Lừa đảo tiền tỉ khi được tại ngoại vì nuôi con nhỏ
Từng bị tuyên phạt tù về tội lừa đảo nhưng do đang nuôi con nhỏ nên Trang được tại ngoại. Trong thời gian này, Trang tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo tiền tỷ khác.
Ngày 5/1, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Thùy Trang (SN 1989, quê huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, sống tại xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) về 3 tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Làm giả tài liệu của các cơ quan, tổ chức và Sử dụng con dấu, tài liệu giả của các cơ quan, tổ chức.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Trang sinh ra và lớn lên ở tỉnh Tây Ninh. Sau khi ly hôn chồng, Trang chung sống như vợ chồng với một người đàn ông ở xã Hồng Sơn. Quá trình sinh sống tại đây, Trang quen biết chị Lê Thị T. (SN 1986).
Khoảng tháng 4/2021, Trang lừa chị T. góp vốn để mua thực phẩm gồm cá, trứng… cung cấp cho một công ty may trên địa bàn huyện Đô Lương.
Để tạo lòng tin, Trang lừa chị T. rằng có một cán bộ công an huyện là nhà thầu cung cấp thức ăn của công ty may. Trang và T. chỉ cần mua thực phẩm cung cấp cho anh này để lấy lợi nhuận.
Trang đã đưa cho chị T. một hợp đồng kinh tế giả với nội dung thể hiện việc hai người cung cấp thực phẩm cho công ty may thông qua anh N.V.C.
Tin tưởng nên từ tháng 4/2021 đến cuối tháng 9/2021, chị T. đã nhiều lần đưa cho Trang hơn 4 tỷ đồng để góp vốn.
Đến cuối tháng 10/2021, thấy lợi nhuận thu về không được bao nhiêu nên chị T. có đề nghị Trang cho gặp anh C. để nói chuyện. Lúc này, Trang đã dùng nhiều cách như làm giả các hợp đồng kinh tế để chị T. xem và tin tưởng. Sau đó, chị T. tiếp tục đưa thêm cho Trang hơn 1,7 tỷ đồng.
Đến đầu năm 2022, chị T. yêu cầu Trang trả lại tiền cho mình, tuy nhiên do không có tiền để trả nên Trang lừa dối rằng anh C. cũng chưa lấy được tiền từ công ty. Đồng thời, Trang tiếp tục làm giả 2 hợp đồng kinh tế rồi đưa cho chị T. nhằm qua mặt người phụ nữ này. Như vậy, tổng số tiền mà Trang đã lừa đảo của chị T. là hơn 5,8 tỷ đồng.
Cũng bằng thủ đoạn tương tự, Trang đã lừa 2 người khác cùng góp vốn để mua thực phẩm cung cấp cho công ty may, chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng.
Sau khi chiếm đoạt số tiền lớn của các nạn nhân, Phạm Thùy Trang rời khỏi địa phương. Đến tháng 10/2023, Trang bị công an bắt giữ.
Cơ quan chức năng làm rõ Trang đã lừa đảo, chiếm đoạt của 3 bị hại với tổng số tiền trên 6,1 tỷ đồng.
Về các tài liệu, con dấu, cơ quan điều tra xác định, các hợp đồng kinh tế Trang cung cấp cho bị hại, con dấu của công ty may đóng trên hợp đồng là giả. Trang giả mạo chữ ký của giám đốc công ty may để ký vào các hợp đồng kinh tế với các nạn nhân.
Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo khai nhận, số tiền lừa đảo, chiếm đoạt của các bị hại đã trả nợ và tiêu xài cá nhân hết.
Được biết, trước phiên tòa này Phạm Thùy Trang từng bị TAND huyện Đô Lương tuyên phạt 8 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào tháng 3/2021. Tuy nhiên, do đang nuôi con nhỏ nên Trang được tại ngoại rồi tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo như trên.
HĐXX nhận định, trong vụ án này bị cáo có tình tiết tăng nặng là thực hiện 2 hành vi lừa đảo. Bên cạnh đó, việc bị cáo đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, chưa được xóa án tích nay lại phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nên thuôc trường hợp tái phạm nguy hiểm, do đó phải xử phạt nghiêm minh.
Tuy nhiên, cũng cần xem xét một số tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã bồi thường một phần thiệt hại cho bị hại.
Sau khi xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Phạm Thùy Trang 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 3 năm tù về tội Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và 2 năm tù về tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tổng hợp với bản án 8 năm tù trước đó, buộc bị cáo Phạm Thùy Trang phải thi hành bản án 30 năm tù.
Về phần dân sự, Tòa buộc bị cáo phải hoàn trả lại tiền cho các bị hại (được trừ đi số tiền đã bồi thường).