Vụ “hủy hoại tài sản” ở Vĩnh Phúc: Vì sao Tòa triệu tập hội đồng định giá tài sản?
Sau gần 2 ngày xét xử phúc thẩm vụ án “hủy hoại tài sản” xảy ra tại thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Vĩnh Phúc xét thấy cần thiết triệu tập Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện Bình Xuyên để làm rõ những nội dung liên quan đến việc định giá tài sản đối với số cây trồng bị hủy hoại.
Chiều 18/12, TAND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Hủy hoại tài sản” xảy ra tại thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên.
Bị cáo trong vụ án này là ông Tô Kim Dậu (SN 1957, ở tổ dân phố chùa Hạ, thị trấn Hương Canh) bị TAND huyện Bình Xuyên tuyên phạt 30 tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản”. Sau đó, bị cáo Dậu có đơn kháng cáo, đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm đã tuyên.
Theo bản án sơ thẩm, trong vụ án này, do mâu thuẫn trong việc quản lý, sử dụng đất đai, bị cáo Tô Kim Dậu đã có hành vi hủy hoại tài sản của bị hại là gia đình ông Nguyễn Văn Thuận (SN 1971) và bà Tạ Thị Sinh (SN 1974) cùng trú tại tổ dân phố Chùa Hạ, thị trấn Hương Canh.
Cụ thể, ngày 28/10/2021, bị cáo Dậu chặt phá cây, mặc dù đã được cơ quan công an yêu cầu dừng việc chặt cây nhưng bị cáo Dậu không chấp hành mà đến ngày 7/11/2021 ông Dậu tiếp tục chặt phá, thể hiện ý thức coi thường pháp luật. Quá trình điều tra, bị cáo Dậu không thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, khai báo quanh co nhằm trốn trách trách nhiệm.
Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra ngày 14/12 và chiều 18/12, bị cáo Tô Kim Dậu tiếp tục kêu oan và cho rằng cáo trạng truy tố không đúng vì bị cáo chặt cây do mình trồng trên đất của gia đình.
Theo ông Dậu, nguồn gốc thửa đất do ông mua của ông Nguyễn Văn Nhã, người cùng địa phương và được UBND thị trấn Hương Canh chứng thực. Ngoài ra, trước khi chặt cây, ông Dậu đã thông báo với vợ ông Thuận là bà Sinh và được bà Sinh đồng ý.
Trong khi đó, Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng việc mua bán chuyển nhượng giữa ông Dậu và ông Nhã là hợp pháp thể hiện rõ phần đất có trồng cây mà ông Dậu chặt là đất của ông Dậu. Mặt khác, trước đó ông Thuận đã ký thỏa thuận với bị cáo Dậu, văn bản giấy tờ thể hiện “giấy xin đi nhờ lối đi” thừa nhận là đất của ông Dậu.
Luật sư bào chữa nêu quan điểm, vụ án có dấu hiệu của việc làm sai lệch hồ sơ vụ án. Cụ thể, khi sự việc chặt cây ngày 28/10/2021 xảy ra Công an phải mời hai bên đến trụ sở để lập biên bản nhưng không làm. Chính vì vậy, ông Dậu mới tiếp tục chặt cây vào ngày 7/11/2021. Ngoài ra, việc quản lý vật chứng trái quy định, không được Cơ quan điều tra bảo quản mà giao cho vợ chồng ông Thuận lưu giữ.
Đáng chú ý, Luật sư bào chữa cho biết việc định giá tài sản có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi Hội đồng định giá lại thuê 1 công ty tư nhân để áp vào định giá tài sản, cây nhỏ lại giá trị hơn cây to. Ngoài ra chứng thư định giá, biên bản thanh toán chi phí định giá đều không có trong hồ sơ vụ án. Đặc biệt, quá trình bị cáo Dậu khiếu nại, không được giải quyết theo quy định.
Giải trình về việc bảo quản vật chứng, đại diện Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Xuyên cho rằng do khối lượng vật chứng cồng kềnh, nên sau khi kiểm đếm, đo lường đã giao lại cho chủ sở hữu (vợ chồng ông Thuận bà Sinh - PV) quản lý. Đại diện Cơ quan CSĐT cũng cho rằng, việc định giá là khách quan, đúng quy định. Cơ quan điều tra đã có văn bản trả lời không chấp nhận đề nghị định giá lại tài sản và đã thông báo cho bị cáo biết.
Trong phần nêu quan điểm tranh tụng tại phiên tòa, đại diện VKS tỉnh Vĩnh Phúc không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Tô Kim Dậu và đề nghị HĐXX phúc thẩm giữ bản án sơ thẩm.
Sau khi hội ý, HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Vĩnh Phúc xét thấy cần thiết triệu tập Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện Bình Xuyên để làm rõ những nội dung liên quan đến việc định giá tài sản đối với số cây trồng đã bị hủy hoại. Vì vậy, ngày 20/12 tới đây, phiên tòa tiếp tục được đưa ra xét xử.
Nội dung cáo trạng thể hiện: Năm 2010, Công ty TNHH Thuận Nam (Công ty Thuận Nam) do ông Nguyễn Văn Thuận làm Giám đốc, được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có diện tích 1607,5 m2 để kinh doanh vật liệu xây dựng.
Phía Đông thửa đất trên giáp khu đất thuộc quyền quản lý của ông Tô Kim Dậu (SN 1957, ở tổ dân phố chùa Hạ, thị trấn Hương Canh).
Năm 2021, do mâu thuẫn trong việc quản lý, sử dụng đất đai, cho rằng bờ kênh có cây trồng giáp thửa đất của Công ty Thuận Nam là đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của mình nên ông Tô Kim Dậu đã nhiều lần yêu cầu gia đình ông Thuận chặt cây để trả lại mặt bằng, nhưng không được.
Ngày 28/10/2021, ông Dậu đã dùng cưa máy, dao, dây chạc, thang gỗ cùng cháu nội là T.Đ.T (SN 2002) cưa đổ tổng số 31 cây gồm: 1 cây xoài, 1 cây đu đủ, 1 cây vú sữa, 1 cây bưởi, 1 cây nhãn, 16 cây mít, 10 cây xoan.
Đến ngày 7/11/2021, ông Dậu và cháu nội tiếp tục chặt phá 9 cây gồm: 4 cây xoan, 2 cây mít, 2 cây xoài và một cây bơ.
Bản kết luận định giá ngày 8/4/2022, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Bình Xuyên đã kết luận: Trị giá cây ăn quả và cây lấy gỗ bị hủy hoại ngày 28/10/2021 là hơn 44 triệu đồng và ngày 7/11/2021 là hơn 21 triệu đồng. Tổng giá trị tài sản ông Tô Kim Dậu đã hủy hoại là hơn 66 triệu đồng.