Văn hóa - Du lịch

Lễ hội Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từ ngày 8 đến 10/1/2024

Vũ Ba 07/01/2024 - 16:19

Thông tin từ UBND huyện Vĩnh Bảo (TP. Hải Phòng) cho biết mọi công tác chuẩn bị cho Lễ hội Đền Trạng Trình Kỷ niệm 438 năm Ngày mất của Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm đã hoàn thành.

Theo đó, Lễ hội Đền Trạng Trình Kỷ niệm 438 năm Ngày mất của Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 8 đến 10/1/2024 (tức 27 đến 29 tháng 11 năm Quý Mão) tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo.

Chương trình lễ hội năm nay có hai phần: phần lễ và phần hội. Trong đó phần lễ gồm: Lễ mộc dục, Lễ rước văn, Lễ cáo yết, Lễ dâng hương; Lễ Kỷ niệm 438 năm Ngày mất của Danh nhân.

Phần hội gồm các trò chơi dân gian, truyền thống, các hoạt động văn hóa thể thao như: Đấu vật truyền thống, chương trình thơ - nhạc về Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, hát Văn, hát Xẩm, hát Chèo Kéo co, Liên hoan văn nghệ các làng văn hóa, trò chơi dân gian, giải đua thuyền, Giải pháo đất…

Lễ hội Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được tổ chức thường niên vào cuối tháng 11 Âm lịch, nhân dịp kỷ niệm ngày mất của Danh nhân, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với cán bộ, nhân dân thành phố và du khách.

trang-trinh-nguyen-binh-khiem-2.jpg
Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Lễ hội nhằm tuyên truyền, giới thiệu về thân thế, sự nghiệp, công lao của Trạng Trình, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Qua đó, lễ hội chuyển tải thông điệp góp phần giáo dục tình yêu quê hương đất nước, giáo dục truyền thống văn hóa, tinh thần hiếu học cho các thế hệ học sinh, sinh viên và nhân dân, cũng như bày tỏ lòng tri ân của nhân dân với Trạng Trình.

Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), tên húy là Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử. Ông sinh tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng).

Cha của ông là giám sinh Nguyễn Văn Định, đạo hiệu là Cù Xuyên, nổi tiếng hay chữ nhưng chưa hiển đạt trong đường khoa cử. Mẹ của ông là bà Nhữ Thị Thục, con gái út của quan Tiến sĩ Thượng thư Bộ Hộ (Triều Lê) Nhữ Văn Lan; bà là người phụ nữ có bản lĩnh khác thường, học rộng biết nhiều lại giỏi tướng số.

Nguyễn Bỉnh Khiêm được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử, là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử, văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16.

Sau khi bỏ qua 9 kỳ thi, năm Ất Mùi (1535), ông thi đỗ Trạng Nguyên khi ở tuổi 45 và làm quan dưới Triều Mạc. Sau đó, ông được phong tước Trình Tuyền hầu rồi thăng tới Trình Quốc (dân gian quen gọi ông là Trạng Trình), được bổ nhiệm làm Đông Các hiệu thư, Tả thị lang bộ Hình, Tả thị lang bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ.

Năm Nhâm Dần 1542, vua Mạc Hiến Tông (Mạc Phúc Hải) thay vua cha lên ngôi nhưng còn ít tuổi, chưa đủ năng lực điều hành chính sự, triều chính chia bè phái gây bất ổn.

Sau đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dâng sớ vạch tội 18 lộng thần nhưng không được vua chấp thuận. Đến mùa Thu năm 1542, ông từ quan về quê dựng Am Bạch Vân mở trường dạy học, sau 8 năm làm quan phò tá dưới Triều Mạc.

Am Bạch Vân đã trở thành trung tâm đào tạo nhân tài của đất nước lúc đó với những tên tuổi còn mãi lưu sử sách như: Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Quyện, Đinh Thời Trung, Lương Hữu Khánh…

Trạng Trình ngoài sứ mệnh một người thầy lớn còn để lại cho đời sau rất nhiều tác phẩm thơ ca đặc sắc. Đặc biệt, ông được biết tới với những lời tiên tri ứng nghiệm còn được gọi “sấm Trạng”.

Qua các cuộc hội thảo, nghiên cứu, đánh giá, vào năm 1991, Khu Di tích gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm tại xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo đã được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.

Năm 2015, Khu Di tích Đền thờ Danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Đền thờ Trạng Trình là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Năm 2023, UBND TP. Hải Phòng phối hợp các cơ quan, tổ chức liên quan công bố Quyết định thành lập và ra mắt Ban vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhân Kỷ niệm 450 năm Ngày mất của ông (1585-2035).

Vũ Ba