Chuyển động

10 sự kiện, vấn đề quốc tế nổi bật năm 2023 do VOV bình chọn

23/12/2023 10:09

Sau đây là 10 sự kiện, vấn đề quốc tế nổi bật năm 2023 do VOV bình chọn.


Ngày 07/10, phong trào Hồi giáo Hamas, lực lượng nắm quyền ở dải Gaza, bất ngờ mở cuộc tấn công vào Israel, sát hại hơn 700 người và bắt giữ hơn 100 công dân Israel. Để đáp trả, chính phủ Israel mở chiến dịch quân sự lớn nhất kể từ năm 1973 tấn công dải Gaza, với mục đích hủy diệt hoàn toàn lực lượng Hamas. Xung đột Hamas-Israel vẫn đang tiếp diễn với cường độ ngày càng khốc liệt, khiến hơn 20 nghìn người chết ở cả hai phía, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Xung đột Nga-Ukraine bước vào năm thứ 2 với mức độ khốc liệt không suy giảm. Đến nay vẫn chưa có bất cứ tín hiệu ngoại giao nào cho thấy cả Nga và Ukraine sẽ ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt xung đột.

Những cuộc xung đột khác xảy ra tại Myanmar, Yemen… cùng với việc Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa, nhiều nước đẩy mạnh đầu tư cho quân sự cho thấy thế giới đầy bất ổn. Xung đột liên tiếp làm ảnh hưởng trầm trọng tới an ninh toàn cầu, tác động mạnh tới kinh tế chính trị thế giới.

This image has an empty alt attribute

Hậu quả của đại dịch Covid-19, hàng loạt các cuộc xung đột, bất ổn chính trị tại nhiều khu vực khiến năm 2023 tiếp tục là một năm ảm đạm của nền kinh tế thế giới. Thương mại hàng hóa suy giảm, lạm phát leo thang, nợ công của nhiều quốc gia tăng cao. Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu không quá 2,1%, còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự tính mức tăng trưởng chỉ khoảng 3%. Những khó khăn chưa thể giải quyết khiến dự báo kinh tế thế giới năm 2024 có thể ảm đạm hơn.

This image has an empty alt attribute

Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syrie và Trung Quốc khiến hơn 50 nghìn người chết; Lũ lụt tàn phá Libya làm hơn 10 nghìn người chết; cháy rừng tại Hawaii, hạn hán tại Nam Á… Năm 2023 trở thành năm có nhiều thiên tai và là năm nóng nhất trong lịch sử. Biến đổi khí hậu đã diễn biến rất nguy cấp và ảnh hưởng đến tất cả quốc gia, đòi hỏi các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội phải được cân nhắc hậu quả dài hạn đối với môi trường.

This image has an empty alt attribute

Liên minh châu Phi được kết nạp vào G20 (nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới) tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra ngày 9/9/2023 ở Ấn Độ; Nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) quyết định sẽ kết nạp thêm 6 nước kể từ đầu năm 2024. Việc các tổ chức đa phương mở rộng được xem là động thái quan trọng, thể hiện vai trò ngày càng tăng của các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi trong việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và thiết lập trật tự kinh tế thế giới mới phù hợp hơn với thực tế của thế giới ngày nay.

Ngày 15/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh nhằm hạ nhiệt căng thẳng và tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn để đối phó với biến đổi khí hậu. Đây là cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc sau khoảng một năm, trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục leo thang do vấn đề Đài Loan, vụ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc và những xung đột liên quan đến thương mại, công nghệ điện tử và an ninh mạng. Tuy đã đạt được một số cải thiện nhất định, song xu hướng cạnh tranh, giành ảnh hưởng giữa hai quốc gia trên tất cả các lĩnh vực, tại các khu vực trọng yếu dự kiến vẫn sẽ tiếp tục gia tăng.

This image has an empty alt attribute

Chỉ trong vòng 1 năm, 2 cuộc đảo chính do lực lượng quân sự cầm đầu xảy ra tại Niger và Gabon nối dài làn sóng đảo chính tại châu Phi diễn ra suốt 70 năm qua, tạo nhiều hệ lụy nghiêm trọng, làm suy yếu thể chế dân chủ ở lục địa này, tác động tiêu cực đến kinh tế và gia tăng nguy cơ khủng bố. Bất ổn chính trị càng làm trầm trọng thêm vấn đề nghèo đói, tình trạng bất bình đẳng xã hội. Châu Phi sẽ vẫn phải đối mặt với các thách thức như xung đột, chia rẽ về kinh tế, an ninh, sắc tộc.

This image has an empty alt attribute

Năm 2023, sau “phát súng” khởi đầu của Chat GPT, hàng loạt ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như Google Bard, Microsoft Bing, Whisper, Codex, Midjourney, DALL-E… đã tạo ra những tác động chưa từng có tới các lĩnh vực của đời sống thế giới. Mặc dù Chính phủ nhiều nước đã nỗ lực pháp lý hóa việc kiểm soát AI, song sự phát triển quá nhanh của AI vẫn làm gia tăng nhiều lo ngại về những mặt trái có thể tác động đến con người và xã hội, đó là nguy cơ mất an ninh, lừa đảo trên mạng; lo ngại AI có thể đạt tiến bộ như trí tuệ con người hoặc thông minh hơn con người. Việc làm sao để sự phát triển của AI phục vụ tiến bộ của loài người, hạn chế tác động tiêu cực của công nghệ này đang là một trong những thách thức lớn nhất của thế giới.

This image has an empty alt attribute

Ngày 13/12/2023 là một bước tiến “lịch sử”, khi Hội nghị khí hậu lần thứ 28 (COP28) họp tại Dubai thông qua thỏa thuận đặc biệt kêu gọi chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, trật tự và hợp lý, tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030. Thỏa thuận này khẳng định nhân loại khởi đầu cho kỷ nguyên chia tay với năng lượng hóa thạch, nhằm bảo vệ Trái đất khỏi nhiệt độ gia tăng, với các hậu quả vượt tầm kiểm soát. Thỏa thuận này đã nhận được sự đồng thuận của gần 200 thành viên tham dự COP28, song vấn đề tiếp theo là các hành động hiệu quả để thực thi.


Nguồn: Sky News

Ngày 23/8/2023, lần đầu tiên, tàu vũ trụ của Ấn Độ đổ bộ thành công xuống cực nam của Mặt trăng, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư đổ bộ lên Mặt trăng sau Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô (cũ), và là quốc gia đầu tiên có tàu vũ trụ hạ cánh thành công xuống cực nam, khu vực được coi là “vùng tối của Mặt trăng”. Ngay sau đó, ngày 02/09, Ấn Độ lại phóng tên lửa đưa tàu vũ trụ lên nghiên cứu mặt trời. Những thành công này đưa Ấn Độ trở thành một trong những siêu cường toàn cầu trong lĩnh vực không gian.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 05/05 tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu với đại dịch Covid-19. Đây là cột mốc chính thức khép lại cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu lớn nhất trong hơn một thế kỷ qua, sau hơn 3 năm dịch bùng phát. Hơn 765 triệu trường hợp được xác nhận mắc Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát, gần 7 triệu người tử vong. Những hậu quả đáng buồn của đại dịch Covid-19 đặt thế giới trước câu hỏi lớn về năng lực của nhân loại khi đối phó với siêu đại dịch và xử lý các hậu quả về kinh tế, xã hội, chính trị… mà đại dịch gây ra.

Trình bày: Kiều Anh - Ảnh: Reuters