Độc đáo bánh sừng trâu ở miền Tây xứ Nghệ
Đối với đồng bào dân tộc Thái, Thổ ở vùng miền núi Nghệ An, các ngày lễ, Tết không thể thiếu một loại bánh mang phong vị, đặc trưng của dân tộc mình là bánh sừng trâu, loại bánh này chính là chiếc cầu nối thiêng liêng giữa người dân với thần linh, đất trời trong các dịp lễ, Tết.
Những chiếc bánh làm nên phong vị ngày Tết
Trong những ngày Tết, với người Kinh không thể thiếu bánh chưng thì đối với người Thái, Thổ ở các huyện miền núi Nghệ An lại không thể thiếu bánh sừng trâu, những chiếc bánh làm nên phong vị ngày Tết cho đồng bào.
Gọi là bánh sừng trâu vì hình dạng thon nhọn của bánh tựa chiếc sừng trâu, con vật gần gũi với đồng bào Thái, Thổ. Bánh sừng trâu được làm từ loại nếp thơm truyền thống (nếp nại) và được gói trong những chiếc lá chuối hoặc lá dong. Nét độc đáo của bánh sừng trâu là không có nhân và không ngâm nếp trước khi gói. Bánh sau khi gói xong sẽ được thả vào thau nước lạnh ngâm khoảng hai đến ba giờ đồng hồ cho nếp mềm mới mang ra nấu.
Bánh sừng trâu khi đã chín có màu sắc đẹp của nếp, tỏa ra mùi hương ngọt ngào của lá dong trông rất hấp dẫn. Vì không có nhân nên bánh sừng trâu để sau nhiều ngày vẫn giữ được độ dẻo, mùi thơm mà không sợ hỏng.
Người Thái, người Thổ đều gọi loại bánh có hình dạng thon nhọn tựa chiếc sừng trâu là “bánh sừng trâu”. Cái tên "bánh sừng trâu" được đồng bào nơi đây đặt tên và thích gọi nhất bởi nó mang tính dân dã, đơn giản và thiêng liêng, vì con trâu gần gũi và có ý nghĩa vô cùng to lớn trong đời sống của người dân. Dù người Thái hay người Thổ đều cùng quan niệm, việc sở hữu con trâu là việc quan trọng trong đời người.
Trong các dịp lễ, Tết của người Thái hay Thổ, bánh sừng trâu luôn có mặt trên mâm cúng tổ tiên, thần linh. Với đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), loại bánh này không chỉ là một món bánh ngon, mà còn là chiếc cầu nối thiêng liêng giữa người dân với thần linh, đất trời trong các dịp lễ, Tết. Trong nhà, dù giàu nghèo thế nào, mâm lễ cúng dâng lên các vị thần và ông bà, tổ tiên mỗi dịp lễ Tết của đồng bào Thái, Thổ đều phải có bánh sừng trâu.
Quà tặng du lịch độc đáo cho du khách
Trước đây, bánh sừng trâu chỉ xuất hiện trong các dịp quan trọng của người Thái, Thổ như một lễ vật mang tính tâm linh trong những ngày Tết, lễ hội như lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn mừng được mùa, lễ vào nhà mới…
Nhưng ngày nay, cùng với quá trình giao lưu, trao đổi giữa các vùng miền, đặc biệt là việc phát triển du lịch cộng đồng tại các bản làng, bánh sừng trâu đã trở thành sản phẩm quà tặng du lịch độc đáo cho du khách khi đến vùng đất này. Hay tại các phiên chợ hàng Việt thì loại bánh sừng trâu cũng được bày bán, giới thiệu là một trong những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu vùng miền của huyện Quỳ Hợp.
Những ngày cuối năm nếu có dịp về các bản làng người Thái, người Thổ ở huyện miền núi Quỳ Hợp, ai cũng sẽ đều cảm nhận rõ sự mến khách, bởi họ quan niệm rằng, nếu Tết có đông khách đến chơi, cả năm sẽ gặp may mắn. Vì vậy vào dịp Tết, gia chủ tiếp đón khách rất chu đáo, khách được mời ăn, mời rượu và mời ngủ lại nhà, các cháu nhỏ được mừng tuổi bằng những chiếc bánh sừng trâu hay ống cơm lam.
Đặc biệt, vào dịp này, người Thái còn hát cho nhau nghe những làn điệu như Xuối, Khắp, Lăm Nhuôn và người Thổ cùng nhau thưởng thức những làn điệu đu đu điềng điềng, tập tính tập tang…
Đồng thời cùng tận hưởng những món ngon truyền thống, nhâm nhi từng miếng cá khe, suối nướng, thịt bò khô xông khói, chiếc bánh sừng trâu và cùng lắng nghe âm hưởng của tiếng cồng chiêng vang vọng khắp núi rừng; mời nhau những chén rượu nồng, chúc cho mọi người khỏe mạnh, nhà nhà sum vầy, bản mường yên vui.