của UNESCO cũng như những quy định, chế tài cụ thể của công ước quốc tế, việc thực hiện và hoàn thành cam kết đòi hỏi tính thời điểm rất cao cũng như nguồn lực rất lớn để đảm bảo an sinh, xã hội. Đây cũng chính là khó khăn, thách thức đang đặt ra và đòi hỏi nỗ lực, sự quyết tâm rất cao của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá đã và đang quyết tâm thực hiện trong thời gian tới.
Xây dựng và thực hiện chương trình khảo cổ học chiến lược tại khu di sản
Để thực hiện cam kết về chiến lược bảo tồn khu di sản Thành Nhà Hồ gửi UNESCO, ngày 29/11/2013, UBND tỉnh Thanh hóa đã ban hành Quyết định số 4220/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án nghiên cứu, khai quật, khảo cổ học tổng thể khu di tích Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Mục tiêu của khai quật, khảo cổ học tổng thể khu di sản là từng bước tìm hiểu các dấu tích văn hóa vật chất của Thành Nhà Hồ qua các thời kỳ bị vùi dưới lòng đất nhằm phát huy, nâng cao giá trị của khu di sản, góp phần cung cấp tư liệu lịch sử cho khoa học, giáo dục và tăng cường tiềm năng thu hút du lịch.
Theo đó, tổng diện tích khai quật là 56.000m2, trong đó diện tích khai quật, khảo cổ học khu vực Thành Nội là 25.000m2, hào thành 12.000m2, bốn cổng thành 5000m2, đường Hoàng Gia 14.000m2. Tổng mức đầu tư để thực hiện khai quật là trên 90 tỷ, thực hiện trong hai giai đoạn từ 2013 đến 2020 và từ 2020 đến 2025.
Việc phê duyệt khai quật khảo cổ học tổng thể khu di sản Thành Nhà Hồ thể hiện quyết tâm của tỉnh Thanh hóa trong nỗ lực thực hiện các cam kết với UNESCO. Tuy nhiên, đến nay tiến độ thực hiện việc khai quật khảo cổ học tổng thể khu di sản theo quyết định phê duyệt về cơ bản đã được triển khai.
Hiện công tác khai quật đã được thực hiện và hoàn thành ở tất cả các hạng mục: Khu vực Hào Thành phía Nam và phía Bắc khu di sản Thành Nhà Hồ, khu vực Hào Thành phía Đông, phía Tây và phần lớn diện tích các khu vực khai quật khảo cổ học trong thành nội theo nội dung quyết định phê duyệt khai quật, khảo cổ học tổng thể đến nay đều đã được triển khai thực hiện.
Quá trình khai quật, khảo cổ, tỉnh Thanh Hoá đặc biệt chú ý đến 6 bước của quy trình khai quật: Chuẩn bị mặt bằng, phương tiện vật tư khai quật; khai quật bằng phương pháp thủ công; hoàn trả mặt bằng khai quật; chỉnh lý kết quả khai quật và lập hồ sơ hiện vật; hội thảo khoa học; hệ thống kết quả khai quật và xây dựng báo cáo khoa học để phân kỳ đầu tư đảm bảo lộ trình theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Đối với khu di sản Thành Nhà Hồ, trong thời gian tới, để có cơ sở triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì các kết quả khai quật, khảo cổ học là căn cứ qua trọng để triển khai thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo. Do vậy, với các kiến trúc trong khu vực di sản, đặc biệt là các kiến trúc trong khu Thành Nội Thành Nhà Hồ được chú trọng quan tâm khai quật. Việc khai quật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, gắn khai quật với các dự án bảo tồn, phục dựng kiến trúc để phục vụ khai thác, phát huy giá trị khu di sản.
Xây dựng và thực hiện chương trình, đề án Khai thác, phát triển du lịch Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ
Đề án Khai thác, phát triển du lịch Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 1967/QĐ-UBND, ngày 08/6/2016 là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện công tác khai thác, phát huy giá trị tại khu di sản Thành Nhà Hồ.
Theo đó, mục tiêu của đề án là đưa khu di sản Thành Nhà Hồ trở thành điểm tham quan trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa và của cả nước, đưa tổng lượng khách du lịch từ 78.500 lượt khách năm 2016 lên 800.000 lượt khách/năm vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân tăng từ 18,7% giai đoạn 2016 - 2020 lên 13,6% giai đoạn 2026 - 2030. Đưa tổng mức thu từ hoạt động du lịch từ 745 triệu/năm 2016 lên 2000 tỷ vào năm 2030. Các mục tiêu về cơ sở lưu trú phục vụ du lịch đạt 900 phòng vào năm 2030, lao động trong lĩnh vực du lịch tại khu di sản đạt 200 người vào năm 2030.
Sau khi phê duyệt đề án, trong các năm từ 2016 đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã bố trí nguồn lực rất lớn để Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Vĩnh Lộc và các cấp ngành liên quan chủ động thực hiện các nhiệm vụ tại đề án.
Đến nay, loại hình du lịch cộng đồng đã bắt đầu hình thành tại khu di sản Thành Nhà Hồ, các tuyến tham quan du lịch được mở rộng phong phú hơn, công tác tập huấn về kỹ năng du lịch, giao tiếp ứng xử trong du lịch, bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ phục vụ du lịch đã được triển khai tại khu di sản Thành Nhà Hồ.
Cũng như những di sản văn hóa thế giới khác ở Việt Nam và trên thế giới, sau khi được UNESCO vinh danh, Thành Nhà Hồ đã trở thành một địa điểm có nhiều tiềm năng để khai thác phục vụ phát triển du lịch.
Bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ gắn với phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ chung của các cơ quan ban ngành, đơn vị quản lý. Đây cũng chính là mục tiêu mà tỉnh Thanh Hoá đang hướng tới trong hoạt động quản lý khu di sản độc đáo này nhằm bảo tồn và phát huy danh hiệu UNESCO mà Di sản Thành Nhà Hồ đã được vinh danh.