Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà lý luận chính trị quân sự xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, vị tướng tài trí, mưu lược. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhân dân và Quân đội. Đóng góp to lớn, nổi bật của Đại tướng thể hiện trên nhiều mặt, trong đó có những đóng góp xuất sắc về lý luận chính trị quân sự.
1. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đặc biệt coi trọng và luôn khẳng định vị trí, vai trò tiên phong của lý luận chính trị quân sự đối với Quân đội nhân dân Việt Nam
Tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, đồng chí Nguyễn Chí Thanh nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò tiên phong của lý luận chính trị quân sự đối với sự nghiệp cách mạng. Bởi vì: “lý luận và đường lối cách mạng tự nó đã chứa đựng một tiềm lực lớn lao, cung cấp không ngừng cho chiến tranh cách mạng những lực lượng vật chất cần thiết để đánh đổ lực lượng vật chất của đối phương”(1).
Đồng chí khẳng định: “Nếu nói rằng sự lãnh đạo của Đảng ta là nhân tố bao trùm, quyết định sự thắng lợi của cách mạng thì cũng có thể nói thêm được rằng lý luận Mác-Lênin là nhân tố quyết định cho sự tồn tại, phát triển và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng”(2).
Thấu triệt quan điểm bạo lực cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng chí nhấn mạnh sự cần thiết phải tổ chức ra Quân đội để thực hiện nhiệm vụ chính trị: “Quân đội phải luôn nhằm vào mục tiêu chính trị của Đảng để phấn đấu thực hiện. Ngoài mục tiêu đó ra, Quân đội không còn mục tiêu chính trị nào khác”(3).
Quân đội phải luôn nhằm vào mục tiêu chính trị của Đảng để phấn đấu thực hiện. Ngoài mục tiêu đó ra, Quân đội không còn mục tiêu chính trị nào khác.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Đồng chí yêu cầu cán bộ các cấp phải quán triệt, thực hiện tốt quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quân sự phải tuyệt đối phục tùng chính trị, phải thấu triệt quan điểm “người trước, súng sau”, thực hành đến cùng nhiệm vụ chính trị của Đảng.
Đó là cơ sở lý luận, nguyên tắc cơ bản nhất trong việc xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta. Đồng chí cho rằng, lý luận cách mạng là ngọn đèn pha hướng dẫn Quân đội, là một nguyên nhân căn bản của sự lớn mạnh và chiến thắng của Quân đội.
2. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh góp phần xây dựng, bổ sung, phát triển lý luận chính trị quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam
Ngày 11/7/1950, Tổng cục Chính trị được thành lập theo Sắc lệnh số 121/SL về tổ chức Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được giao làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Tổng Tư lệnh.
Từ thực tiễn và yêu cầu nâng cao chất lượng công tác chính trị, đồng chí có những chỉ đạo sâu sát, đề xuất với Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy các chủ trương, biện pháp đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận chính trị quân sự, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức đáp ứng yêu cầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh cho rằng: “lãnh đạo chính trị là một vấn đề căn bản trong cuộc đấu tranh cách mạng giữa ta và địch, làm gốc cho mọi vấn đề khác, cho tất cả các mặt khác, các ngành khác của mọi hoạt động quân sự”(4).
Theo đó: Muốn lãnh đạo Quân đội về chính trị phải xây dựng vững chắc vị trí, vai trò của Đảng trong Quân đội. Vấn đề mấu chốt và trọng tâm của công tác chính trị là phải nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và chiến sĩ về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Đây là nhân tố quyết định sự tồn tại, trưởng thành của Quân đội.
Kết hợp kinh nghiệm thực tiễn với trí tuệ tập thể, đồng chí Nguyễn Chí Thanh lãnh đạo, chỉ đạo Tổng cục Chính trị xây dựng các kế hoạch, biên soạn các tài liệu về công tác chính trị và hướng dẫn thực hiện thống nhất; tham mưu giúp Tổng Quân ủy-Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo kịp thời, hiệu quả các đợt chỉnh huấn chính trị toàn quân.
Đặc biệt, đồng chí có nhiều bài phân tích sâu sắc về mối liên hệ cơ bản giữa Quân đội với Đảng, Nhà nước và nhân dân, thể hiện tư duy lãnh đạo, trình độ lý luận chính trị xuất sắc của người đứng đầu Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Với tư duy lý luận chính trị quân sự sắc sảo, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã góp phần cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy đánh giá chính xác diễn tiến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xây dựng lý luận chính trị quân sự làm cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Quân đội về chính trị, tư tưởng và cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phản công và tiến công địch liên tục.
Hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong kháng chiến chống thực dân Pháp là cơ sở nền tảng để Đảng ta tiếp tục bổ sung, phát triển lý luận chính trị quân sự trong các giai đoạn sau.
3. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh góp phần phát triển, vận dụng sáng tạo lý luận chính trị quân sự của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho rằng, chú trọng lý luận chính trị là cách tốt nhất để nâng cao trình độ của Quân đội ta, có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, góp phần tăng cường sức mạnh của Quân đội về chính trị, tư tưởng, bảo đảm đủ khả năng thực hiện mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định: “công tác đảng và công tác chính trị đã là linh hồn và mạch sống của quân đội ta, làm cho quân đội ta thực sự trở thành một đội quân của dân tộc, của giai cấp, một đội quân tất thắng”(5).
Đại tướng chỉ rõ: Nhiệm vụ của công tác Đảng, công tác chính trị là quán triệt sâu sắc sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với Quân đội, tập trung giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối, nhiệm vụ cách mạng của Đảng cho Quân đội, củng cố lập trường giai cấp công nhân, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, tăng cường củng cố đoàn kết, ý chí chiến đấu của Quân đội.
Cuối năm 1964, trên cương vị Bí thư Trung ương Cục, kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khái quát thành tư tưởng, phương châm chỉ đạo chiến lược, cụ thể: Kiên quyết tiến công, liên tục tiến công, cứ đánh Mỹ rồi tìm ra cách đánh Mỹ, buộc Mỹ phải đánh theo cách đánh của ta…
Bằng sự mẫn cảm chính trị đặc biệt, từ thắng lợi các trận đánh phủ đầu quân Mỹ ở Núi Thành, Vạn Tường, Bàu Bàng, Đất Cuốc… Đại tướng tổng kết thành những phương châm chiến lược: Bám thắt lưng địch mà đánh, 10 kinh nghiệm đánh Mỹ của Củ Chi, Vành đai diệt Mỹ… góp phần quan trọng để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hoạch định đường lối đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó dự báo. Đất nước sau gần 40 năm đổi mới đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội…
Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914-1/1/2024), cán bộ, đảng viên, chiến sĩ toàn quân tiếp tục đẩy mạnh học tập, rèn luyện đạo đức, bồi dưỡng lý luận cách mạng, giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; đồng thời, tăng cường nghiên cứu, vận dụng sáng tạo di sản quý về lý luận chính trị quân sự của Đại tướng, cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
(1) Nhiều tác giả, Tổng tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tập 1, quyển 2, Nxb Thời đại, H, 2013, tr.552.
(2) Nhiều tác giả, Tổng tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tập 1, quyển 1, Nxb Thời đại, H, 2013, tr.56.
(3) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tăng cường công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, H, 2013, tr.241.
(4) Tổng tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tập 1, quyển 2, Sđd, tr.39.
(5) Tăng cường công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, tr.238.