Chuyện học ở Trường Sa
Đời sống - Ngày đăng : 06:31, 20/11/2015
Tất cả vì biển đảo thân yêu
“Được đứng ở Trường Sa, dạy cho học trò biết về chủ quyền biển đảo tôi thấy nghề giáo của mình thiêng liêng hơn…” - đó là một trong những lý do mà cô giáo Bùi Thị Nhung, Hiệu trưởng kiêm giáo viên chủ nhiệm của… 5 lớp trên đảo Trường Sa Lớn giải thích khi được hỏi về lý do từ bỏ đất liền, bất chấp khó khăn để ra đảo dạy học của mình.
Cô giáo Bùi Thị Nhung
Cô Nhung chia sẻ, ngày đầu tiên đến với Trường Sa, cô mới biết chuyện dạy học ở đảo không hề đơn giản, ngay cả tưởng tượng cô cũng chưa hề nghĩ tới khi học trò phải học ở những lớp ghép “5 trong 1”, từ mẫu giáo đến lớp 4 học chung. Nhóm học trò này đang làm bài tập thì cô giáo lại tranh thủ ra đề, tập viết, tập đọc cho nhóm kia. Phòng học không có, phải mượn hành lang hội trường để dạy. Học trò ngồi bệt vì chưa có bàn ghế, bảng đen chỉ có một tấm mượn tạm từ bảng giao ban của bộ đội…
Cũng giống như cô Nhung, thầy Phạm Trung Việt, 31 tuổi, và thầy Đồng Minh Hiệp, 23 tuổi, cả 2 cùng quê tỉnh Khánh Hòa, cùng tình nguyện ra đảo Trường Sa công tác. Bằng tình yêu và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ, các thầy giáo trẻ đã gác lại chuyện riêng tư, không quản ngại xa xôi thiếu khó, các thầy đã lặng lẽ “cõng chữ vượt sóng” ra với Trường Sa. Có lẽ tất cả đối với thầy Việt, thầy Hiệp lúc này là những đứa trẻ thơ ngây mà hàng ngày các thầy cùng dìu dắt, cùng chia sẻ những con chữ, chia sẻ kiến thức và nhất là đạo đức làm người. Niềm vui của các thầy chính là từng ngày thấy các em lễ phép, ngoan ngoãn hơn và ngày càng hiểu được nhiều thứ hơn nơi miền đảo xa đất liền hàng trăm hải lý này.
Cũng như trong đất liền, chương trình giảng dạy cho các em học sinh ở đảo Trường Sa đều phải được đảm bảo đúng với chương trình của toàn ngành giáo dục. Cái khác ở đây là trong đất liền, các em có đầy đủ giáo viên bộ môn, còn ở đảo này, thường thì các thầy cô giáo là những người luân phiên dạy các em tất cả. Tất cả vì Trường Sa thân yêu. Tất cả vì đàn em thân yêu. Các thầy cô cũng thế. Nhiệt tâm, nhiệt tình. Tình cảm đặc biệt ấy cũng khiến cho các bậc phụ huynh cảm thấy yên lòng và quý mến các thầy hơn.
Những ai ra đảo Song Tử Tây hẳn sẽ rất ấn tượng với lớp học đặc biệt giữa đảo khơi. Lớp học nằm dưới những tán cây phong ba sừng sững, cây bàng vuông xanh thẳm, tiếng học sinh ê a tập đọc vang vọng xen lẫn với tiếng sóng biển ầm ào. Trường lớp, giáo viên nơi đây tuy khác hẳn so với đất liền nhưng đều chung lý tưởng mang con chữ đến với trẻ em huyện đảo để ươm mầm những thế hệ tương lai đang lớn dần nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.
Ở Trường Tiểu học xã đảo này, học trò và các bậc phụ huynh luôn nhắc đến thầy giáo Đoàn Quốc Thái với niềm tin yêu, kính trọng. Không chỉ dạy học, thầy Thái còn kiêm chức Bí thư Đoàn xã Song Tử Tây, chuyên chăm lo phát triển phong trào thanh niên trên đảo. Nhớ lại những ngày đầu ra đảo, anh tư lự: “Buồn lắm. Song Tử là đảo cấp 1 mà vẫn thường xuyên thiếu điện, nước, sóng điện thoại không có. Tôi được phân công dạy lớp 1, đúng cái tuổi các em vừa làm quen với việc đến lớp nên gặp nhiều khó khăn. Phải mất khá nhiều thời gian mới rèn luyện được cho các em thói quen đến lớp đúng giờ, tập trung trong giờ học”.
Sinh năm 1984, thầy giáo Mai Thành Tiến, quê Diên Khánh (Khánh Hòa) cũng là một trong những người thầy có thâm niên công tác ở đảo Sinh Tồn. Nói về những khó khăn khi dạy học trên đảo, anh bảo: “Tri thức thay đổi từng ngày, trong khi ở đảo, điều kiện giao lưu, học hỏi, làm mới kiến thức rất hạn chế. Vì thế, nếu giáo viên không “tự học” thì kiến thức sẽ lạc hậu. Nhiều vấn đề có cách tiếp cận mới quá, tôi cũng phải gọi về đất liền nhờ các đồng nghiệp hướng dẫn. Thấy các em ngoan, ham học, gặp ai cũng chào hỏi, trưởng thành lên từng ngày, tôi mừng, hạnh phúc lắm”.
Từ lâu, thầy Tiến đã coi nơi đây là ngôi nhà của mình, dù rằng phải hy sinh nhiều hạnh phúc riêng tư: “Vợ tôi đang mang bầu đứa con đầu lòng được 7 tháng. Khi vợ sinh con, tôi cũng không về được, buồn và áy náy lắm. Vợ tôi cũng tốt nghiệp Đại học Sư phạm Nha Trang. Có thể sinh con xong, vợ tôi cũng sẽ ra đảo dạy học”.
“Quê em ở Trường Sa!”
Vượt qua hàng trăm hải lý, đã có những người con của đất liền mang đến cho các cư dân nhỏ tuổi của đảo Trường Sa cái chữ, đem đến cho các em những khát vọng về cuộc sống. Rồi đây, các em sẽ là những chủ nhân của đất nước trong tương lai, đặc biệt là ngay trên vùng hải đảo xa xôi, huyện đảo Trường Sa.
Giờ, khi đến với Trường Sa - “hòn đảo cát trắng đá chìm, nắng rát”, ấn tượng nhất đối với khách không chỉ là hình ảnh của người lính rắn rỏi, dạn dày sóng gió, mà còn là sự thân thiện đến từ những đứa trẻ “được sinh ra trên biển”. Ngay từ khi tàu cập cảng, các em nhỏ đã đứng xếp hàng, nép vào bóng của mẹ trên cầu cảng chờ đón đoàn công tác giữa buổi trưa nắng rát tay người. Ban đầu, tôi hơi ngỡ ngàng, về sau tìm hiểu mới biết, mỗi khi có đoàn công tác đến thăm đảo, người ta không gọi thì các em cũng tự ùa ra cầu cảng mà đón khách. Trong một năm, các em vui nhất là ba tháng biển êm, vì khi đó, sẽ có nhiều chuyến tàu ra đảo. Khi đó, các em sẽ thỏa thuê được xem văn nghệ, được nô đùa, được sống trong không khí rộn ràng như ngày hội. Và đặc biệt hơn là các em còn được đón nhận những thùng quà từ đất liền gửi ra.
Không e dè như những đứa trẻ khác, chú bé Nguyễn Chinh Si tỏ ra hết sức thân thiện với “những vị khách đến từ đất liền”, đặc biệt là mấy phóng viên trẻ. Si leo từ cành này sang cành khác trên cây phong ba hái những chiếc lá to bản, vàng ươm tặng chúng tôi làm quà, miệng liến thoáng: “Cháu gần được sáu tuổi rồi đấy, lớn lên cháu làm chú bộ đội hải quân, cháu vẫn còn hai cái áo hải quân của các chú bộ đội cho từ năm trước”. Như sợ người nghe chưa tin, Si nói thêm: “Cháu cũng biết chào, đi đều giống các chú bộ đội đấy”. Nói rồi Si tụt xuống đất giơ bàn tay nhỏ nhắn lên ngang trán chào giống các chú bộ đội, miệng cười vui sướng, rồi em lại thể hiện động tác đi đều, đứng nghiêm như thể khẳng định cho lời nói của mình.
Giờ chơi của các em học sinh trên đảo Trường Sa
Chúng tôi đến đảo Trường Sa đúng độ các em bước vào kì nghỉ hè, và có vẻ như việc học hành ở đây không là gánh nặng với các em nhỏ giống như ở các thành phố lớn. Học tập và vui chơi luôn hòa quện với nhau. Các em cùng cô giáo hàng ngày vẫn ôn bài theo chương trình học của mình. Thường thì tất cả các em cùng ngồi chung một phòng học và cô giáo đến với từng em hướng dẫn các em học tập theo chương trình của mình. Em nhỏ tuổi nắn nót tập viết từng con chữ, em lớn tuổi ngồi viết chính tả, làm toán. Từ lớp học này những con chữ Tổ quốc, quê hương, Trường Sa.... đã dần hình thành ý nghĩa trong trái tim của mỗi em nhỏ. Không có phố phường nhộn nhịp, không có công viên vườn thú, ở đây chỉ có bố mẹ, các chú bộ đội và cô giáo, các em đến lớp không chỉ để học mà còn để vui chơi, để nghe cô giáo kể chuyện về đất nước ta rộng dài từ bắc vào nam với núi cao hùng vĩ, sông dài và rừng rậm.
Tìm hiểu kỹ lại càng thấy rõ cái cách trở xa ngái của đảo với đất liền và sự hà khắc của thiên nhiên tác động một cách sâu sắc đến đời sống của các em. Những tâm sự của anh Nguyễn Ngọc Hải là phụ huynh của các em Nguyễn Thị Kim Huệ, Nguyễn Thị Kim Hồng, Nguyễn Thị Hồng Hương để lại cho người nghe sự mến thương kèm theo nỗi day rứt mỗi khi nghĩ về các em nhỏ đảo Trường Sa.
Anh Hải bảo rằng, các em đang chịu sự thiệt thòi lớn nhất là không được sống trong môi trường xã hội của đất liền. Các khái niệm đời thường về phố phường, ô tô, cánh đồng hay con trâu... đều phải được người lớn giải thích để hiểu. Nếu ở đất liền các em sẽ được bố mẹ đưa đi chơi đó đây, được ăn nhiều món ăn các em ưa thích, được đến trường trong không khí đông vui của hàng trăm bạn bè cùng trang lứa. Còn cuộc sống của các em nơi đảo xa chỉ gắn bó với bờ cát vàng và những con sóng vỗ ì oạp dưới chân kè. Có chăng niềm vui ngày thường của các em là mỗi khi bố đi bắt cá về là cả nhà hôm đó có một bữa cơn với cá tươi.
Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, mấy năm gần đây, đảo Trường Sa Lớn, trung tâm huyện lỵ của quần đảo Trường Sa hôm nay đã có rất nhiều đổi thay. Các hạng mục, công trình văn hóa, xã hội ngày càng được quan tâm đầu tư đầy đủ hơn. Từ đó, những mầm non sinh ra và lớn lên tại đảo Trường Sa cũng được quan tâm, chăm sóc tốt hơn. Trường Sa, giờ yên bình như bao bản làng xa xôi của tổ quốc. Các em nhỏ đang từng ngày lớn lên giữa biển trời sóng nước, chắc rằng sau này dù có đi đâu, ở đâu nhưng quãng đời tuổi thơ gắn bó với đảo xa của các em vẫn mãi là những ký ức đẹp đẽ không thể nguôi quên.
Rồi đây, dù ở nơi đâu, hoàn cảnh, vị trí công việc nào, chắc chắn các em nhỏ trên đảo Trường Sa hôm nay cũng không thể quên được những người thầy đã gieo cho mình những con chữ đầu tiên, vun đắp tình yêu thương và trách nhiệm. Tình yêu thương đối với con người, và trách nhiệm xây dựng, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của quê hương, đất nước…
Riêng tôi, người khách ghé thăm đảo, sẽ nhớ mãi hình ảnh các em nhỏ chơi nhảy ô lò cò, líu ríu những câu chuyện. Và tôi nhớ mãi câu trả lời của bé Nguyễn Thị Mi Sen khi được hỏi: Quê em ở đâu? Em trả lời rất nhanh: Quê em ở Trường Sa ạ!