Bình Thuận: Không để tồn tại các băng nhóm tội phạm nguy hiểm
Chiều 5/1, tại buổi Họp mặt báo chí đầu năm 2024, cơ quan Công an tỉnh Bình Thuận đã thông tin nhiều vấn đề nóng trong năm qua và đặt ra nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Đại tá Lê Quang Nhân, Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, trong năm 2023, các loại tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm tín dụng đen, cho vay lãi nặng, tội phạm cờ bạc đã bị xử lý nghiêm. Không để tồn tại các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, hoạt động theo kiểu xã hội đen, băng nhóm hoạt động liên huyện, liên tỉnh gây bức xúc trong nhân dân…
Để có kết quả này, Công an tỉnh Bình Thuận đã tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự.
Đơn vị chủ động nắm chắc địa bàn, dự báo, đánh giá sát tình hình để kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết các vụ, việc phát sinh ngay tại cơ sở, không để phức tạp, tạo thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Bảo vệ tuyệt đối an toàn hàng chục sự kiện trong chuỗi hoạt động năm du lịch Quốc gia “Bình Thuận - Hội tụ xanh” năm 2023, tạo được sự an tâm, an toàn cho du khách và nhân dân, góp phần thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đáng lưu ý, Công an tỉnh đã phát động 5 đợt cao điểm tấn công trấn áp mạnh các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, tội phạm cờ bạc. Đặc biệt, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các loại “tội phạm đường phố”, các băng nhóm sử dụng hung khí giải quyết mâu thuẫn. Phát hiện, ngăn chặn từ sớm 32 vụ với 335 đối tượng chuẩn bị đánh nhau, có sử dụng hung khí;
Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm đánh bạc, mại dâm. Bắt 484 vụ với 2.841 đối tượng cờ bạc; 6 vụ với 41 đối tượng hoạt động mại dâm. Đơn vị đã tổ chức đấu tranh, triệt phá, chặt đứt nhiều đường dây ma túy lớn, quyết liệt ngăn chặn tình trạng thẩm lậu ma túy từ bên ngoài vào địa phương, gắn điều tra, khám phá án đều đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Cụ thể, tỷ lệ tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm đạt 100%; Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt 91,04% (vượt 1,04%) so với năm 2022; Tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm về trật tự xã hội đạt 84,48% (vượt 9,48%); Tỷ lệ điều tra khám phá án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 90,48% (vượt 0,48%).
Triệt phá 514 vụ với 765 đối tượng phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy (tăng 59 vụ so với năm 2022); lập 491 hồ sơ đưa đối tượng vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc; gọi hỏi, răn đe, giáo dục 3.234 lượt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.
Công tác đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, môi trường tiếp tục được đẩy mạnh, đã phát hiện và xử lý hành chính 370 vụ với 385 vi phạm pháp luật trên lĩnh vực kinh tế, phạt tiền gần 1,5 tỷ đồng và 301 vụ với 363 đối tượng vi phạm pháp luật trên lĩnh vực môi trường, phạt tiền gần 9 tỷ đồng;
Tiếp tục thể hiện vai trò thường trực, nòng cốt trong việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; đến thời điểm hiện tại đã đồng bộ vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 1.486.033 nhân khẩu thường trú; tổ chức thu nhận 813.308 hồ sơ tài khoản định danh mức độ 2. Từ đầu năm 2023 Bình Thuận là một trong số địa phương xếp loại thấp của cả nước, nhưng bằng nhiều giải pháp hiệu quả, đã trở thành một trong 19 tỉnh hoàn thành sớm chỉ tiêu cấp CCCD và định danh điện tử, được Bộ Công an tặng Bằng khen.
Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tiếp tục tiếp tục được tăng cường, qua đó đã phát hiện và xử phạt gần 50 nghìn trường hợp vi phạm với tổng số tiền gần 110 tỷ đồng. Công tác PCCC và CNCH được quan tâm đẩy mạnh, qua đó đã xây dựng được 423 “Tổ liên gia an toàn PCCC”, 372 “Điểm chữa cháy công cộng”, hướng dẫn mở lối thoát nạn thứ 2 đối với 11.818 hộ gia đình, nhà ở để sản xuất kinh doanh, vận động 109.116 hộ gia đình, nhà ở đơn lẻ và hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tự trang bị bình chữa cháy.
Theo Đại tá Đinh Kim Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, các loại tội phạm đang dần trẻ hóa và vi phạm pháp luật một cách vô tình do thiếu hiểu biết pháp luật. Chẳng hạn như trong đợt cao điểm trấn áp tội phạm vừa qua, nổi lên tình trạng mua bán, tàng trữ pháo lậu dịp cận Tết. Chỉ trong 15 ngày ra quân đợt cao điểm, các lực lượng đã phát hiện 14 trường hợp mua bán pháo lậu trái phép, tạm giữ 20 đối tượng. Tuy nhiên, đa số đều là các bạn học sinh, sinh viên với tuổi đời còn trẻ.
“Rất xót xa khi chúng tôi bắt giữ nhiều đối tượng rất trẻ là sinh viên, học sinh mua bán pháo trái phép, mức phạt rất nặng và có thể phải chịu án hình sự”, Đại tá Đinh Kim Lập nói.
Cuối buổi gặp mặt, Đại tá Lê Quang Nhân, Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận biểu dương tinh thần đoàn kết, gắn bó hỗ trợ qua lại giữa lực lượng công an sở tại và các cơ quan truyền thông báo chí trong công tác tuyên truyền, thông tin về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong năm 2023 tại tỉnh Bình Thuận.
Bước sang năm 2024, Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận hứa sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tích cực phối hợp, chia sẻ thông tin cho báo chí; đồng thời, đề nghị các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, trao đổi thông tin nhanh hơn, nhiều hơn, chặt chẽ hơn với lực lượng công an tỉnh, nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết của lực lượng công an nhân dân với báo chí.