Vì sao Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được cử vào miền Nam năm 1964?
Với tài năng thao lược và tác phong làm việc sâu sát bộ đội và thực tiễn chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đề xuất chiến thuật và cách đánh “nắm thắt lưng địch mà đánh”.
Giữa năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam đang bước vào giai đoạn cam go, ác liệt và có tính chất bước ngoặt, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương điều vào chiến trường miền Nam giữ chức Bí thư Trung ương Cục Miền Nam, Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam, chỉ đạo cách mạng miền Nam kháng chiến chống Mỹ. Với tài năng thao lược và tác phong làm việc sâu sát bộ đội và thực tiễn chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đề xuất chiến thuật và cách đánh “nắm thắt lưng địch mà đánh”.
Với cách đánh này đã làm thay đổi cục diện trên chiến trường miền Nam. Đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta bước sang giai đoạn có tính bước ngoặt, quyết định. Điều đó không những làm nên tên tuổi lững lẫy của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mà còn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01/01/1914 – 01/01/2024), phóng viên VOV phỏng vấn Giáo sư -Tiến sĩ Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học Khoa học và Phát triển.
PV: Thưa Giáo sư Phạm Hồng Tung, vì sao giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang bước vào giai đoạn ác liệt thì Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương lại quyết định điều Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào Chiến trường miền Nam?
GS-TS Phạm Hồng Tung: Khi Mỹ quyết định thay đổi chiến lược chiến tranh ở miền Nam Việt Nam thì họ đặt toàn bộ hy vọng vào việc tăng quân số trên chiến trường, tăng hỏa lực trên chiến trường, buộc quân đội và Nhân dân Việt Nam chấp nhận một cuộc Chiến tranh quy ước. Tức là đối đầu với nhau bằng thực lực quân sự trên chiến trường, phân chia trận tuyến rõ ràng và quyết định thắng bại trên chiến trường.
Trước tình hình như vậy, chúng ta cần phải tìm ra một cách để hóa giải chiến lược và chiến thuật tác chiến. Chính lúc đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương đã đặc cách cử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trực tiếp vào khảo sát cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu với bộ đội, với các tư lệnh các mặt trận chiến trường. Và lúc bấy giờ thì sau nhiều trao đổi tiếp xúc, trao đổi ý kiến cặn kẽ với nhân dân, với bộ đội trên các chiến trường, thì Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đưa ra một phương châm rất là ngắn gọn, rất dễ hiểu. Nhưng ở tầm cao chiến lược lúc bấy giờ là “nắm thắt lưng địch mà đánh”.
PV: Cụ thể thì “nắm thắt lưng địch mà đánh” là như thế nào ạ?
GS-TS Phạm Hồng Tung: Tức là chúng ta sẽ không chấp nhận chiến tranh quy ước, để chúng ta tránh được ưu thế tuyệt đối về vũ khí, về binh lực. Mà chúng ta buộc đối phương phải chấp nhận đối diện với cuộc chiến tranh nhân dân của chúng ta. Tức là bộ đội và nhân dân một tấc không đi, một ly không rời. Khi địch tiến thì ta lui, ta tránh. Nhưng khi địch dừng, hay lui thì ta tiến và áp sát. Và khi đánh áp sát như vậy, thì những lợi thế về hỏa lực, về pháo tầm xa, về máy bay của quân Mỹ và quân ngụy Sài Gòn đã bị hóa giải.
Thứ hai nữa khi tiến hành chiến tranh nhân dân như vậy, Quân Mỹ và Quân ngụy Sài Gòn, khi họ tiến hành những cuộc hành quân tìm và diệt thì họ không tìm thấy bộ đội chủ lực ở đâu cả. Nhưng khi họ dừng lại, bất kỳ người dân nào cũng có thể trở thành một chiến sĩ, tấn công họ vào bất kỳ thời điểm nào, ngày hay đêm, trước mặt hay sau lưng, hay thậm chí ngay trong lòng quân địch.
PV: Phương châm “nắm thắt lưng địch mà đánh” của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không những đã tìm ra được lời giải cho bài toán đối đầu với lực lượng, phương tiện chiến tranh hùng hậu của đế quốc Mỹ, mà nó còn truyền cảm hứng cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam quyết tâm đánh Mỹ?
GS -TS Phạm Hồng Tung: Khi Mỹ đưa nửa triệu quân và hàng trăm nghìn quân chư hầu vào, với B-52, với những khí tài hiện đại nhất, lại còn lăm le đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, tâm lý sợ đánh Mỹ, không phải chỉ ở Việt Nam. Mà ở cả trong các nước xã hội chủ nghĩa và các nước ủng hộ chúng ta. Tất cả dồn ánh mắt về chiến trường Việt Nam. Đâu đó người ta vẫn khuyên chúng ta là trường kỳ mai phục, chờ đợi thời cơ. Thế nhưng với quyết tâm sắt đá như vậy, không có gì quý hơn độc lập tự do thì chúng ta quyết đánh Mỹ nhưng không phải quyết đánh theo kiểu liều mạng, quyết đánh đến cùng. Mà phải quyết đánh bằng trí tuệ, bằng nghệ thuật quân sự đã được đúc kết của cha ông.
Thế vẫn chưa đủ. Cần phải khảo sát. Muốn khảo sát được thì phải có những trận đánh, những trận đánh thăm dò trực tiếp, đối đầu với quân chủ lực Mỹ. Trận đánh ở Bình Giã, Vạn Tường… là những đòn tấn công chiến lược, làm cho Mỹ bộc lộ ra sơ hở. Khi mà đánh giáp lá cà thì quân đội Mỹ đã bộc lộ sự cứng nhắc. Khi bộc lộ những sơ hở, là hỏa lực của địch thì cần phải có khoảng cách với bộ binh của họ. Cho nên, nếu như hỏa lực của địch không có trận tuyến phân biệt rạch ròi, không có tầm xa an toàn để cho họ oanh kích, pháo kích, thì hỏa lực của họ hoàn toàn vô nghĩa.
Với bộ óc thiên tài của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và đặc biệt cách làm việc của Đại tướng, chúng ta đã đúc kết nên chiến thuật thông minh, sáng tạo. Và đấy chính là cách mà chúng ta có thể thắng Mỹ.
PV: Như vậy thì có thể khẳng định rằng, đối diện và chiến thắng khó khăn, thách thức, trước hết chúng ta phải có niềm tin, có ý chí, thưa Giáo sư Phạm Hồng Tung?
GS-TS Phạm Hồng Tung: Ở đây tôi nghĩ rằng, trước khi anh nghĩ đến cách hóa giải đối phương thì anh phải nghĩ đến cách củng cố quyết tâm chiến lược, nâng cao tầm vóc, trí tuệ của nhân dân và bộ đội chúng ta. Niềm tin chiến thắng đó là hóa giải quan trọng nhất. Bây giờ những nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh của Mỹ, người ta cũng phải thừa nhận đó chính là một bí quyết mà người Việt Nam đã thắng Mỹ trong chiến tranh. Đối đầu với chiến tranh quy ước của giặc Mỹ thì phương châm tác chiến là một tấc không đi, một ly không rời, nắm thắt lưng địch mà đánh. Và nhờ thế mà chúng ta thắng Mỹ.
Chúng ta thắng họ không phải bằng vũ khí hiện đại mà bằng quyết tâm, bằng tinh thần yêu nước, tinh thần quân dân cá nước. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi chiến sĩ lại là một người dân, khi ngơi tay súng. Đấy chính là bài học cho ngày hôm nay. Dù chiến tranh công nghệ cao. Nhưng chúng ta chúng chí thành thành, lấy cái ý chí đoàn kết của toàn dân, lấy trí tuệ của toàn dân, thì chúng ta sẽ vươn tới ngang tầm thời đại.
PV: Từ tấm gương về ý chí, niềm tin và quyết tâm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong thời điểm cam go, ác liệt nhất của cuộc chiến tranh, đã truyền cho chúng ta, thế hệ hôm nay niềm tin và khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng?
GS-TS Phạm Hồng Tung: Khát vọng là cái quan trọng nhất. Mà cái khát vọng ở đây phải bắt đầu từ niềm tin có tính chất cảm tính để thấm sâu được vào trong từng hành vi của từng các em bé cho đến các cụ già, từ chiến sĩ ở chiến trường cho đến những người mẹ, người chị hậu phương. Nhưng chỉ có niềm tin cảm tính chưa tạo nên khát vọng. Phải có niềm tin lý tính, niềm tin lý tính ở đây chính là sự lạnh lùng tính toán phương châm chiến lược, chiến thuật tác chiến như thế nào? Từng cân gạo, từng khẩu pháo, thao tác với từng kẻ thù, với từng đối tác của chúng ta. Hai cái đó phải thấm sâu vào với nhau thì lúc đó chúng ta mới có cơ hội để giành chiến thắng.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!