Theo chân những người phụ nữ hái rong biển bên ghềnh đá Nam Ô
Dẫu đã vào cuối mùa, dẫu cái lạnh buốt da cắt thịt và dẫu cho nguy hiểm luôn rình rập… những người phụ nữ ấy vẫn miệt mài tìm hái rong biển (mứt biển) nơi ghềnh đá Nam Ô (thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng). Với họ, đó là nghề mưu sinh.
Mưu sinh…
Trời vừa mờ sáng, dưới cơn mưa phùn rét buốt, rất nhiều người dân đã cầm theo túi lưới đựng rong, miếng cào,... để đi hái rong biển. Biển động, sóng từng cơn cuộn tròn trắng xóa, nhiều người dân đứng lặng im, trầm ngâm. Đôi mắt họ nhìn về phía chân trời xa xăm, như đang trôi vào một thế giới mênh mông vô định.
Khi được hỏi thăm cơ duyên theo nghề này, bà Chung (60 tuổi, trú tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) chia sẻ: “Bà đi hái rong biển từ năm 20 tuổi đến giờ, thấy người ta đi thì mình đi theo thôi. Nghề này cần phải kiên nhẫn, bà cũng lớn tuổi rồi, nên hái về cũng hay đau lưng vì phải cúi xuống liên tục 4 – 5 tiếng.” Vừa mang găng tay, bà vừa nói: “Muốn hái phải chuẩn bị nhiều thứ như túi lưới, găng tay, tất, dép chống trơn trượt, miếng cào,... Đặc biệt, cần phải cẩn thận nữa.”
Mưa vẫn rơi nhưng nó vẫn không cản được bước chân của người phụ nữ đi hái rong biển. Đa phần người hái đều là những người phụ nữ đã ngoài 40, họ mặc nhanh những chiếc áo mưa, cùng nhau bước đi trên con đường đầy sỏi đá. Khi đến nơi để hái rong biển, ai nấy đều tản ra để tìm vị trí cho mình.
Đảo mắt tìm vị trí thích hợp, bà Chung nhanh chóng lấy miếng cào kim loại, thoăn thoắt cào “lộc” mà biển ban cho. Mưa rơi tí tách trên ghềnh đá, bà Chung vẫn tiếp tục tỉ mẩn nhặt từng cọng rong biển.
“Mưa bà vẫn làm, sắp đến tết rồi, còn trăm ngàn thứ phải chi”, bà Chung nói. Đã vào cuối mùa rong, nhưng những người phụ nữ vẫn cố gắng mưu sinh vì một cái tết ấm áp, đủ đầy. Bởi đằng sau lưng bà còn là cả một gia đình nhỏ, còn biết bao nhiêu thứ phải vun vén, lo toan.
Dưới ghềnh đá, từng con sóng trắng xóa từng hồi táp vào chân đá, đôi lúc nó dâng cao bất chợt như đang chực chờ “nuốt” lấy những số phận phụ nữ nhỏ bé. Bà Chung vừa cặm cụi hái, đôi mắt vừa canh từng đợt sóng to. Đã vào cuối mùa, nên việc tìm những cọng rong biển tươi, ngon lại càng khó hơn. Bà Chung thoăn thoắt trèo qua các ghềnh đá, không ngại ra phía xa xa để mưu sinh.
Trời lúc này đã hửng sáng, mưa cũng đã ngưng. Nhanh chóng cởi bỏ những chiếc áo mưa thùng thình, những người phụ nữ lại tiếp tục công việc của mình. Mái tóc của họ đã bàng bạc với gió sương, đôi mắt hằn sâu dấu vết của thời gian.
Tiếng cào vang lên khắp ghềnh đá, minh chứng cho sự tảo tần, gan dạ và hy sinh. Dù nắng hay mưa, dù ghềnh đá có trơn trượt, dù sóng to gió lớn, nhưng những con người ấy vẫn chọn mưu sinh, họ cúi gằm xuống mặt đá hái rong để có được cái tết trọn vẹn hơn.
“Cược” mạng sống bên ghềnh đá
Theo chân những người phụ nữ ra phía xa, chúng tôi được căn dặn kĩ là phải bước thật chặt, bởi ghềnh đá rất trơn trượt, chỉ cần một phút sơ sẩy sẽ có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Chị Mai (44 tuổi, trú tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) chia sẻ: “Khi hái rong, một tay để mang dụng cụ đựng rong, một tay tay kia dùng để hái, nên cần phải cố gắng giữ thăng bằng”.
Chị Mai lưu ý thêm, không nên ham rong nhiều mà ra xa mép biển, bởi nếu sơ sẩy rất có thể bị trượt chân té xuống, gặp đang lúc sóng to gió lớn rất có thể bị cuốn trôi. Nơi đây, người hái rong còn phải học cách làm thế nào để giữ an toàn khi chẳng may bị sóng đánh trúng.
Chị Mai cho biết, chị thường theo chân người dân đi hái từ Tháng 10 âm lịch đến cuối tháng Giêng, mới theo nghề được 2 năm nhưng chị đã hiểu rõ tất cả những khó khăn, vất vả của nghề. Lúc đầu chị cũng rất sợ hãi khi thấy những ghềnh đá nhấp nhô, khi thấy những con sóng dâng cao xô bờ, nhưng nỗi lo về “cơm áo gạo tiền” đã khiến chị quên đi tất cả nỗi sợ, trong tâm trí chị chỉ hiện về hình ảnh những đứa con.
Gió biển táp vào khuôn mặt của những người phụ nữ, cơ thể họ đã mệt nhoài, lưng cũng đã mỏi, nhưng họ vẫn không dám nghỉ ngơi, chỉ thấy tay họ vẫn đang cào mạnh và mỗi lúc một nhanh hơn. “Mỗi ngày chị thường hái được khoảng 2 – 3 ký, kiếm được khoảng 300 nghìn đồng, ở đây mỗi người sẽ có mức thu nhập khác nhau, tùy theo sự chịu khó và kinh nghiệm của họ”, chị Mai tâm sự.
Mặt trời đã lên cao, những số phận bé nhỏ không thể giấu đi những nhọc nhằn vất vả hằn trên cơ thể, họ lặng lẽ di chuyển về nhà. Trên tay họ là túi đựng rong biển – là niềm hy vọng cho tổ ấm. Chồng đi biển xa, những người phụ nữ không những phải trong vai người vợ mà còn gánh trọng trách của người chồng.
Qua thời gian, những số phận nhỏ bé ấy cũng đã dần quen với sương gió, đôi tay cũng chai sạm hẳn đi, họ chấp nhận “đánh cược” mạng sống để có thêm thu nhập vun vén cho gia đình. Qua ánh mắt và những bước đi mệt lả sau mỗi chuyến hái rong về, chúng tôi càng cảm nhận hết thảy đức hy sinh, sự tần tảo của những người phụ nữ nơi đây.
Tiếng cạo trên ghềnh đá đã vơi dần đi, phía sau là tiếng sóng biển vẫn ào ạt dồn dập va vào đá. Rồi ngày mai, những phụ nữ sẽ lại đến với ghềnh đá Nam Ô, đến để tìm kiếm hy vọng, đến để có thêm thu nhập, đến để tiếp tục với công cuộc mưu sinh của mình.