Hơn 200 nghìn tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế
Trong 20 ngày của tháng 12, tín dụng đã tăng 1,7%, tương đương khoảng hơn 200 nghìn tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất cuối năm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 1403 về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả điều hành tăng trưởng tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế, trong đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, tuyệt đối không và dứt khoát không để phát sinh cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm trong việc tăng trưởng tín dụng.
Lãnh đạo Chính phủ đã liên tục ra các văn bản đốc thúc ngành ngân hàng sau khi tín dụng tăng trưởng khá ì ạch nửa đầu năm do sức cầu yếu, kinh tế gặp khó.
Sau những chỉ đạo điều hành quyết liệt, tính đến 20/12, tín dụng đã tăng 10,85%. Như vậy, chỉ trong 20 ngày của tháng 12 đã tăng 1,7%, tương đương khoảng hơn 200 nghìn tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất cuối năm. Đặc biệt, vốn tăng nhanh hơn sau khi NHNN quyết định nới hạn mức tín dụng cho các NHTM đã đạt trên 80% chỉ tiêu.
Trong công điện mới ban hành, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng hạn mức tín dụng, bảo đảm dòng vốn tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng việc điều hành công cụ room tín dụng cần linh hoạt hơn.
Nhiều ngân hàng đã tăng tín dụng vượt hạn mức được cấp đầu năm. Sau khi các NHTM được chủ động triển khai phân bổ hạn mức đầu tháng thay vì việc phải xin nới room từ NHNN như trước kia.
Trong bối cảnh dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức cao, khoảng 125% năm 2022 và tiếp tục xu hướng tăng qua các năm.
Giới tài chính cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho toàn nền kinh tế là vẫn cần thiết. Bởi đây vẫn là công cụ để kiểm soát việc bơm vốn, để thực thi chính sách tiền tệ hiệu quả, phù hợp với thực tế, đảm bảo các cân đối vĩ mô.