Các “ông lớn” ngành xây dựng thay đổi ra sao sau cổ phần hóa, thoái vốn?
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo về tình hình triển khai đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước do Bộ này làm đại diện chủ sở hữu. Đáng chú ý, trong 6 tổng công ty trực thuộc, Bộ Xây dựng dự kiến thoái hết vốn nhà nước tại 4 tổng công ty nhưng lại giữ nguyên 100% vốn nhà nước tại VICEM.
Vẫn đang xem xét đề án của HANCORP
Hiện Bộ Xây dựng đang làm đại diện chủ sở hữu đối với 05 Tổng Công ty (TCT) gồm: TCT TNHH MTV Xi măng Việt Nam – VICEM và TCT TNHH MTV Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD (do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ); TCT - CTCP Lắp máy Việt Nam - LILAMA, TCT - CTCP Cơ khí xây dựng - COMA, TCT - CTCP Xây dựng Hà Nội – HANCORP (do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ).
Về tình hình triển khai đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2021-2025, Bộ Xây dựng cho biết, đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Bộ đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại HUD; đang thẩm định Đề án cơ cấu lại VICEM, dự kiến phê duyệt trong năm 2023.
Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, Bộ Xây dựng đã có văn bản chấp thuận Đề án cơ cấu lại COMA. Hiện Đề án đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua và COMA đang tổ chức triển khai thực hiện.
Với LILAMA, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản chấp thuận Đề án cơ cấu lại Tổng công ty này để Người đại diện phần vốn nhà nước biếu quyết theo thẩm quyền tại Đại hội đồng cổ đông. Hiện nay, LILAMA đang triền khai thực hiện.
Trường hợp HANCORP khá đặc biệt khi hiện nay vẫn đang xem xét nội dung Đề án cơ cấu lại của TCT này. Lý do theo Bộ Xây dựng, khi xây dựng Kế hoạch sắp xếp lại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT đề xuất chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại HANCORP về Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
“Tuy nhiên theo Quyết định số 1479/QĐ- TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ, chưa có kế hoạch cụ thể chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại HANCORP về SCIC. Do vậy Bộ Xây dựng đã có các văn bản đề nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tường việc này”, Bộ Xây dựng cho hay.
Chưa thể hoàn thành thoái vốn tại Viglacera
Về cổ phần hóa (CPH), theo Bộ Xây dựng, đối với VICEM, hiện nay, doanh nghiệp này đang thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của Công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên theo quy định của pháp luật; HUD thì đã lập kế hoạch, tiến độ CPH Công ty mẹ - Tổng công ty; đang tập trung hoàn thành công tác sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất theo quy định và triển khai các công việc cần thiết chuẩn bị cho công tác CPH Công ty mẹ theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho biết, ngày 15/11/2023, Bộ Xây dựng đã phê duyệt Phương án chuyển nhượng và công bố giá khởi điểm chuyển nhượng vốn nhà nước tại TCT cổ phần Sông Hồng. Hiện nay, Người đại diện phần vốn nhà nước (theo ủy quyền của Bộ Xây dựng), TCT cổ phần Sông Hồng đang khẩn trương triển khai các thủ tục theo quy định để tố chức bán đấu giá chuyển nhượng vốn nhà nước TCT theo phương thức “đấu giá công khai thông thường” tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, phấn đấu hoàn thành trong năm 2023.
Với TCT Viglacera, theo kế hoạch, việc thoái vốn tại TCT này phải hoàn thành trong giai đoạn 2022-2023 nhưng đến tháng 10/2023, Viglacera mới lựa chọn được đơn vị Tư vấn xác định giá cổ phần, giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn nhà nước (do việc đấu thầu, lựa chọn tư vấn phải thực hiện 2 lần). Trong khi khối lượng công việc thẩm định giá lớn, cần có thêm thời gian để xem xét hồ sơ kỹ lường, thận trọng khi triển khai thực hiện, nhất là đối với các khoản đầu tư, góp vốn của Viglacera tại 02 Dự án tại Cuba (Dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp ViMariel - Công ty cổ phần ViMariel và Dự án liên doanh SANVIG).
Trên cơ sở báo cáo, đề xuất của Người dại diện phần vốn nhà nước tại Viglacera, Bộ Xây dựng kiến nghị Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện thoái vốn của TCT Viglacera hoàn thành trong giai đoạn 2024-2025.
Đối với LILAMA và COMA, theo kế hoạch được phê duyệt, việc thoái giảm vốn nhà nước về 51% (đối với LILAMA) và thoái toàn bộ (đối với COMA) được thực hiện trong giai đoạn 2024-2025. Hiện Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Tổ Người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp triên khai thực hiện các công việc cần thiết theo đúng quy định và kế hoạch được phê duyệt.
Giữ vốn nhà nước tại VICEM nhưng thoái vốn tại nhiều TCT
Đáng chú ý, theo kế hoạch CPH, thoái vốn, chuyển giao vốn do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2021-2025, trong khi tiếp tục duy trì công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với VICEM nhưng sẽ tiến hành CPH, hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp của HUD trước ngày 31/12/2025, giảm tỷ lệ vốn nhà nước dự kiến nắm giữ sau CPH từ 50% vốn điều lệ trở xuống; thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các tổng công ty Viglacera, Coma, Lilama, Sông Hồng. Tiếp tục dự kiến bàn giao vốn nhà nước tại Hancorp về SCIC quản lý.