Chung tay chăm sóc người cao tuổi bằng những việc làm thiết thực
Đời sống - Ngày đăng : 11:30, 04/12/2015
Dân số đang bước vào thời kỳ “già hóa”
Tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: Tuổi thọ cao là thành tựu của y khoa và kết quả của phát triển kinh tế - xã hội về nhiều mặt, không phải là gánh nặng của xã hội hay của nền kinh tế. Vì vậy, toàn xã hội hãy cam kết đảm bảo cho cuộc sống mạnh khỏe và hạnh phúc của người cao tuổi và khuyến khích sự tham gia có ý nghĩa của họ trong xã hội để tận dụng được vốn sống phong phú, những kinh nghiệm và kiến thức quý báu của người cao tuổi.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, dân số thế giới đang già hóa nhanh chóng. Trong thời gian 10 năm tới, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ vượt qua con số 1 tỷ. Già hóa dân số đang tăng nhanh ở các nước đang phát triển, bao gồm cả những quốc gia có mật độ dân số trẻ cao. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất ở châu Á, chính thức bước vào thời kỳ “già hóa” từ năm 2011, kết quả từ sự sụt giảm của tỷ lệ sinh, tỷ lệ chết và tuổi thọ ngày càng tăng lên. Vào năm 2012, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 10,2% tổng dân số cả nước. Năm 2014, tỷ lệ này đã tăng lên 10,5%. Thời kỳ để Việt Nam chuyển giao từ “già hóa dân số” sang “dân số già” ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có cấp độ phát triển cao hơn. Thời kỳ già hóa đặt ra những thách thức to lớn đòi hỏi phải có những phương thức tiếp cận mới trong chăm sóc sức khỏe, tuổi nghỉ hưu, lương hưu, thay đổi sự tương tác trong xã hội và mối quan hệ liên thế hệ.
Khám chữa bệnh cho người cao tuổi
Báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ cho thấy: Cuộc sống của người cao tuổi Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn khi 70% không có tích lũy vật chất, 18% người cao tuổi rơi vào tình trạng nghèo, 6,3% người cao tuổi sống trong cảnh thiếu thốn, chỉ 30% có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, mặc dù tuổi thọ cao nhưng gánh nặng bệnh tật của người cao tuổi Việt Nam vô cùng lớn, đa phần là mắc các bệnh mãn tính không lây.
Những việc làm thiết thực
Trong Tháng hành động Quốc gia về dân số năm nay, Tổng cục DS-KHHGĐ kêu gọi cộng đồng cùng tham gia chung tay chăm sóc người cao tuổi bằng những việc làm thiết thực như: Vận động xây dựng hệ thống lão khoa trên toàn quốc, xây dựng các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng, mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm hưu trí và y tế, xây dựng các chương trình văn hóa, giải trí nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi.
Để giải quyết những thách thức và tận dụng các cơ hội của thời kỳ già hóa dân số, chúng ta cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao nhận thức về vấn đề già hóa dân số, đảm bảo đưa vấn đề già hóa và nhu cầu của người cao tuổi vào tất cả các chương trình và chính sách phát triển quốc gia, đặc biệt là các chính sách, chương trình về an sinh xã hội; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, khuyến khích và tạo điều kiện để người cao tuổi tiếp tục tham gia các hoạt động xây dựng đất nước phù hợp với điều kiện sức khỏe và kinh nghiệm, góp phần thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; đồng thời, chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số của Việt Nam.
Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người Cao tuổi Việt Nam Ngô Trọng Vịnh: Chăm sóc người cao tuổi không chỉ là chăm sóc về Y tế mà còn chăm sóc về cả vật chất, tinh thần, sao cho mỗi người khi về già đều có một cuộc sống đảm bảo, an toàn. Vấn đề chăm sóc người cao tuổi hiện nay, ở Việt Nam cần có một chiến lược, một giải pháp kịp thời đồng bộ, có hiệu quả, để giải quyết các vấn đề nảy sinh khi quốc gia bước vào giai đoạn già hóa dân số như hiện nay. Do đó, chúng ta cần nâng cao vấn đề nhận thức về già hóa dân số, vấn đề của người cao tuổi; bảo vệ quyền lợi người cao tuổi, nhu cầu được tiếp cận các dịch vụ về chăm sóc; quan tâm thiết thực đến 23,5% người cao tuổi nghèo, gần 100.000 người cô đơn và rất nhiều người cao tuổi khuyết tật. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để người cao tuổi phát huy nội lực, chăm sóc sức khỏe, tiếp tục cống hiến cho cộng đồng xã hội để có một tuổi già tích cực, góp phần an sinh xã hội.