Nếm “trái đắng” khi đi lao động chui tại Angola

Đời sống - Ngày đăng : 06:30, 15/11/2015

12 người dân ở huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) tin tưởng người môi giới địa phương nên đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đi xuất khẩu lao động, mong thoát khỏi cuộc sống cơ cực. Tuy nhiên, khi mới đặt chân tới đất nước Angola, giấc mơ đã tan biến…

Ám ảnh nơi xứ người

Dù về nước đã lâu nhưng nhắc về những ngày tháng sống chui lủi ở Angola - đất nước ở miền Nam châu Phi, anh Tô Văn Phúc (SN 1979, ngụ thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) vẫn còn cảm thấy rùng mình. Anh không ngờ rằng có ngày mình được về nước để đoàn tụ cùng gia đình, vợ con và người thân.

Anh Phúc kể, do tin tưởng ông Nguyễn Văn Hà (ngụ cùng xã) - người chuyên môi giới đưa người đi nước ngoài lao động nên anh và 12 người khác (trong đó có 8 người cũng xã) đã đồng ý sang Angola làm việc. Để được sang bên đó làm việc, mỗi người phải nộp cho Hà 136,5 triệu đồng để làm thủ tục. “Do nhà nghèo không có tiền, gia đình tôi đã cầm cố nhà cửa, vay Quỹ tín dụng nhân dân Ngư Lộc 100 triệu đồng và vay lãi ngoài để có đủ số tiền đưa cho Hà. Ai ngờ, mới đặt chân xuống sân bay ở Angola đã biết mình bị lừa”, anh Phúc nhớ lại.

Trong chuyến bay đó, ngoài 13 người ở huyện Hậu Lộc còn có 4 người ở các tỉnh khác cũng được Hà đưa sang Angola. Đang bơ vơ ở sân bay không biết đi về đâu, 17 lao động trên được một người Việt Nam tới đưa đến một công trường đang làm dở. Làm được 2 ngày thì hết việc, nhóm người trên được đưa tới một ngôi nhà hoang. Hơn 10 ngày sau, họ lại được đưa tới công trường khác. Họ bị bắt làm việc quần quật suốt ngày mà không được ăn no, nhiều người không chịu được người gầy rộc, đổ bệnh vì sốt rét. “Muốn bỏ trốn để tìm cách về nước cũng khó, vì lúc nào cũng có 4 người bản địa cầm lăm lăm 4 khẩu súng trường đứng theo dõi chúng tôi làm việc. Trong lúc tôi bị sốt rét lên cơn co giật đùng đùng, tưởng mình chết ở đây thì cùng lúc đó, ở nhà người thân đã gây sức ép buộc Hà đưa chúng tôi về nước. Khi về tới sân bay, tôi phải ở lại Hà Nội điều trị gần 10 ngày mới may mắn thoát chết”, anh Phúc nhớ lại.

Nếm “trái đắng” khi đi lao động chui tại Angola

Vùng biển xã Ngư Lộc

Ông Triệu Ngọc Tuân, bố của Triệu Văn Tuấn (SN 1987, ngụ thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc - người cũng bị lừa đi chuyến đó) cho biết hôm 13 người ra Hà Nội để bay sang Angola, tối đó, khi xem tivi, ông thấy nói có rất nhiều người bị lừa qua đó làm “chui”. Ông đã bắt đầu cảm thấy lo lắng nhưng Hà cam kết có hợp đồng lao động đàng hoàng. Song khi con ông và những người đi cùng điện về khóc trong điện thoại, ông mới biết con ông đã bị lừa.

Tiền mất, tật mang…

Do toàn là những hộ gia đình có cuộc sống khó khăn, nên khi nghe theo lời mật ngọt của Hà sang bên đó có công việc ổn định, lương 800 USD/tháng, những gia đình có người đi đều phải vay mượn ngân hàng hàng trăm triệu đồng để đưa cho Hà. Sau gần 5 tháng sống khổ cực tại Angola, những người này không nhận được đồng lương nào mà còn bị Hà cố tình không trả lại số tiền đã nhận của gia đình họ. Khi biết người dân báo cáo sự việc tới chính quyền, Hà “xuống nước” hứa sẽ trả lại tiền. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, Hà hứa sẽ trả lại cho mỗi hộ 80 triệu đồng, nhưng mới nhận được 28 triệu đồng, còn 52 triệu đồng đến nay Hà không trả.

Nếm “trái đắng” khi đi lao động chui tại Angola

Bà Mão lo lắng vì chồng đang sống chui lủi ở Angola không có tiền về nước

Trong số 13 người bị Hà lừa qua Angola, hiện còn ông Bùi Xuân Cường chưa trở về nước. Do sợ về nước không biết lấy đâu ra 100 triệu đồng để trả nợ nên ông Cường “đánh cược” mạng sống của mình, ở lại làm “chui” mong có tiền gửi về trả nợ. Vợ ông, bà Hoàng Thị Mão cho biết, vừa rồi xem tivi thấy có người Việt bị bắn chết ở Angola, bà lo lắm, đã 2 tuần rồi bà không điện cho chồng. Bà Mão cho hay, để được qua Angola, ông Cường đã nói dối mất chứng minh thư, làm lại chứng minh khác trẻ hơn chục tuổi để được đi xuất khẩu lao động. Ai ngờ tiền mất, công việc không có, chồng bà thì không biết ngày nào mới trở về quê hương. “Tôi điện sang thì chồng tôi nói đang cố làm việc để lấy tiền về, nhưng chủ chưa trả tiền. Tôi nhiều lần tìm Hà nói đưa chồng tôi về nước nhưng Hà cứ hứa mãi”, bà Mão bức xúc.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết: Đây là những người đi lao động trái phép, không thông qua chính quyền địa phương, khi bị lừa, họ mới báo chính quyền vào cuộc. Xã nhiều lần mời ông Hà tới làm việc và yêu cầu ông Hà phải hoàn trả số tiền đã hứa trả cho người dân. Trách nhiệm của địa phương không thể dùng được biện pháp khác nên đã chuyển hồ sơ cho Công an huyện Hậu Lộc giải quyết hơn 1 năm nay. Hiện nay, ông Hà đã bán ngôi nhà trên địa bàn xã và chuyển đi nơi khác sinh sống.

Thanh Phương