Triển khai đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng
UBND TP. Hải Phòng vừa ban hành kế hoạch về triển khai “Chiến dịch tuyên truyền đấu tranh phòng, chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng” nhằm đấu tranh, đẩy lùi các hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Theo đó, thời gian qua, tình hình tội phạm công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hải Phòng diễn biến hết sức phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gia tăng nhanh về số vụ, số tiền thiệt hại, gây bức xúc trong quần chúng Nhân dân.
Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về tội phạm trên không gian mạng đã được các đơn vị chức năng tiến hành thường xuyên, song hiệu quả chưa cao, chưa huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, tổ chức, doanh nghiệp, cũng như chưa tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, ý thức cảnh giác của người dân.
Do đó, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch 319/KH-UBND triển khai “Chiến dịch tuyên truyền đấu tranh phòng, chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng”.
Kế hoạch nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong việc đấu tranh, đẩy lùi các hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Kế hoạch tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, quần chúng nhân dân những kiến thức pháp luật, phương thức, thủ đoạn và các kỹ năng nhận biết, phòng ngừa hoạt động tội phạm trên không gian mạng, để từ đó tích cực tham gia phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.
Công tác tuyên truyền sẽ được tiến hành bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp, hiệu quả gắn với công tác bảo đảm an ninh mạng, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Nội dung tuyên truyền phải liên tục đổi mới, đa dạng hóa, bám sát thực tế, kịp thời truyền tải, thông tin cho người dân về các phương thức, thủ đoạn tội phạm trên không gian mạng; hình thức tuyên truyền phong phú, sử dụng đa dạng các kênh truyền thông.
Kế hoạch sẽ chú trọng tuyên truyền các hình thức, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trên không gian mạng, tập trung vào các phương thức, thủ đoạn thường gặp như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc và đánh bạc; quảng cáo trực tuyến; truyền bá, phát tán ấn phẩm đồi trụy, khiêu dâm; thương mại điện tử; kinh doanh đa cấp, tiền ảo, tiền điện tử, giao dịch ngoại hối, chứng khoán; mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ và kịp thời đưa ra cảnh báo về những phương thức, thủ đoạn mới. Qua đó, cảnh báo, hướng dẫn người dân nhận diện các dấu hiệu của tội phạm, các biện pháp để tự phòng tránh, đối phó với tội phạm trên không gian mạng.
UBND thành phố yêu cầu việc triển khai thực hiện kế hoạch trên đảm bảo chủ động, đồng bộ, thiết thực và hiệu quả. Các nội dung công việc phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực; tăng cường sự phối chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, các cơ quan, địa phương đảm bảo tính khách quan, công khai, đồng bộ và hiệu quả, tạo sự lan tỏa sâu rộng trên toàn thành phố.
Theo Công an thành phố, một số phương thức, thủ đoạn phổ biến các đối tượng lừa đảo thường sử dụng như:
- Mạo danh nhân viên các sàn thương mại điện tử tuyển cộng tác viên online;
- Giả danh cơ quan thực thi pháp luật (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, ...) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản;
- Lập các trang web, ứng dụng giao dịch tiền ảo, chứng khoán, ngoại hối... kêu gọi người dân tham gia đầu tư đê thu lợi nhuận;
- Đánh cắp hoặc tạo tài khoản mạo danh trên mạng xã hội (facebook, zalo...) sau đó nhắn tin cho bạn bè, người thân để vay mượn tiền và yêu câu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho các đối tượng rồi chiếm đoạt;
- Các đối tượng đăng tin bán các sản phẩm trên mạng xã hội, sau đó yêu cầu phải đặt cọc chuyển tiền vào số tài khoản do chúng chỉ định, rồi không giao hàng, khóa trang mạng và cắt đứt mọi liên lạc với người bị hại;
- Mạo danh là giáo viên, nhân viên y tế nhà trường hoặc nhân viên y tế bệnh viện liên hệ với phụ huynh báo tin về việc học sinh bị tai nạn, đang nhập viện cấp cứu, yêu cầu phải nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí;
- Thông qua mạng xã hội, giả kết bạn, yêu đương, gửi nhận quà từ nưóc ngoài... để lừa đảo;
- Vay tiền trực tuyến, qua app;
- Mạo danh là nhân viên cơ quan thuế, gọi điện, nhắn tin cho người bị hại để hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng giả mạo ứng dụng của Tổng cục thuế để chiếm đoạt các thông tin trong điện thoại, sau đó xâm nhập vào ứng dụng ngân hàng trên điện thoại chiếm đoạt tiền;
- Mạo danh các công ty lớn thông báo trúng thưởng, có quà tặng.