Những thư viện "chết" ở nông thôn
Đời sống - Ngày đăng : 08:07, 23/11/2015
Thư viện trống không và những cuốn sách phủ bụi
Thư viện xã Liên Bạt (Ứng Hòa, Hà Nội) được đặt chung với điểm bưu điện xã, do chị Nguyễn Thị Phượng là nhân viên điểm bưu điện xã quản lý. Thư viện xã Liên Bạt có vỏn vẹn 1 tủ sách bằng nhôm kính, được chia ra các ngăn tương ứng với các loại sách khác nhau. Tuy nhiên, quá nửa số ngăn đều trống không, các ngăn có sách thì trong tình trạng lộn xộn, cũ kỹ và cuốn nào cũng được bao phủ bởi một lớp bụi dày đặc.
Quá nửa số ngăn trong tủ sách ở thư viện xã Liên Bạt trống không
Chị Phượng cho hay, vào năm 1999, khi chị về điểm bưu điện xã nhận công tác cũng là lúc tủ sách bằng gỗ với hơn 200 đầu sách gồm đủ các loại từ văn bản pháp luật, hướng dẫn các thủ tục hành chính, khoa học kỹ thuật đến phát triển kinh tế, truyện tranh cho các cháu thiếu nhi được đặt ở điểm bưu điện xã.
Vào thời điểm đó, khi các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như internet chưa phát triển và phổ biến như bây giờ, thư viện xã trở thành điểm đến lý tưởng của bà con trong xã để cập nhật tin tức, tiếp nhận thông tin.
Theo trí nhớ của chị Phượng, hồi đó thư viện xã tương đối tấp nập. Theo thời gian, mỗi năm thư viện xã được bổ sung thêm sách từ 1-2 lần, mỗi lần khoảng 20 cuốn hoặc ít hơn thế. Nhưng, tỷ lệ nghịch với số lượng sách tích lũy theo từng năm là lượng người đến đọc giảm đi trông thấy, thậm chí vài năm gần đây người dân gần như quên mất sự tồn tại của thư viện xã.
Với các vị lãnh đạo xã hoặc ngay cả với người quản lý, thư viện xã thời điểm này đã không còn nằm trong danh sách những công việc cần được quan tâm, đầu tư, cải tạo và phát triển. Thậm chí, ông Nguyễn Văn Chính, Phó chủ tịch UBND xã Liên Bạt, cũng không nắm được thư viện xã được thành lập từ năm nào, có bao nhiêu đầu sách, tại sao sách lại không được bày hết lên tủ. Ông chỉ biết, hiện tại thư viện xã không thu hút được nhân dân cũng như các cháu thiếu nhi đến đọc sách.
Trao đổi về ý tưởng cải tạo thư viện xã,ông cho hay có quá nhiều “cái khó" như không có cán bộ chuyên trách, không có cơ sở vật chất, người dân bận làm ăn kinh tế không có thời gian đọc sách, báo, học sinh thì đã có nhà trường lo. Hơn nữa, việc tiếp cận thông tin đã trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ hết bởi các phương tiện, thiết bị điện tử thông minh.
Và như vậy, mục đích ban đầu khi thành lập thư viện xã là để hình thành thói quen đọc sách, báo trong nhân dân, là nơi để nhân dân tiếp nhận thông tin, kiến thức nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương đã không phát huy được hiệu quả.
Tủ sách để trong góc phòng vì sợ bị mất
Tình trạng tương tự cũng xảy với tủ sách pháp luật của xã Trường Thịnh, Ứng Hòa, Hà Nội. Theo ông Vũ Đức Vinh - Chủ tịch UBND xã Trường Thịnh, tuy chưa đủ các điều kiện để thành lập thư viện, nhưng xã đã có tủ sách pháp luật phục vụ bà con và cán bộ trong xã từ gần 10 năm nay. Vì là tủ sách pháp luật nên đại đa số sách có nội dung liên quan đến luật pháp, các thủ tục hành chính và do cán bộ tư pháp xã quản lý.
Tủ sách pháp luật của xã Trường Thịnh được đặt trong góc phòng
Khi phóng viên đến tìm hiểu thì vị cán bộ tư pháp xã đi vắng còn tủ sách pháp luật được đặt ở góc bên trong phòng một cửa. Có lẽ, ở vị trí đó người dân dù muốn đọc sách cũng khó lòng mà lấy được. Theo ông Vinh, phòng một cửa là nơi bà con đến làm các thủ tục hành chính đông, nên việc đặt tủ sách ở đó hoàn toàn thuận lợi.
Lúc đầu, tủ sách pháp luật được đặt ở bên ngoài, nhưng do chật chội nên phải chuyển vào trong góc, mặc dù biết đó không phải là một vị trí lý tưởng nhưng đành phải chấp nhận vì diện tích phòng có hạn. Hơn nữa, ông Vinh cho rằng nếu bày sách ra bên ngoài, bà con đến đọc tiện tay cầm về sẽ bị mất sách.
Xã Trường Thịnh là một xã thuần nông, đông dân cư, đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới, khối lượng công việc mà các tổ chức, đoàn thể phải tiếp nhận và giải quyết rất lớn nhưng cơ sở vật chất hạ tầng tại xã đang thiếu nghiêm trọng. Tình trạng 5 tổ chức, đoàn thể gồm: Mặt trận tổ quốc, Thanh niên, Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Nông dân làm việc chung 1 phòng rộng 16m2 tại xã diễn ra nhiều năm nay.
Khi một trong các tổ chức, đoàn thể nói trên họp thì phải sắp xếp lịch so le, hoặc chuyển hẳn sang hội trường lớn của xã để họp, làm việc, xã Trường Thịnh hiện chưa có nhà văn hóa xã. Nói thế để thấy rằng, việc tủ sách pháp luật có được một vị trí thuận để đặt và phát huy tác dụng của mình ở xã Trường Thịnh quả là rất khó.
Vì nhiều nguyên nhân mà người dân không mặn mà, tha thiết với thư viện xã cũng như tủ sách pháp luật ở các địa phương. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay và có lẽ không phải là chuyện hiếm. Nguyên nhân chính là do các cấp chính quyền thiếu quan tâm, chú trọng đầu tư, phát triển đổi mới hoạt động ở chính thư viện, tủ sách địa phương mình.
Làm thế nào để các thư viện xã không còn là thư viện "chết", tủ sách pháp luật không “ngủ đông” quanh năm, góp phần làm giảm tình trạng xuống cấp văn hóa đọc hiện nay cũng như phát huy được vai trò, mục đích đề ra rõ ràng là một vấn đề cần được sớm quan tâm, xem xét, tính toán kỹ lưỡng.