TP Phú Quốc: “Lá cờ đầu” của tỉnh Kiên Giang
Với vai trò là “lá cờ đầu” về kinh tế của tỉnh Kiên Giang, UBND TP Phú Quốc đã vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Trung ương, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh để vượt qua nhiều khó khăn, thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Ngày 19/12, báo cáo tại Kỳ họp thứ mười lăm, HĐND TP Phú Quốc khóa II, nhiệm kỳ 2021- 2026, ông Huỳnh Quang Hưng - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc cho biết, trong năm 2023, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, nhất là tình hình xung đột giữa Ukraine và Nga kéo dài, khiến cho tình hình lạm phát tăng cao, xảy ra hầu hết ở các quốc gia trên thế giới và ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế của nước ta, cũng như TP Phú Quốc;
Bên cạnh đó, do thời tiết xấu, các tàu, phà không hoạt động, hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng dẫn đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của nhân dân bị đình trệ. Vì vậy, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Một số ngành chưa đạt kế hoạch đề ra và giảm so với cùng kỳ như: giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 93,29% kế hoạch, giảm 2,97%; sản lượng tiêu đạt 91,02% kế hoạch, giảm 8,98%; chế biến nước mắm giảm 12,23%; khai thác thủy sản ngày cảng giảm (do trữ lượng thủy sản giảm, đánh bắt xa bờ không nhiều, đa phần tàu công suất nhỏ...).
Tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm so với kế hoạch. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải thu hẹp quy mô hoặc hoạt động cầm chừng do nhu cầu giảm; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, đất Nhà nước quản lý trái phép tuy được các cơ quan chức năng tập trung xử lý nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Tình hình tội phạm về trật tự xã hội tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp; tai nạn giao thông tăng cả 3 mặt; hoạt động của một số loại tội phạm, nhất là tội phạm mang tính chất băng nhóm, có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về ma túy, tội phạm bị truy nã trốn ra Phú Quốc có chiều hướng gia tăng, gây lo lắng trong nhân dân và dư luận xã hội…
Dù vậy, UBND TP Phú Quốc đã vận dụng linh hoạt các chủ trương, cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh Kiên Giang, đặc biệt với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, TP Phú Quốc đã kịp thời thực hiện có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.
Kết quả có 14/23 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt ở mức cao so với kế hoạch; tổng thu ngân sách năm đầu tiên trên địa bàn đạt trên 7.000 tỷ đồng, đạt cao so với kế hoạch; khách du lịch vượt chỉ tiêu, đặc biệt là khách nước ngoài đạt khá, các chuyến bay quốc tế được các hãng bay mở trở lại với Phú Quốc.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm thực hiện tốt hơn, có nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc tế; quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác đối ngoại được mở rộng. Bộ máy chính quyền từ thành phố đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân được quan tâm thực hiện thường xuyên. Thực hiện cải cách hành chính có tiến bộ hơn, hiệu quả hoạt động được nâng lên; tập trung xử lý và cưỡng chế nhiều vụ việc vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng.
Theo lãnh đạo UBND TP Phú Quốc, dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Một số lĩnh vực có tiềm năng lợi thế, nhất là du lịch được tập trung khai thác, phát huy tốt hơn, góp phần quan trọng vào sự ổn định và tăng trưởng kinh tế, thu hút khách du lịch ước đạt 2,842 triệu lượt khách, vượt 13,68% so kế hoạch, tăng 23,03% so với năm 2022 (khách quốc tế là 287.410 lượt khách, tăng 43,57% với cùng kỳ); tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 19.451,25 tỷ đồng, tăng 26,59% so cùng kỳ, vượt 20,97% kế hoạch...
Ngoài ra, địa phương cũng thực hiện có hiệu quả nhiều biện pháp khai thác nguồn thu, chống thất thu, nợ đọng thuế; tổng thu ngân sách được 7.812,720 tỷ đồng, đạt 135,17% dự toán do HĐND thành phố giao đầu năm, bằng 113,56% dự toán do HĐND thành phố giao điều chỉnh;
Tổng thu ngân sách thành phố quản lý năm 2023 ước đạt 4.366,720 tỷ đồng, gồm: thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 2,5 tỷ đồng, các khoản thu cân đối ngân sách nhà nước là: 4.364,220 tỷ đồng. Giải quyết việc làm, giảm nghèo, thực hiện chính sách đối với gia đình có công, chính sách an sinh xã hội đạt được những kết quả tích cực.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,18% (giảm 0,07% so với năm 2022), cận nghèo giảm còn 0,18% (giảm 0,01% so với năm 2022); giải quyết việc làm cho 3.639/2000 lao động (vượt 81% so với kế hoạch), trong đó tạo việc làm mới cho 2.114 người.
UBND TP Phú Quốc cũng chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp xem xét bổ sung một số phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn. Tập trung xử lý vướng mắc công tác bồi thường, giải toả và tái định cư một số dự án trên địa bàn thành phố, đã phê duyệt 28 phương án, phương án bổ sung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; xét duyệt nguồn gốc đất, chuyển đổi nghề, tái định cư và các chính sách khác được 8 dự án với 540 hộ. Trong năm, đã chi trả bồi thường, hỗ trợ 252 hộ với số tiền 625,4 tỷ đồng.
Công tác quản lý đất đai, tài nguyên, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn biển được kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến đất đai, xây dựng và môi trường trên địa bàn, đã kiểm tra, xử lý, cưỡng chế 21 trường hợp vi phạm bao chiếm, xây dựng trái phép...
Năm 2024, TP Phú Quốc khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng và hạ tầng đô thị và tập trung nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.