Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên
Chiều 25/12, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2024, Ủy viên Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến thay mặt Lãnh đạo TANDTC đã phổ biến những nội dung cơ bản về Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến nêu rõ, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, TANDTC đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan soạn thảo Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Tư pháp chưa thành niên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách tư pháp.
Dự án Luật này sẽ cung cấp khung pháp lý thống nhất hơn dành cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên thông qua tổng hợp và tăng cường các quy định đang nằm rải rác trong nhiều luật; hướng đến đảm bảo tiếp cận toàn diện và chuyên nghiệp hơn trong giáo dục và giám sát người chưa thành niên vi phạm pháp luật đang chịu các biện pháp phạt cải tạo không giam giữ; tăng cường phối hợp, hợp tác và cải thiện hiệu quả của các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên.
Đến nay, dự án Luật Tư pháp chưa thành niên đã dự thảo tương đối đầy đủ, khá chi tiết. Dự thảo Luật gồm 175 điều được bố cục thành 05 phần, 11 chương. Phần thứ nhất: Những quy định chung.
Chương I: Phạm vi điều chỉnh, nhiệm vụ của Luật Tư pháp người chưa thành niên (gồm 4 điều, từ Điều 1 đến Điều 4)
Chương II: Những nguyên tắc cơ bản (gồm 14 điều, từ Điều 5 đến Điều 18).
Chương III: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên (gồm 07 điều, từ Điều 19 đến Điều 25).
Phần thứ hai: Xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên.
Chương IV: Các biện pháp xử lý chuyển hướng (gồm 15 điều, từ Điều 26 đến Điều 40).
Chương V: Thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng (gồm 19 điều, từ Điều 41 đến Điều 59).
Chương VI: Thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, gồm 02 mục:
- Mục 1: Thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng ngoài cộng đồng (gồm 10 điều, từ Điều 60 đến Điều 69);
- Mục 2: Thi hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (gồm 21 điều, từ Điều 70 đến Điều 90)
Phần thứ ba: Hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên.
Chương VII: Hình phạt (gồm 02 mục 11 điều, từ Điều 91 đến Điều 101).
Chương VIII: Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị buộc tội (gồm 04 mục 43 điều, từ Điều 101 đến Điều 143).
Chương IX: Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng (gồm 16 điều, từ Điều 143 đến Điều 158)
Phần thứ tư: Tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ bị hại
Chương X: Tái hòa nhập cộng đồng (gồm 2 mục 11 điều, từ Điều 159 đến Điều 169)
Chương XI: Hỗ trợ bị hại (gồm 03 điều, từ Điều 170 đến Điều 172)
Phần thứ năm: Điều khoản thi hành (gồm 03 điều từ Điều 173 đến Điều 175).
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, dự thảo này có nhiều nội dung quan trọng, gồm 11 nguyên tắc cơ bản đối với hoạt động tư pháp người chưa thành niên. Dự thảo đã đưa ra được 11 biện pháp xử lý chuyển hướng trong đó có kế thừa các biện pháp của BLHS hiện hành và đưa ra phát triển 18 biện pháp, thể hiện tính ưu việt và nhân văn. Trong 11 biện pháp xử lý chuyển hướng có 10 biện pháp xử lý chuyển hướng ở ngoài cộng đồng, còn 1 biện pháp duy nhất đó là giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Phó Chánh án TANDTC cho biết, vấn đề đặt ra là Tòa án có thể áp dụng một trong nhiều biện pháp đối với người chưa thành niên phạm tội hay chỉ được áp dụng 1 biện pháp. Do vậy, những ý kiến đóng góp cần dựa trên cơ sở thực tiễn xét xử, cân nhắc các biện pháp cho phù hợp…