Phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế
Chính trị - Ngày đăng : 18:05, 19/05/2016
Đã cắm hệ thống mốc giới gồm 1.002 mốc và cọc dấu, được xây dựng tại 905 vị trí. Hệ thống mốc quốc giới này đã đóng vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý biên giới chung giữa hai nước, phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế.
214 cột mốc biên giới hữu nghị Việt - Lào
Ngày 19/5/2016, tại Nhà khách Chính phủ, Ủy ban Biên giới quốc gia tổ chức Hội nghị giới thiệu về Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào và các văn kiện pháp lý về quản lý biên giới quốc gia Việt Nam - Lào. Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) chủ trì Hội nghị.
Ông Nguyễn Anh Dũng trình bày quá trình tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào
Báo cáo tổng quan về công tác biên giới và cắm mốc giữa Việt Nam - Lào, ông Thái Xuân Dũng, Vụ trưởng Vụ Biên giới phía Tây nêu rõ, đường biên Việt Nam - Lào có chiều dài dài 2.337,459 km, điểm khởi đầu là giao điểm đường biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc (tiếp giáp giữa các tỉnh Điện Biên - Phông Xa Lỳ - Vân Nam), điểm kết thúc là giao điểm đường biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia (tiếp giáp giữa các tỉnh Kon Tum - Áttapư - Ratanakiri). Sau thắng lợi của công cuộc kháng chiến giành độc lập của nhân dân hai nước năm 1975, nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề biên giới, lãnh thổ, với mong muốn tạo dựng một đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển, góp phần vào việc tăng cường và củng cố tình đoàn kết đặc biệt, toàn diện Việt Nam - Lào, hai nước đã bắt tay ngay vào việc giải quyết vấn đề biên giới.
Thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1977, từ năm 1978 đến 1987, Việt Nam - Lào đã phối hợp thực hiện và hoàn thành việc phân giới toàn bộ đường biên giới ở trên thực địa, xây dựng được tổng số 214 cột mốc tại 199 vị trí mốc. Hệ thống mốc quốc giới này đã đóng vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý biên giới chung giữa hai nước. Tuy nhiên, hệ thống 214 mốc đã bộc lộ một số hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý biên giới trong tình hình mới nên lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất cùng phối hợp xây dựng thực hiện Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào, coi đây là một trong những nội dung hợp tác quan trọng giữa hai nước, phục vụ nhu cầu phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới ổn định lâu dài.
Ông Thái Xuân Dũng, Vụ trưởng Vụ Biên giới phía Tây báo cáo tổng quan về công tác biên giới và cắm mốc giữa Việt Nam- Lào
Sau nhiều lần cắm mốc, hiện nay đường biên giới Việt Nam - Lào đi qua địa giới hành chính 10 tỉnh của Việt Nam, tiếp giáp với 10 tỉnh của Lào; hệ thống mốc quốc giới gồm 1.002 mốc và cọc dấu, được xây dựng tại 905 vị trí. Trên cơ sở kết quả cắm mốc trên thực địa, hai bên đã lập, kiểm tra, nghiệm thu 1.002 bộ hồ sơ pháp lý mốc quốc giới, tiến hành đối chiếu nhằm bảo đảm nội dung của toàn bộ 1.002 bộ hồ sơ mốc quốc giới và cọc dấu. Bên cạnh đó, Việt Nam - Lào đã phối hợp xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định thư về đường biên giới, mốc quốc giới giữa hai nước và Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa hai nước.
Quang cảnh hội nghị
Đường biên giới Việt Nam - Lào đi qua dải núi rừng trùng điệp, hiểm trở và rất phức tạp, trừ một số đoạn biên giới đi theo sông suối biên giới, còn lại đều đi trên các sống núi và triền núi cao của các dãy Phu Xam Xấu và Trường Sơn; một số khu vực đường biên giới không đi theo các sống núi mà theo đường thẳng cắt qua mọi địa hình. Do địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội và hạ tầng giao thông kém phát triển nên việc đi lại ở khu vực biên giới còn nhiều khó khăn. Ngoài một số tuyến đường quốc lộ, còn lại chủ yếu là các đường đất, đường mòn, đường sông rất hạn chế. Hiện tại, trên toàn tuyến biên giới phía Việt Nam có 151 xã biên giới và 35 huyện biên giới; dân cư sinh sống ở vùng biên giới Việt Nam - Lào chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, mật độ dân cư rất thưa thớt; trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội còn hết sức khó khăn.
Tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào
Ngày 16/3/2016, tại Hà Nội, Chính phủ Việt Nam và Lào đã tổ chức Lễ tổng kết cấp Nhà nước việc hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào. Trước sự chứng kiến của Thủ tường Chính phủ hai nước và toàn thể đại biểu hai bên, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cùng Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Thoonglun Xixulit đã cùng nhau ký "Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào" và "Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào".
Việc hoàn thành thắng lợi công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào là nguyện vọng chung và lợi ích lớn của nhân dân hai nước, có ý nghĩa hết sức thiết thực và to lớn về mọi mặt, vì một đường biên giới chung giữa hai nước hoà bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Chất lượng đường biên giới Việt Nam - Lào được nâng lên, thể hiện rõ ràng trên thực địa bằng một hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại, bảo đảm tính trường tồn và thống nhất trên toàn tuyến, góp phẩn giải quyết triệt để các vấn đề về biên giới lãnh thổ giữa hai nước. Đây là cơ sở để xây dựng đường biên giới hai nước hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, tạo thuận lợi cho công tác quản lý đường biên, mốc giới và hợp tác phát triển quan hệ biên giới tốt đẹp.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) cho biết: có được thành quả trên là do sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sát sao của các Lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và Chính phủ cũng như sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các Bộ, ngành địa phương hữu quan của hai nước; sự ủng hộ và giúp đỡ tận tình của nhân dân các dân tộc trong khu vực biên giới dựa trên quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Trên bình diện chính trị - pháp lý, việc hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào là thành quả chung của nhân dân hai nước, là minh chứng thuyết phục cho việc hai bên giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ trên cơ sở thương lượng bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau, hợp tác cùng phát triển, phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế.