Giáo dục

TP. HCM: Công bố 10 dấu ấn nổi bật ngành giáo dục và đào tạo năm 2023

M.L 03/01/2024 - 18:46

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM vừa công bố 10 dấu ấn nổi bật của ngành giáo dục và đào tạo TPHCM năm 2023.

1. Chuyển đổi số - nền tảng cơ bản đổi mới giáo dục

Năm 2023 đánh dấu những bước chuyển mạnh mẽ của ngành giáo dục TP.HCM trong chuyển đổi số giáo dục. Với việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, xác thực với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia của Đề án 06 đạt 90%, là nền tảng cho các giải pháp chuyển đổi số khác.

TP.HCM đã áp dụng bản đồ GIS trong tuyển sinh đầu cấp - là một đổi mới quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh, công bằng, minh bạch, đảm bảo hiệu quả việc bố trí học sinh học ở các trường gần nhà, thuận tiện cho phụ huynh đưa đón;

Triển khai mô hình lớp học số tại những nơi có điều kiện khó khăn, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mĩ thuật; đưa vào sử dụng hệ sinh thái giáo dục thông minh, thư viện thông minh, phòng thí nghiệm thực hành hiện đại, hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LCMS, LMS...), xây dựng và phát triển học liệu số ở tất cả các môn học thuộc Chương trình GDPT 2018.

Toàn ngành phấn đấu thực hiện công trình xây dựng 50 trường học số chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

2. Nâng cao thể lực, tầm vóc giúp trẻ mầm non phát triển toàn diện

nang-cao-the-luc-tam-voc-giup-tre-mam-non-phat-trien-toan-dien..png
Nâng cao thể lực, tầm vóc giúp trẻ mầm non phát triển toàn diện.

Năm 2023, TP.HCM đã triển khai sự kiện “Năng lượng mới - cả ngày vui” góp phần nâng cao tầm vóc Việt cho trẻ ngay từ giai đoạn đầu đời với 100% các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho trẻ tham gia. Việc đổi mới hoạt động giáo dục hướng đến phát triển thể chất để trẻ có thể lực tốt, năng lượng tích cực, là mục tiêu chương trình giáo dục mầm non mới hướng đến, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực trẻ một cách toàn diện.

3. Đổi mới dạy học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Năm 2023, giáo dục tiểu học thành phố đã chủ động đổi mới phương pháp dạy học lịch sử thông qua các hoạt động phong phú, đa dạng như: tổ chức hội thi nhạc kịch lịch sử bằng tiếng Anh; Ngày hội Em yêu sử Việt với các trò chơi, múa dân vũ, xem các phim lịch sử, phim hoạt hình về lịch sử Việt Nam, các hoạt động đố vui... giúp học sinh tiếp thu kiến thức lịch sử một cách nhẹ nhàng, vui tươi.

4. Miễn 100% học phí học sinh THCS

Tại kỳ họp thứ 13, HĐND TP.HCM khoá X đã thông qua nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP.HCM. Tổng kinh phí dự kiến thực chi hỗ trợ là 1.847 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí thực hiện miễn học phí THCS là 1.114 tỷ đồng (công lập 1.053 tỷ đồng, ngoài công lập: 61 tỉ đồng).

5. Thực hiện trường học hạnh phúc toàn thành phố

TP.HCM là đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai thực hiện bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc tại 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn. Bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc với 18 tiêu chí ở 3 nhóm tiêu chuẩn: Con người; Dạy học và hoạt động giáo dục; Môi trường. Mục tiêu hướng tới là xây dựng hình ảnh con người TPHCM “tử tế, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo”, hình thành mối quan hệ tốt đẹp trong mỗi nhà trường…

6. Đồng hành cùng doanh nghiệp

Năm 2023, lần đầu tiên Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức Hội nghị đối thoại cùng doanh nghiệp tham gia lĩnh vực giáo dục đào tạo nhằm lắng nghe, giải đáp những khó khăn doanh nghiệp. Hội nghị được đánh giá là giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp mà ngành giáo dục đào tạo đã thực hiện rất thành công bên cạnh các giải pháp: mở kênh hỏi đáp trên website Sở GD&ĐT; mở kênh tuyên truyền văn bản quy phạm pháp luật cho doanh nghiệp đầu tư giáo dục; hướng dẫn, tập huấn… tạo sự yên tâm đầu tư cho doanh nghiệp.

7. Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh rộng khắp toàn ngành

Năm 2023, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM đã xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh về văn hóa vật thể, phi vật thể, trên không gian mạng, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Toàn thành phố có hơn 1.418 mô hình, công trình vật thể trưng bày tại trường học.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở thành không gian giảng dạy, học tập đối với các bộ môn Lịch sử, Ngữ văn, Giáo dục địa phương, Giáo dục công dân; tổ chức hoạt động học tập, sinh hoạt về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; hình thành không gian mở cùng tìm hiểu thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh… giáo dục cho học sinh, sinh viên truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, bồi dưỡng nhân cách, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, khát vọng cống hiến, làm người tử tế… góp phần quan trọng trong việc hình thành các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

tp.hcm-la-don-vi-dau-tien-tren-ca-nuoc-trien-khai-thuc-hien-bo-tieu-chi-truong-hoc-hanh-phuc-tai-100-co-so-giao-duc-tren-dia-ban..png
TP.HCM là đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai thực hiện bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc tại 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn.

8. Tuyển dụng viên chức, thu hút nhân tài

Năm 2023, lần đầu tiên Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý nhằm tìm kiếm nguồn cán bộ quản lý chất lượng cho cơ sở giáo dục trong năm học 2023- 2024; đồng thời triển khai tuyển dụng viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo quy định hiện hành.

9. Xã hội học tập

Năm 2023, Sở GD&ĐT đã hoàn thành xây dựng và sử dụng hệ thống dữ liệu dùng chung toàn thành phố phục vụ công tác Phổ cập giáo dục - Xóa mù chữ. Kết quả đạt được: 100% đạt chuẩn phổ cập trẻ em 5 tuổi; 100% đạt chuẩn phổ cập bậc tiểu học mức độ 3; 100% đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2 (81,8% đạt mức độ 3); 100% đạt chuẩn phổ cập bậc trung học; 100% đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Năm 2023, hồ sơ đăng ký TP.HCM trở thành thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO đã được UNESCO Việt Nam thông qua và gửi đến Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO).

10. Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học

Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TP.HCM là tổ chức đặc thù cấp tỉnh được thành lập đầu tiên tại TP.HCM so với cả nước, có chức năng giúp UBND Thành phố triển khai thực hiện một số nội dung nhiệm vụ về việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học trên địa bàn, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao;

Trong đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, cán bộ quản lý ngành, lĩnh vực theo định hướng phát triển của thành phố trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, khoa học và giáo dục lớn cho cả nước và khu vực, từng bước tham gia thị trường lao động kỹ thuật cao trong khu vực ASEAN và quốc tế.

M.L