Cậu bé sống sót trong vụ thảm sát tìm về quê hương sau 46 năm lưu lạc
Đời sống - Ngày đăng : 10:35, 25/11/2015
Đầu năm 1965, Mỹ đưa quân viễn chinh ồ ạt vào miền Nam Việt Nam để thực hiện kế hoạch “Tìm diệt”. Tuy nhiên, quân đội Mỹ liên tiếp bị tổn thất nặng nề bởi những trận tập kích, đánh phủ đầu của ta. Ngày 17/4/1969, quân viễn chinh Mỹ thực hiện một vụ thảm sát chấn động dư luận quốc tế ở khu vực Khánh Giang-Trường Lệ, thuộc xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi với tính chất rất dã man. Tổng cộng đã có 64 người dân vô tội đã thiệt mạng trong vụ thảm sát này.
Một trong những nhân chứng của vụ thảm sát là bà Trần Thị Đa (SN 1956, trú tại thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành). Bà Đa cho biết, bà nằm trong nhóm người bị địch “càn quét” năm đó, dù không bị thương nhưng do quá hoảng sợ nên bà ngất lịm. Khi tỉnh dậy, bà Đa thấy mình và em gái bị kẹt trong một góc hầm. Lúc đó, bà còn thấy một bé trai hàng xóm khoảng 8 tuổi đang còn sống, bà rủ bé trai này trốn vào núi nhưng em bé không đi vì bà nội, em gái đang bị thương nặng.
46 năm sau cuộc thảm sát thương tâm, sáng ngày 17/4/2015, người dân xã Hành Tín Đông vô cùng sửng sốt khi nhìn thấy một người đàn ông từ nơi xa đến có khuôn mặt giống hệt một người phụ nữ ở địa phương tên là Trần Thị Thừa. Họ ngạc nhiên bởi bà Thừa có một người con trai tên là Nguyễn Sang (SN 1962), tuổi trạc người đàn ông này nhưng anh đã chết trong vụ thảm sát Khánh Giang-Trường Lệ. Trên tấm bia tưởng niệm 64 nạn nhân, ở số thứ tự 52 ghi rõ cái tên Nguyễn Sang, 8 tuổi. Cùng chung số phận đau thương này còn có bà nội của Sang là Nguyễn Thị Tiên (45 tuổi) và em gái Sang là Nguyễn Thị Liễu (6 tuổi). Nhiều người có cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng khi thoáng nghĩ “Mình mới thắp hương cho Nguyễn Sang lúc sáng, chả lẽ nó linh thiêng hiện về!?”.
Anh Nguyễn Sang đang hồi tưởng những ký ức kinh hoàng
Sau khi người đàn ông nói đến tên cha mẹ, em gái mình cùng với hồi ức về vụ thảm sát, người dân xã Hành Tín Đông đã vỡ òa sung sướng. Hóa ra, người đàn ông ấy chính là Nguyễn Sang, người mà hơn bốn chục năm qua dân làng đã thắp hương tưởng nhớ.
Anh Sang kể, dù 46 năm đã qua nhưng trong anh vẫn còn nguyên ký ức kinh hoàng hôm ấy. Sau khi vào làng đốt nhà cửa, lính Mỹ chĩa mũi súng buộc người dân túm tụm lại theo ý chúng. Sang chưa kịp hiểu gì thì nghe hàng loạt tiếng súng nổ, rồi xác người vắt trên bờ tre, ruộng lúa. Nhìn đâu cũng thấy máu và máu.
Lúc đó, bà nội Sang dang tay ôm lấy 2 anh em Sang. Tiếng súng, tiếng lựu đạn tiếp tục vang lên. Bà nội ngã xuống, Sang ngã theo bà và ngất đi. “Khoảng 16h chiều hôm đó tôi tỉnh dậy, nhìn quanh thấy toàn thi thể người chết, em Liễu bị thương đang rên rỉ. Thấy tôi, em Liễu gào lên khóc, kêu đau và đòi uống nước. Lúc đó, một chị hàng xóm (sau này xác định là chị Trần Thị Đa) cũng tỉnh dậy và rủ tôi chạy vào núi trốn nhưng tôi không đi, vì còn bé Liễu nằm đó”, anh Sang kể.
Anh Nguyễn Sang bên ngôi mộ chung của bà nội và em Liễu trong khu tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát
Trong cơn hoảng loạn, dù mới 8 tuổi đầu nhưng tình máu mủ ruột thịt đã khiến Sang không thể bỏ mặc em gái mình. Đêm hôm đó, Sang nằm lại với em gái. Sáng hôm sau, Sang bị địch bắt lôi lên máy bay trực thăng. Sang rời quê hương mang theo ký ức kinh hoàng và thê lương đó.
Sau ngày giải phóng năm 1975, Sang được một cha đạo người Pháp đưa về nuôi trong Cô nhi Viện của mình ở TP. Vũng Tàu. Một năm sau, cha đạo này trở về Pháp, Cô nhi Viện tự tan rã, Sang cùng những trẻ mồ côi khác bắt đầu cuộc đời lang thang. Trong những năm tháng sống lưu lạc xứ người, lúc nào Sang cũng mang nỗi buồn và mặc cảm vì xuất thân của mình.
Trong lòng Sang không lúc nào thôi nghĩ về bà nội, về mẹ, em Liễu và quê hương xứ sở. Sang còn nhớ trước trận thảm sát ấy vài năm, cha của anh đã bị trúng bom Mỹ và qua đời. Sáng hôm bọn lính Mỹ càn tới, chỉ có 2 anh em Sang cùng bà nội ở nhà. Sau những tiếng súng, bà nội nằm thoi thóp với vết thương bên hông, em Liễu bị thương ở đầu, máu chảy rất nhiều. Những hình ảnh kinh hoàng ấy cứ mãi đeo bám Sang, hiện cả trong những giấc mơ hằng đêm.
Năm 2009, khi chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) lên sóng truyền hình, anh Sang đã đăng ký nhờ tìm giúp. Tuy nhiên, với lượng thông tin ít ỏi về những cái tên người và địa danh quá rộng, chương trình này chưa thể đáp ứng ngay nguyện vọng của anh. Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng niềm tin đã trở thành sự thật. Một ngày cuối tháng 3/2015, chương trình NCHCCCL liên lạc với Sang và cho biết đã có manh mối…
Bà Trần Thị Đa, nhân chứng sống sót trong vụ thảm sát kinh hoàng.
Theo lời kể của ông Huỳnh Minh Thương, ngày 24/3/2015, ông vào TP. Hồ Chí Minh dự đám giỗ bà Trần Thị Thừa (cô ruột của vợ ông) ở nhà chị Nguyễn Thị Nga (SN 1977, con gái bà Thừa). Tại đây, một người chị họ kể rằng chị vừa xem chương trình NCHCCCL, thấy đưa thông tin về một người đàn ông muốn tìm lại gia đình. Người này cho biết anh có mẹ tên Thừa, cha tên Tặc, em gái tên Liễu, anh cùng bà nội và em Liễu là nạn nhân của một vụ thảm sát dân thường.
Xác định đây chính là Nguyễn Sang, mọi người mừng quá liền liên hệ với chương trình NCHCCCL. Ông Thương là người trực tiếp cung cấp thông tin về vụ thảm sát Khánh Giang-Trường Lệ. Từ ông Thương, chương trình liên lạc với bà Trần Thị Đa để khớp nối thông tin. Sau những nỗ lực không mệt mỏi, chương trình NCHCCCL đã giúp anh Sang tìm được gia đình, quê hương của mình.
Ngày 17/4/2015, đúng vào dịp tưởng niệm những nạn nhân vụ thảm sát Khánh Giang-Trường Lệ, Nguyễn Sang đã trở về nơi chôn nhau cắt rốn trong niềm vui khôn tả. Anh đến viếng mộ những người đã khuất, thăm lại bà con láng giềng năm xưa, ai nấy đều mừng rơi nước mắt. Nhắc về người mẹ của mình, anh Sang ngậm ngùi: “Sau khi tìm lại được gia đình, tôi mới biết mẹ đã mất cách đây hơn 2 năm.
Trước lúc lâm chung, bà vẫn còn điều day dứt vì chưa thể tìm lại con trai. Bởi, khi từ trên núi quay về làng, bà đã tìm khắp nơi nhưng không thấy xác của tôi. Vì vậy, bà luôn hy vọng rằng tôi đã được lính Mỹ đưa đi như trường hợp anh Trịnh Bé (SN 1966), người sống sót sau vụ thảm sát và đã tìm về quê cách đây hơn 10 năm. Thật là đau xót, mẹ tôi đã không chờ được đến ngày đoàn viên hôm nay…”.