Đời sống

TP Cần Thơ 20 năm xây dựng và trưởng thành - Bài 2: Chính quyền kiến tạo, trung tâm vùng đất 'chín rồng' bay cao

Tâm Phúc - Minh Triết - Khánh Ngọc 01/01/2024 06:00

Việc đặt TP Cần Thơ vào đúng vai trò, vị trí là “thủ phủ” của miền Tây và Trung ương đã trao cho Cần Thơ “chiếc gậy thần kỳ”. Nghị quyết 45, Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị cùng với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng; sự chỉ đạo, điều hành, quan tâm của Quốc hội, Chính phủ; các bộ, ngành Trung ương cộng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân TP Cần Thơ đã tạo nên sự phát triển ngoạn mục.

“Đất lành chim đậu”

Là người con của đất Hải Dương nhưng doanh nhân – người lính Phạm Thái Bình có khoảng thời gian dài tham gia kháng chiến ở chiến trường Tây Nam Bộ và sau khi hòa bình lập lại, ông Bình vẫn bám trụ miền Nam và xem Cần Thơ như là quê hương thứ hai của mình.

“Miền Tây có khí hậu ôn hòa, nước ngọt quanh năm, đây là một lợi thế trời cho. Ngành hàng sản xuất lúa gạo là thế mạnh, có thể mang lại sự thịnh vượng cho doanh nghiệp, làm giàu cho người nông dân ở khu vực này, đó là lý do mà tôi đã gắn bó với cây lúa, hạt gạo trong suốt gần ba thập niên qua kể từ ngày rời quân ngũ”, ông Bình chia sẻ.

Xuất phát điểm chỉ là một đại lý kinh doanh gạo, đến nay Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An do ông Bình làm Chủ tịch HĐQT đã trở thành “nhà buôn gạo” lớn nhất tại Cần Thơ. Trong hơn 20 năm xuất khẩu, Công ty Trung An đã đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu TP Cần Thơ hàng tỷ USD.

do-thi-can-tho.jpg
Một góc TP Cần Thơ nhìn từ trên cao

Là một nhà đầu tư đã gắn bó với Cần Thơ hơn 18 năm, TS. LS Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Nam Cần Thơ cũng cho rằng, so với các địa phương trong khu vực thì TP Cần Thơ luôn thể hiện vai trò trung tâm khi có cơ sở hạ tầng phát triển, có nhiều cơ hội để nhà đầu tư mở rộng lĩnh vực đầu tư, kinh doanh của mình.

“Đối với Đại học Nam Cần Thơ, khi đến Cần Thơ, mục tiêu ban đầu là chỉ đầu tư trường học. Tuy nhiên, qua quá trình sinh sống làm việc, chúng tôi nhận thấy vùng đất này có nhiều dư địa và đã mở rộng đầu tư kinh doanh trên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thành lập doanh nghiệp trong trường học và sắp tới đây sẽ tiếp tục “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản, du lịch”, LS. TS Nguyễn Tiến Dũng tiết lộ.

Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường, từ những quyết sách quan trọng và sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, người dân, hành trình 20 năm Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã ghi dấu nhiều đổi thay như khoác lên mình một bộ “áo mới”.

Nét nổi bật đầu tiên đó là, tăng trưởng kinh tế duy trì tốc độ tăng mức khá, tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2004 - 2010 (GDP - giá so sánh 1994) tăng bình quân 15,18%/năm; tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP giai đoạn 2011 - ước năm 2023 tăng bình quân 5,64%.

Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, hàng năm đóng góp khoảng 1,2% GDP cả nước và khoảng 9,5% GRDP của vùng ĐBSCL. Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) ước năm 2023 đạt 94,74 triệu đồng, gấp 9,2 lần so năm 2004.

Thành phố đã cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút sự tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế trên địa bàn. Phát triển doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực: trong giai đoạn 2004 - 2023, ước cấp mới đăng ký doanh nghiệp cho 22.445 doanh nghiệp các loại hình với tổng vốn đăng ký trên 153.000 tỷ đồng. Thực hiện cấp mới 125 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,7 tỷ USD.

mo-rong-khong-gin-do-thi.jpg
Không gian đô thị của TP Cần Thơ được mở rộng

Bên cạnh đó, kết quả phát triển các ngành, lĩnh vực có nhiều tiến bộ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng; tăng dần tỷ trọng các ngành chế tạo, chế biến có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật tiến bộ, có lợi thế cạnh tranh.

Thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng, giữ vai trò chủ lực trong cơ cấu GRDP, từng bước tạo lập vai trò trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ở TP Cần Thơ luôn đứng đầu khu vực ĐBSCL. Cơ sở hạ tầng và sản phẩm du lịch không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và ngày càng phát triển hoàn thiện, đồng bộ với thế mạnh sản phẩm du lịch đặc thù là sinh thái sông nước đô thị, du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa và du lịch hội nghị (MICE)…, góp phần đưa hình ảnh, đất nước, văn hóa, con người Việt Nam nói chung và vùng đất, con người Cần Thơ nói riêng đến với bạn bè quốc tế.

Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP Cần Thơ đã trở thành phong trào sôi nổi ở nông thôn, gắn kết với đô thị, nhiều hoạt động đi vào thực chất, thu hẹp dần chênh lệch mức sống giữa đô thị và nông thôn.

z50204495xay-dung-nong-thon-moi.jpg
Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, bộ mặt vùng nông thôn của TP Cần Thơ đã có nhiều khởi sắc

Kết quả thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới đến cuối năm 2020 có 36/36 xã và 04/04 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Ước đến cuối năm 2023, thành phố có 31/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 04/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Bên cạnh các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, địa phương cũng xem công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người nghèo là một nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, 100% gia đình chính sách được hưởng các chính sách ưu đãi; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, ước năm 2023, số hộ nghèo giảm còn 1.178 hộ, chiếm 0,32% tổng số hộ - đây là mức thấp nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thấp hơn nhiều so với mức trung bình cả nước.

den-hung.jpg
Đền thờ các Vua Hùng, công trình văn hóa - tâm linh nổi bật của TP Cần Thơ

Là người con của đất Cần Thơ, Thượng tọa Lý Hùng - Uỷ viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Pháp chế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây nhận xét, trong 20 năm Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, địa phương đã có nhiều đổi thay không chỉ ở khu vực thành thị mà còn lan tỏa đến từng xóm ấp.

“Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện nay các công trình hạ tầng điện, đường, trường, trạm ở nông thôn không thua kém so với thành thị. Nhiều mô hình sản xuất hay, kinh nghiệm làm ăn giỏi được chia sẻ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên”, Thượng tọa Lý Hùng nói.

Đồng quan điểm đó, ông Châu Bỉnh Khung, nguyên Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Cần Thơ, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL cho rằng, trong những năm gần đây, TP Cần Thơ đã đầu tư nhiều công trình hạ tầng giao thông tại khu vực nội ô. Ấn tượng nhất là các công trình cải tạo các hồ, xây dựng bờ kè ven sông, làm nên vóc dáng một đô thị hiện đại bên bờ sông Hậu.

Xây dựng chính quyền kiến tạo

Theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu, cơ cấu kinh tế của Cần Thơ hiện nay đang phát triển theo định hướng là công nghiệp, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, sau 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, quy mô kinh tế của Cần Thơ vẫn còn khiêm tốn. Cần Thơ chưa có nhiều doanh nghiệp quy mô vốn vài ngàn tỷ đồng.

“Từ thực tế đó, đòi hỏi các cấp chính quyền phải hết sức quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiến tạo mội trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng, thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư đến làm ăn, sinh sống tại địa phương, cùng địa phương phát triển, làm giàu", Bí thư Thành ủy Cần Thơ nhấn mạnh.

khu-cong-nghiep.jpg
Khu công nghiệp Trà Nóc- Cần Thơ

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, trong 20 năm qua, TP Cần Thơ cũng đã đẩy mạnh việc tăng cường các hoạt động liên kết hợp tác, xúc tiến đầu tư nước ngoài, triển khai đa dạng, chủ động, linh hoạt và đạt hiệu quả cao, đi vào chiều sâu. Cải cách hành chính đạt nhiều kết quả nổi bật, triển khai được nhiều mô hình hay, cách làm mới.

TP Cần Thơ cũng đã cụ thể hóa các chính sách, phát huy hiệu quả trong đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, tạo động lực cho phát triển thành phố và vùng ĐBSCL. Chú trọng công tác quy hoạch, phát triển đô thị, đất đai, tạo quỹ đất để đáp ứng nhu cầu cho nhà đầu tư thuê. Nhiều năm liền, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Cần Thơ luôn nằm trong nhóm 20 địa phương đứng đầu cả nước.

Từ sự quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong thời gian gần đây địa phương đã nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư có quy mô lớn như: Tập đoàn VSIP (Việt Nam – Singapore), Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản), Tập đoàn Daewon (Hàn Quốc)… Tại hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư mới đây, địa phương cũng ký kết ghi nhớ, trao chủ trương đầu tư cho 44 dự án đầu tư trong giai đoạn 2023 - 2025 với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 110.000 tỷ đồng”.

cau-quan-trung.jpg
Cầu Quang Trung

Nói về cơ hội đầu tư vào TP Cần Thơ trong thời gian tới, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, với việc Thủ tướng Chính phủ thông qua quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chính là công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp của địa phương sử dụng trong việc hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; là cơ sở để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công từng giai đoạn 5 năm và hàng năm trên địa bàn.

Quy hoạch cũng tối ưu hóa và bảo đảm tính khả thi, bền vững trong quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng các nguồn lực phục vụ phát triển; ưu tiên phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tiêu cực từ thiên tai, phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế của Việt Nam.

“Đặc biệt, quy hoạch được duyệt đã góp phần tháo điểm nghẽn trong thu hút đầu tư. Quy hoạch là căn cứ để các doanh nghiệp, cộng đồng và người dân đầu tư, kinh doanh, sinh sống, góp phần tạo ra nhiều việc làm, ổn định sinh kế, bình đẳng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường kỳ vọng.

Theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thông qua Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Mục tiêu đến năm 2030, TP Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL; thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô.

Cần Thơ sẽ phát triển theo 2 trục ngang, 3 trục dọc, và 3 vùng phát triển. Trong đó, vùng trung tâm gồm các quận: Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy, huyện Phong Điền và một phần quận Ô Môn. Vùng thứ hai gồm: phần còn lại của quận Ô Môn, quận Thốt Nốt và một phần các huyện: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh là vùng động lực phát triển kinh tế mới phía Bắc. Vùng thứ ba gồm một phần các huyện: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, tập trung phát triển nông nghiệp chất lượng cao, du lịch sinh thái.

Bài 3: Phát huy lợi thế để bứt phá

Tâm Phúc - Minh Triết - Khánh Ngọc