Phát hiện cơ sở sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả ‘khủng’ ở Hà Nội
Cơ quan chức năng đã bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng với nhiều nhãn hiệu nổi tiếng ở Hà Nội.
Ngày 27/12, Tổng cục QLTT cho biết, Đội QLTT số 25, Cục QLTT TP. Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Chương Mỹ đã bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trên địa bàn thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Cụ thể, ngày 26/12, tại Hộ kinh doanh N.V.T (thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội), Đội QLTT số 25, Cục QLTT TP. Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Chương Mỹ phát hiện rất nhiều sản phẩm thành phẩm và bán thành phẩm mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, cùng máy móc thiết bị phục vụ cho việc sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Trong đó, nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Blackmores, mặt nạ Yujin hay dung dịch vệ sinh Femfresh...
Hiện trường nằm trên diện tích khoảng 1.400m2 là trang trại nuôi gà trước đây, nhưng tại thời điểm kiểm tra, địa điểm trên được sử dụng làm cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng với nhiều nhãn nổi tiếng, được ưa chuộng trên thị trường.
Kiểm tra tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện một lượng lớn sản phẩm là mỹ phẩm dạng kem dưỡng, serum, mặt nạ dưỡng da, và thực phẩm chức năng phục vụ nhu cầu làm đẹp, được dán nhãn, tem là thương hiệu nước ngoài. Trong số đó có 840 lọ Blackmores Evening Primrose Oil, xuất xứ Australia, 1.300 mặt nạ Yujin, xuất xứ Korea, 16.362 chai dung dịch vệ sinh femfresh có dấu hiệu bị làm giả.
Tại hiện trường, đại diện nhãn hiệu Blackmores bước đầu nhận định sản phẩm Blackmores Evening Primrose Oil tại cơ sở sản xuất mà lực lượng QLTT kiểm tra có dấu hiệu làm giả.
Ngoài ra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang sang chiết, đóng sản phẩm vào các hộp, chai, lọ bên ngoài thể hiện các nhãn hiệu như: Ronas, Ultra-V, Vitamin E, Gamma, Royal retinol… có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc, xuất xứ với khối lượng lên tới 40 tấn hàng hoá. Trong đó, một số sản phẩm cụ thể như: 6.288 hộp thành phẩm dán nhãn Vitamin E Cream trên nhãn thể hiện Made in Australia; 828 lọ Gamma Linolenicacid Evening Primrose Oil, thể hiện xuất xứ Canada; 450 hộp UltraV Premium Peeling, Made in Korea; 12.920 lọ thành phẩm Royal Retinol; 1.008 hộp thành phẩm J-Cain, trên nhãn thể hiện Made in Korea....
Bên cạnh đó, tại hiện trường lực lượng chức năng ghi nhận một lượng lớn các lọ nhựa, hộp đựng, tem nhãn và hàng tấn nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không bao bì nhãn mác dùng cho việc sản xuất được vứt bừa bãi trên nền đất. Một số loại nguyên liệu có mùi hắc nồng nặc, thậm chí các viên nang thực phẩm chức năng đã kết dính vào nhau.
Theo ông Nguyễn Phi Hiển, Đội trưởng Đội QLTT số 25, Cục QLTT TP. Hà Nội, đây là một trong những vụ việc có dấu hiệu sản xuất thực phẩm chức năng giả với quy mô lớn trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Lợi dụng địa điểm xa khu dân cư và diện tích lớn của các trang trại nuôi gà, nuôi lợn với giá thành thuê rẻ, đối tượng đã sử dụng làm nơi sản xuất, phối trộn hàng hóa.
“Chúng tôi phải mất 20 giờ đồng hồ, sử dụng 26 xe tải mới có thể đóng gói, di chuyển hàng hóa có dấu hiệu vi phạm. Theo ước tính, cả sản phẩm và máy móc, thiết bị phục vụ việc sản xuất, đóng gói hàng hóa tại cơ sở này lên tới 50 tấn” ông Hiển, Đội trưởng Đội QLTT số 25, Cục QLTT TP. Hà Nội thông tin.
Đến sáng ngày 27/12, Đội QLTT số 25 tiếp tục kiểm kê hàng hoá, nguyên liệu có dấu hiệu vi phạm. Xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự, Đoàn kiểm tra đang hoàn tất hồ sơ để chuyển giao sang cơ quan Công an huyện Chương Mỹ để điều tra, làm rõ.