Quyết định 22 – Điểm tựa cho người hoàn lương
Ngay khi Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, Ngân hàng CSXH huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã phối hợp với Công an huyện và các địa phương tích cực triển khai chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Điều này được kỳ vọng sẽ là điểm tựa vững chắc giúp người hoàn lương vươn lên tái hòa nhập cộng đồng, kiến tạo cuộc sống mới.
“Chiếc phao” của những mảnh đời hoàn lương
Như bao người bình thường khác, những người hoàn lương cũng có ước mơ về cuộc sống ổn định và một mái ấm bình yên. Song, hành trình quay về nẻo thiện của họ là chuỗi ngày đầy khó khăn khi đối mặt với không ít định kiến xã hội và tìm kiếm việc làm không hề đơn giản.
Đã từng lầm lỡ từ đầu năm 2023, anh Nguyễn Văn Hiệp ở xóm 5, xã Nghi Lâm huyện Nghi Lộc (Nghệ An) được trở về với gia đình sau thời gian chấp hành án phạt tù vì tội cố ý gây thương tích. Khó khăn chồng chất khó khăn, rào cản lớn nhất trong hành trình tái hòa nhập cộng đồng của anh Hiệp là không có vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, nhờ có chính sách của Chính phủ, sự bảo lãnh của gia đình, nhận ủy thác của các tổ chức hội, anh Nguyễn Văn Hiệp đã được vay 100 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Nghi Lộc. Từ đây, anh có thể yên tâm lao động sản xuất, làm lại cuộc đời.
Anh Hiệp chia sẻ: “Sau khi trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, được Đảng, Nhà nước hỗ trợ cho vay 100 triệu đồng để tôi có tiền mua nguyên liệu phát triển sản xuất. Qua đó, tôi càng có thêm nghị lực, quyết tâm để thay đổi bản thân, tập trung làm kinh tế để không phụ niềm tin của gia đình, xã hội dành cho mình”.
Cũng như anh Hiệp, anh Trần Xuân Khôi ở xóm Làng, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc - một trong những trường hợp được Ngân hàng CSXH huyện Nghi Lộc giải ngân từ chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Anh Khôi đã chấp hành xong án phạt tù từ năm 2022.
Không giấu được niềm vui vì đã có vốn để phát triển kinh doanh dịch vụ, anh Trần Xuân Khôi chia sẻ: "Đây là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh để gia đình tôi vực dậy trong cuộc sống, chuyên tâm làm ăn, tái hòa nhập cộng đồng”.
Đó chỉ là 2 trong số hàng trăm người chấp hành xong án phạt tù về sinh sống tại địa phương. Trong quá khứ, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau đưa đẩy nên họ phạm phải sai lầm, phải trả giá bằng những năm tháng trong trại giam. Hành trình tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời mới của những người lầm lỡ giờ không còn đơn độc nhờ có sự đồng hành, tiếp sức của chính sách tín dụng mang tính nhân văn của Chính phủ.
Hiện tại, toàn huyện Nghi Lộc có trên 500 người chấp hành xong án phạt tù về sinh sống tại địa phương. Bên cạnh những người sau khi về với cộng đồng, gia đình đã hiểu biết hơn về pháp luật, nhận ra lỗi lầm của bản thân trong quá khứ, chuyên tâm làm ăn thì vẫn còn nhiều người sau khi chấp hành xong án phạt khi trở về địa phương phải đối mặt với nhiều rào cản, trở ngại như: khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, tạo kế sinh nhai; chịu sự kỳ thị, xa lánh, phân biệt đối xử của cộng đồng xã hội.
Có thể xem đây là nhóm đối tượng yếu thế, cần có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ để họ nâng cao khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng. Do đó, việc cung cấp nguồn vốn ưu đãi để người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện tham gia học nghề, tự tạo việc làm là giải pháp quan trọng giúp hạn chế tối đa nguy cơ tái phạm.
Nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau
Ngay sau khi Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nghi Lộc đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng theo quy định, trong đó có đối tượng là người chấp hành xong hình phạt tù.
Đồng thời, phối hợp với UBND cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn tiếp tục rà soát danh sách các đối tượng thụ hưởng, các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay, hướng dẫn lập thủ tục hồ sơ vay và giải ngân cho vay theo quy định. Tích cực đồng hành với những người từng lầm lỡ để họ có trách nhiệm và ý thức phấn đấu làm ăn, tiết kiệm để hoàn vốn sau khi vay.
Theo Quyết định số 22, quy định về mức vốn cho vay để đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù. Với cơ sở sản xuất kinh doanh, mức vốn cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Quyết định số 22 chính là một cơ chế rất cụ thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống. Đồng thời cũng có cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Qua rà soát, đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân 800 triệu đồng cho 8 người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để phát triển kinh tế.
Ông Lê Thế Chung - Phó giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Nghi Lộc, cho biết: “Chúng tôi phối hợp với UBND xã, công an các xã, thị trấn tiến hành rà soát danh sách các đối tượng thụ hưởng, các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn; phổ biến, hướng dẫn tổ chức hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn lập thủ tục hồ sơ cho vay và đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách mới kịp thời đến với nhân dân trên địa bàn. Đến thời điểm này, Phòng giao dịch đã giải ngân tổng số tiền 800 triệu đồng cho 8 hộ dân có người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn”.
Với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ngân hàng CSXH huyện Nghi Lộc đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện tốt các quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất - kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; chủ động để bảo đảm nguồn vốn cho vay. Các ngành, các địa phương cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để lan tỏa chính sách này trong cuộc sống.