TPHCM: Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn
Ban Chỉ đạo 389 TPHCM vừa xây dựng Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn TPHCM.
Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 TPHCM yêu cầu các lực lượng chức năng, sở ngành, UBND thành phố Thủ Đức, các quận - huyện tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và UBND TPHCM về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 theo chức năng, nhiệm vụ địa bàn, lĩnh vực phụ trách.
Chủ động nắm chắc diễn biến tình hình; nhận diện phương thức, thủ đoạn mới về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm, xây dựng phương án bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cảng hàng không dân dụng, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, các khu vực buôn bán khác trong nội địa nhằm phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc; các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả.
Các đơn vị cần chú ý các nhóm mặt hàng, lĩnh vực:
+ Nhóm mặt hàng cấm, mặt hàng ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán, như: vũ khí, ma túy, vật liệu nổ, pháo nổ, hóa chất, tiền chất công nghiệp, đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, tài liệu phản động, sản phẩm mang nội dung gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia, động vật và thực vật hoang dã;
+ Nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán, như: quần áo, giày dép, điện thoại di động, hàng điện tử, điện lạnh, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, nước giải khát, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, vị thuốc y học cổ truyền, trang thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch bệnh, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm, thực phẩm tươi sống; đặc biệt chú ý đến các sản phẩm được sử dụng để làm quà tặng;
+ Nhóm mặt hàng nông lâm, thủy sản, vật tư nông nghiệp và phân bón; vật liệu và thiết bị xây dựng; xe đạp điện, xe máy điện và mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; các sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu; các sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm bình ổn thị trường.
Ban Chỉ đạo 389 TPHCM yêu cầu đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, thanh tra chuyên ngành, UBND thành phố Thủ Đức, các quận - huyện trong việc tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn TP. Chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết hiệu quả tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại, hàng giả, nhất là thực hiện nghiêm việc chuyển cơ quan điều tra đối với các vụ việc có dấu hiệu hình sự.
Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng tham gia công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với những nội dung thiết thực, hình thức phù hợp, có tính thuyết phục cao.
Đưa công tác dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, hàng hóa, giá cả... là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, để sẵn sàng đối phó với các tình huống có thể xảy ra.
Ban Chỉ đạo 389 TPHCM yêu cầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các giới, các tầng lớp Nhân dân không sử dụng hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Vận động người dân tố giác các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có hành vi chứa trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả để các lực lượng chức năng kịp thời xử lý, ngăn chặn.
Phối hợp tổ chức các hoạt động giới thiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm đặc trưng của địa phương (OCOP) đến với các giới, các tầng lớp Nhân dân thông qua các hội thi, triển lãm, quà tặng Tết cho người khó khăn, gia đình chính sách…
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TPHCM được giao tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cửa sông, cửa biển, khu vực cửa khẩu cảng, nhất là các tuyến phao, nơi neo đậu, bốc dỡ hàng hoá trên sông; các bến đò, phương tiện chở khách, thủy thủ, thuyền viên từ tàu vào bờ. Kịp thời phát hiện bắt giữ khi có hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua cửa khẩu cảng, biển TPHCM, tập trung một số mặt hàng trọng điểm, chiến lược: xăng dầu, khoáng sản, hóa chất, thuốc lá, gỗ, đường, hàng tiêu dùng; hàng cấm: pháo nổ, ma túy.
Cục Hải quan TPHCM kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu đường bộ, cảng biển, cảng sông, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát hải quan.
Cục Quản lý thị trường TPHCM rà soát các mục tiêu trọng điểm, các đối tượng đầu nậu, ổ nhóm và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định để kịp thời phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời báo cáo, đề xuất phối hợp Quản lý thị trường các tỉnh khi cần thiết để truy xét nơi sản xuất hàng hoá hoặc kho hàng, điểm chứa trữ hàng hóa ngoài TPHCM.
Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật. Tập trung kiểm soát các nhóm hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu, cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện; nhóm hàng có thuế suất cao, thuế tiêu thụ đặc biệt, hàng hóa ảnh hướng lớn đến nền kinh tế: thuốc lá, rượu, xăng dầu, đường cát,... và các mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán.
Phối hợp các Đoàn liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM và quận, huyện kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các loại thực phẩm; xử lý các cơ sở vi phạm các quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, buôn bán thực phẩm quá hạn sử dụng, thực phẩm chứa chất phụ gia bị cấm hoặc hết hạn sử dụng,...
Sở Tài chính được giao chủ trì, phối hợp quản lý, điều hành bình ổn giá, tổ chức kiểm tra, xử lý việc chấp hành pháp luật về giá, phí, lệ phí trên địa bàn. Theo dõi diễn biến giá cả thị trường, cung cầu hàng hóa đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng bình ổn thị trường phục vụ đời sống nhân dân để kịp thời phối hợp với sở, ban, ngành nhằm dự báo tình hình, xử lý các trường hợp biến động giá, các trường hợp mất cân đối cung cầu trên địa bàn.
Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, phí đối với các hàng hóa, dịch vụ tại chợ đầu mối, chợ truyền thống, bến xe, khu vui chơi giải trí, điểm bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại, điểm trông giữ xe...
Sở Văn hóa và Thể thao đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, kiểm tra chuyên ngành văn hoá, thể thao, quảng cáo, kiểm tra liên ngành văn hoá - xã hội trên địa bàn TPHCM.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí của TPHCM phối hợp với các lực lượng chức năng kịp thời phản ánh tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân về các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; những tác động xấu đối với kinh tế, xã hội của hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại.
Chỉ đạo Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời đưa tin công khai việc phát hiện, bắt giữ các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các đợt tiêu hủy hàng hóa vi phạm. Tăng cường chất lượng phóng sự, tin bài về lĩnh vực này.
Sở Công Thương TPHCM chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử, sản xuất, kinh doanh xăng dầu, pha chế dung môi,... trên địa bàn TPHCM; Tổng hợp và xử lý các thông tin thị trường trên địa bàn TP về tổng mức lưu chuyển hàng hóa, tổng cung, tổng cầu, mức dự trữ lưu thông và biến động giá cả của các mặt hàng thiết yếu để chủ động có phương án hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền giải pháp điều tiết lưu thông hàng hóa. Đồng thời nắm thông tin về lượng hàng về các chợ đầu mối, bảo đảm việc cung ứng hàng hóa đến các chợ trên địa bàn TPHCM; giá cả biến động tăng giảm đối với những nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng tại chợ trong những ngày giáp Tết.
Bên cạnh đó, chủ động tham mưu cho UBND TPHCM phương án chuẩn bị nguồn cung, dữ trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Sở Tài chính, Công an tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn TPHCM.
Thường xuyên tăng cường rà soát các trang mạng xã hội, ứng dụng thương mại điện tử, các nhóm mặt hàng và hành vi vi phạm phổ biến để đánh giá đúng thực trạng; kịp thời phát hiện, trao đổi thông tin, phối hợp với các lực lượng như Quản lý thị trường, Công an, Thuế... tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt dộng thương mại điện tử.
UBND thành phố Thủ Đức và UBND các quận, huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng tại địa phương tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát tại các chợ truyền thống, cửa hàng, cửa hiệu trên địa bàn; các điểm dịch vụ ăn uống... nhằm phát hiện các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không bảo đảm chất lượng và gian lận thương mại. Chỉ đạo lực lượng Công an địa phương rà soát nắm chắc tình trạng chứa, trữ, trung chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quản lý. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng bày bán hàng hóa lấn chiếm lòng đường, hè phố, gây cản trở giao thông.
Ban Chỉ đạo 389 TPHCM yêu cầu các Sở, ban ngành, UBND thành phố Thủ Đức, các quận - huyện căn cứ Kế hoạch này khẩn trương triển khai, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn phụ trách; bảo đảm sự chỉ đạo xuyên suốt, theo dõi sát sao tiến độ kết quả thực hiện của các phòng, ban, đơn vị trực thuộc.