Phóng sự - Ghi chép

Đậm đà bản sắc chợ phiên vùng cao xứ Nghệ

Gia Ân - Đình Tuân 03/01/2024 11:30

Chợ phiên Nga My ở vùng miền núi rẻo cao tỉnh Nghệ An là điểm đến hấp dẫn đối với đông đảo du khách trong và ngoài vùng. Bởi, đây không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng, mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao.

Điểm đến hấp dẫn của những người yêu văn hóa dân tộc

Nga My là xã vùng trong của huyện Tương Dương (Nghệ An). Nga My cách trung tâm huyện khoảng 70km, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái. Nhiều năm nay, người dân nhiều nơi biết đến xã Nga My, bởi nơi đây có chợ phiên mang đậm bản sắc của phiên chợ vùng cao.

anh-1111.jpg
Chợ phiên Nga My được tổ chức tại bản Bay, xã Nga My, huyện Tương Dương

Chợ phiên Nga My được tổ chức tại bản Bay, xã Nga My, huyện Tương Dương. Chợ cách trung tâm xã Nga My khoảng 1km, họp mỗi tháng 1 lần vào chủ nhật cuối cùng của tháng. Vì thế, nét độc đáo của những phiên chợ được thể hiện rõ ở không khí xuống chợ của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao.

anh-444.jpg
Các mặt hàng tại chợ phiên Nga My tạo nên bức tranh đa dạng, phong phú, sinh động về sản vật văn hóa của đồng bào vùng cao

Nếu như ở miền xuôi, người ta đi chợ chỉ để mua sắm hàng hóa tiêu dùng, còn với người dân vùng cao nơi đây, xuống chợ đối với họ, không khác gì đi dự hội vậy. Mới đến cổng chợ, một không gian thật khác ngày thường và khác nhiều so với những phiên chợ ở miền xuôi, đó là không gian đa sắc màu, đa ngôn ngữ hiện ra trước mặt. Có được điều đó là bởi những phiên chợ này có sự hiện diện của nhiều dân tộc với nhiều sắc màu văn hóa hội tụ về đây. Tuy vậy, không khí chợ phiên không hề xô bồ hay hỗn loạn, mà trở nên hết sức yên vui, náo nức.

anh-555.jpg
Tiếng cồng chiêng, khắc luống... hòa cùng tiếng nói, cười tạo nên một không khí vui nhộn tại phiên chợ

Chợ bố trí nhiều gian hàng giới thiệu sắc màu văn hóa của dân tộc Thái. Các mặt hàng bán tại chợ phiên Nga My từ lâu đã trở thành đặc trưng. Bởi lẽ, những hàng hóa được bày ra ở chợ đều là những sản vật do tự tay đồng bào làm ra hay thu hái trên nương rẫy và mang xuống trao đổi, mua bán tại chợ phiên. Đó là những loại rau, củ, quả trồng trên núi cao, các loại gia vị như hạt dổi, hạt mắc khén... Bên cạnh đó là các sản phẩm tươi sống như gà bản, vịt bầu, cá mát, lạp xưởng rất thơm ngon và hấp dẫn.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Thái

Một nét nổi bật của chợ phiên là khách có thể thưởng thức những món ăn, các đặc sản vùng miền của đồng bào dân tộc Thái như mọc, ột, cá nướng, thịt nướng... tại các gian hàng trong phiên chợ.

Cách bán hàng của đồng bào vùng cao ở những phiên chợ này cũng mang đến nét độc đáo riêng. Ở đây, không hề có lời kì kèo ngã giá, mặc cả hay bớt một thêm hai.

anh-666.jpg
Một nét nổi bật của chợ phiên là du khách và người dân tham gia phiên chợ có thể cùng nhau nhảy múa, hát ca

Dù cuộc sống có thay đổi và phát triển, nhưng người dân nơi đây vẫn giữ được những nét độc đáo của chợ phiên, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống.

Một nét nổi bật nữa của chợ phiên là du khách và người dân tham gia phiên chợ có thể cùng nhau nhảy múa, hát ca những làn điệu dân ca mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tiếng cồng chiêng, khắc luống... hòa cùng tiếng nói, cười tạo nên một không khí vui nhộn tại phiên chợ

Ông Kha Văn Lập, Bí thư Đảng ủy xã Nga My (Tương Dương), chia sẻ: “Chợ phiên Nga My là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài vùng, bởi không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, mà chợ phiên Nga My còn là nơi gặp gỡ, vui chơi và cũng là nơi lưu giữ cả một kho tàng văn hóa ẩm thực, trang phục, tập quán sinh hoạt văn hóa... vô cùng thú vị, hấp dẫn”.

anh-333.jpg
Chị em phụ nữ mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình để dự chợ phiên, vui như trẩy hội

Chợ phiên Nga My không chỉ là điểm đến hấp dẫn cho những người yêu văn hóa dân tộc, muốn khám phá trải nghiệm đời sống, văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao, mà còn góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng dân tộc Thái.

Gia Ân - Đình Tuân