Nơi bình minh của Tổ quốc

Đời sống - Ngày đăng : 14:00, 28/11/2015

Trên bản đồ đất nước, Trường Sa, Hoàng Sa hiện ra chỉ như hai đám mây với những chấm nhỏ. Nhưng, những đám mây ấy đã từ lâu rồi lại cư ngụ trong mỗi trái tim người Việt Nam như những mảnh hồn, vệt máu quý giá.

Không chỉ là những cuộc đấu trí trên diễn đàn ngoại giao, những khẳng định đanh thép mà còn là thực tiễn sinh động, những tâm nguyện sắt đá và sự hy sinh không bến bờ của nghìn vạn con tim đang ngày đêm hướng về biển đảo quê hương.

Vạn lý Trường Sa

Trường Sa xa lắm... Xa đến nỗi, ngay cả các hạm tàu chinh chiến khắp năm châu, bốn biển của các đế chế phương Tây, sau khi đi qua và đánh dấu trên hải đồ cũng bỏ mặc chứ chẳng dại gì ướm lời sở hữu. Xa lại càng xa khi Luật Hàng hải quốc tế quy định rõ, ai làm chủ mấy hòn đảo ấy sẽ phải có trách nhiệm ứng cứu, giúp đỡ những người hoạn nạn ngang đường.

Bởi vậy, chỉ những người dân đánh cá cởi trần đóng khố ở mấy huyện nghèo Lưỡng Quảng xứ Đàng Trong là liều lĩnh xông pha. Họ ngóng đến biển khơi vì nhiều lẽ, cũng có thể bởi lẽ mưu sinh. Chỉ biết rằng, từ cả nửa nghìn năm nay, sách vở Đông, Tây, trong và ngoài đã ghi nhận sự gắng gỏi của họ. Bao nhiêu bè mảng, biết mấy gạo tiền, rồi cả những sinh mạng trai tráng hưng đinh đã ròng rã theo đuổi hàng mấy trăm đời. Họ đã mày mò, dò dẫm để từng bước biết luồng lạch ngọn triều, chôn mốc cắm tiêu mở mang khai thác. Họ coi chốn ấy như góc sân, mảnh vườn, vừa cặm cụi mưu sinh, vừa rào dậu phên chắn.

Nơi bình minh của Tổ quốc

Thắp hương tưởng nhớ những người con đã hy sinh vì Tổ quốc (Ảnh: Đặng Giang)

Triều đình mừng vui, tâm đắc và biết công họ nên nhiều lần ban sắc dụ khuyến khích họ hoạt động, còn cấp thẻ bài, gạo tiền cho họ hành nghề nữa. Dân chúng cảm phục, chẳng những cưu mang, chu toàn vợ con họ ở nhà, mà còn mở hội khao quân, cúng dường Thần Biển, Thần Gió hàng năm vào ngày 27 tháng Ba, cầu trời phù hộ, độ trì cho họ. Có thể nói, cõi bờ Việt Nam ngày nay rộng dài bát ngát như thế, không gian sinh tồn của ta khang trường đến vậy, cũng là nhờ một phần công rất lớn của những người mở cõi, những ngư dân bám biển truyền đời.

Nhưng sự đời vốn không đơn giản. Khi thế giới bắt đầu lên cơn khát dầu mỏ thì cái lòng chảo Biển Đông vốn hoang vu nay bỗng được coi là rốn dầu mới ngang ngửa Trung Đông kia nghiễm nhiên được chú ý. Không chỉ có dầu, có cá, có các loại khoáng sản dưới lòng đại dương mà ngay cái vị trí án ngữ con đường hàng hải quốc tế hàng ngày chuyên chở các sản phẩm thương mại cũng là một mối lợi vô chừng. Cái kỳ tích khai mở biển đảo của vua tôi nước Việt bao nhiêu năm vốn vẫn được xem là việc riêng bỗng một ngày lắm kẻ dùng mưu mẹo, vũ lực chực chiếm đoạt chỉ vì những vị trí ấy được xác định là giàu tài nguyên. Nhiều cán bộ, chiến sỹ của chúng ta ngã xuống vì chủ quyền lãnh thổ, vì danh dự của Tổ quốc khi dũng cảm quấn lá cờ đỏ sao vàng quanh người, bảo vệ đảo đến hơi thở cuối cùng.

Biển đảo hôm nay và mai sau

Đứng trước tình hình vừa thuận lợi, vừa nguy hiểm ấy, sau những nỗ lực không biết mệt mỏi của Đảng, Nhà nước, toàn quân và toàn dân Việt Nam, hiện chúng ta đã có chủ quyền vững chắc ở phần lớn các đảo nổi, đảo chìm, bãi cạn, vùng nước nông trên phần lớn khu vực phía Nam Biển Đông.

Mấy năm gần đây, trên thủ phủ Trường Sa Lớn và những đảo quan trọng nhất, chúng ta đã có những lá cờ đỏ sao vàng rộng 300m2, bằng gốm sứ chịu được mọi điều kiện khí hậu, có thể nhìn rõ từ đường hàng không quốc tế với khoảng cách hàng chục hải lý.

Nơi bình minh của Tổ quốc

 Trường Sa, nơi lưu dấu chân của những người lính biên phòng

Hệ thống phòng thủ toàn dân nhiều tầng lớp, nhiều binh chủng hợp thành, mọi mức độ với trang thiết bị vũ khí và các cơ sở hậu cần ngày càng hiện đại. Những loại vũ khí mới liên tục được cập nhật, tăng cường. Biên chế và trình độ mọi mặt của các cán bộ, chiến sỹ Hải quân ngày càng được nâng cao, luôn đảm bảo sức cơ động và trình độ sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất. Các cán bộ, chiến sỹ Trường Sa còn hiểu rõ tình hình quốc tế và khu vực, thấm nhuần và quán triệt toàn diện những quyết sách, chủ trương lớn, cả chiến lược và chiến thuật của Đảng và Chính phủ, kiên quyết nhưng khôn khéo giải quyết những phát sinh trong mọi hoạt động trên biển, không mắc mưu khiêu khích của các thế lực thù địch, bảo vệ từng tấc biển, tấc đảo của Tổ quốc.

Cùng với việc hình thành hệ thống hành chính và thế trận quốc phòng toàn dân trên huyện đảo Trường Sa, chúng ta đã xác lập chủ quyền và xây dựng được một hệ thống nhà giàn DK1 trên một khu vực rộng lớn tại vùng biển phía Nam Biển Đông, vừa trực tiếp hỗ trợ các hoạt động kinh tế, khoa học kỹ thuật trên biển, vừa gián tiếp góp phần vào việc hoạch định chiến lược biển đảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của nước ta theo Công ước quốc tế UNCLOS 1982.

Nơi bình minh của Tổ quốc

Bình minh trên quần đảo Trường Sa

Tất nhiên giữa sóng gió trùng khơi, việc xây dựng các nhà giàn lênh khênh trên những khu vực có độ sâu từ 16 đến 200m nước, chắc chắn sẽ đòi hỏi những nỗ lực khổng lồ về kinh phí, khoa học kỹ thuật, thậm chí cả về máu xương sinh mạng con người nữa. Tại những thời điểm khó khăn nhất, đã xuất hiện những tấm gương tiêu biểu như Anh hùng - Liệt sỹ Nguyễn Hữu Quảng, người Bí thư Chi bộ Nhà giàn đã nhường chiếc phao cá nhân cuối cùng, miếng lương khô cuối cùng cho người chiến sĩ yếu nhất, dành sự sống cho đồng đội. Hay các Anh hùng - Liệt sỹ đại úy Vũ Quang Chương, chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng, chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An, thuộc Nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên - Các anh đã dũng cảm bám trụ đến cùng trước khi bị bão tố, sóng lớn hất tung xuống biển giữa đêm đen mịt mùng còn kịp gửi lời chào "Vĩnh biệt đất liền". Rồi Anh hùng - Liệt sỹ thượng úy Phạm Tảo, thượng úy chuyên nghiệp Trần Văn Là, chuẩn úy Lê Tiến Cường, chiến sỹ Tạ Ngọc Tú, chiến sỹ Hồ Văn Hiền... đã dũng cảm lao mình vào biển sâu tìm kiếm đồng đội, không quản hy sinh tính mạng... Các anh ra đi để lại sự khâm phục và tiếc thương vô bờ bến cho những người nối bước.

Tạm biệt Trường Sa, tạm biệt thềm lục địa - Bình minh của Tổ quốc, những "ổ trứng tiên của bầy chim Lạc" như ý thơ của một nhà thơ tương lai đã ví, trở về đất liền, người viết bài này dù chỉ mang theo được hai chai nước biển để dâng lên bàn thờ tổ tiên, cùng ít mẩu san hô, ốc vặn làm quà tặng bạn bè, nhưng thể xác và tinh thần dường như đã chuyển sang một trạng thái khác, một cuộc đời khác. Có lẽ từ đây, những tiếng thân thương ai cũng nói ra hàng ngày như Trường Sa, Hoàng Sa, Nhà giàn, Thềm lục địa, chủ quyền biển đảo... sẽ vang lên trong mỗi người theo một cung bậc mới khác hẳn, để mỗi người sẽ có thêm những nghị lực mới, những cống hiến mới cho sự nghiệp gìn giữ và đắp bồi hình hài và tầm vóc của Tổ quốc.  

Lã Thanh Tùng