Người nghệ sỹ của đại ngàn
Đời sống - Ngày đăng : 06:00, 07/11/2015
Những điệu múa, tiếng đàn truyền thống của người Pa Cô tưởng chừng như đã mai một qua bao năm tháng chiến tranh thì lúc này lại được ngân lên. Người thắp lên niềm đam mê ấy cho lớp trẻ là nghệ sỹ Mai Hoa Sen - một người con ưu tú của Trường Sơn hùng vỹ.
Khắc khoải hồn rừng
Dải đất biên giới Việt - Lào chạy dài hơn 200 cây số từ huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế vắt sang hai huyện Hướng Hóa và ĐaKrông của tỉnh Quảng Trị là đất sống lâu đời của người Pa Cô cổ và của gần 20 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số người Pa Cô hiện nay. Sau chiến tranh, cuộc sống khó khăn đã khiến bà con dần quên đi tiếng cồng chiêng, tiếng đàn Ta lư réo rắt và cả những ngày bản mở hội mừng lúa mới. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống cứ dần mai một trong nỗi niềm đau đáu của những người già. Đám thanh niên trẻ cũng hững hờ và lãng quên những thanh âm đẹp đẽ mà hồn hậu của những nhạc cụ được chế tạo từ tre nứa và những làn điệu dân ca truyền thống. Không được lưu truyền, các làn điệu dân ca của người Pa Kô cứ thế dần biến mất và những người già có khả năng chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc cũng dần khuất bên kia bóng núi.
Như bao người trai bản cùng đứng lên đáp lời sông núi, chàng trai Pa Kô Mai Hoa Sen nhập ngũ năm 1961, trực tiếp chiến đấu tại chiến trưởng Bình Trị Thiên. Chàng trai Pa Cô dễ mến ấy mang theo bên mình chiếc đàn ta lư nhỏ và tấu lên khúc nhạc thanh bình mỗi khi tiếng bom đạn tạm ngưng. Chiếc đàn hai dây đã mang đến cho đồng đội ở mọi miền quê những ký ức đẹp về tấm lòng của người Pa Cô, Vân Kiều và tiếp thêm cho họ sức mạnh để đào đường, tải đạn.
Và đồng đội đã đặt cho Mai Hoa Sen một biệt danh vui vui là “nghệ sỹ tộc”. Sau giải phóng, Mai Hoa Sen tiếp tục ở lại đơn vị tham gia rà phá bom mìn tại địa bàn Quảng Trị. Năm 1978, ra quân với quân hàm Thượng úy, Mai Hoa Sen trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình ở bản Ka hẹp, trở về với miền dân ca, dân vũ đắm say mà ông chưa lúc nào thôi thương nhớ.
Những ngày cam khó ấy, dải đất biên cương sau chiến tranh phải gồng mình cho một cuộc hồi sinh. Dù phải lao động để phát triển kinh tế gia đình như bà con dân bản, nhưng người cựu chiến binh Trường Sơn Mai Hoa Sen vẫn canh cánh trong lòng một nỗi niềm "Phải tìm cách lấy lại cái hồn về cho bà con Pa Cô miềng thôi", Mai Hoa Sen nghĩ thế. Vậy là nhờ sự giúp đỡ của chính quyền xã Tà Rụt, ông đã đến mọi thôn bản, gặp gỡ các già làng, những nghệ nhân cao tuổi để xin họ truyền dạy lại những khúc nhạc cổ, cách làm các nhạc cụ truyền thống của người Pa cô. Có những nhạc cụ bà con đã vứt bỏ từ lâu, ông cũng vẫn xin về để nghiên cứu, tự mình tập dượt để tìm ra tác dụng thực sự của nhạc cụ.
Mai Hoa Sen - Nghệ sỹ của đại ngàn
Những lúc rảnh rỗi, già Sen tự mình mày mò tìm cách làm đàn, cách ghép khèn sao cho đúng với lệ xưa. Việc tìm được cây gỗ phù hợp để chế tác không hề đơn giản bởi âm thanh của nhạc cụ dân tộc có những nguyên lí riêng và cần có sự đầu tư công sức cũng như độ cảm xạ âm thanh tinh tế. Mỗi nhạc cụ muốn chế tác thành công phải mất nhiều tuần lễ mới đạt được độ thanh trong và ngân xa. Cũng có nhiều loại nhạc cụ là do ông tự sáng tạo thêm. Cứ như thế, bộ sưu tập của già mỗi ngày một nhiều thêm với hàng chục loại nhạc cụ khác nhau.
Già Mai Hoa Sen hiện là một trong những nghệ nhân hiếm hoi của dân tộc Pa Cô biết làm các loại nhạc cụ dân tộc và chơi được hầu hết các bản nhạc truyền thống. Sự kỳ công của ông đã góp phần làm sống lại từng làn điệu của dân tộc Pa Cô, khiến cho những thân cây, những ống sừng, thanh cật nứa tưởng vô dụng lại được tưng bừng sống trong một cuộc đời mới nhiều ý nghĩa. Ông được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tín nhiệm giao việc sưu tầm và nghiên cứu những nhạc cụ, những vật dụng truyền thống gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào mình.
Của riêng còn một chút này
Ngồi bên nghệ nhân Mai Hoa Sen trong chiều thu, nhìn lên dãy núi Hê lơ mờ xa, nghe điều già nói về dân tộc Pa Kô của với quá vãng ngàn xưa, tôi chợt thấy lòng mình nhiều khác lạ, vừa như thể rất đỗi thân quen, mà vừa thật lạ lùng trước một miền văn hóa tuy nhỏ bé nhưng đậm đà màu sắc.
Nghệ nhân Hồ Chư, Chủ tịch phân hội Văn học - Nghệ thuật dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị cho rằng, “bảo tàng” của già Sen thực sự là một gia tài đáng giá. Đa phần đều được chế tác từ tre nứa và thân cây rừng, nhưng không vì thế mà làm giảm đi nhạc cảm của những người được thưởng thức. Những chiếc Ciên, còn được gọi là khèn bè làm từ ống nứa tròn, chiếc Ưkơrao, còn gọi là đàn môi, đàn A Ben… (có cấu trúc gần giống với đàn nhị) đã theo già Sen cùng đội văn nghệ của ông đi khắp các rông núi, các miền rừng để biểu diễn văn nghệ cho bà con. Đàn Toong dược làm bằng 12 thanh gỗ dùng để đuổi thú rừng, giữ nương rây hay chơi trong ngày hội mừng lúa mới. Đàn môi, đàn A Ben dùng cho đàn ông góa vợ, phụ nữ góa chồng. Sáo A Man cho trai gái tỏ tình vào mỗi tối đi sim. Đàn Ân Chung để trai gái đàn hát đối đáp trong mùa trăng… Mỗi loại nhạc cụ một màu sắc, một âm điệu thể hiện mọi trạng huống cảm xúc của con người trước thiên nhiên và cuộc sống.
Nghệ sỹ Mai Hoa Sen dạy cách chơi đàn Ta lư cho lớp trẻ
Một trong những điều kỳ diệu mà những người Pa Cô cổ của dãy Trường Sơn mang lại cho kho tàng văn hóa và âm nhạc nước nhà chính là bộ cồng chiêng 6 chiếc hiện diện trong căn nhà nhỏ của già Sen. Dường như không có sinh hoạt văn hóa nào của đồng bào Pa Cô nơi đây mà lại thiếu đi tiếng cồng chiêng. Nó ngân nga đầy hoang sơ và quyến rũ trong lễ mời ông bà đi gieo hạt, lễ ăn cơm mới, lễ bỏ mả hay những ngày hội mừng bản làng, mừng đất nước đổi mới. Để có được bộ chiêng quý ấy, già Sen đã phải mất rất nhiều năm dành dụm tiền bạc để sang tận Lào mua về.
Riêng tài làm đàn ta lư của nghệ nhân Mai Hoa Sen cũng là một “của hiếm” của dải đất Trường Sơn. Loại đàn này vốn có từ hàng trăm năm trước, nó gắn bó với cuộc sống tinh thần của người Vân Kiều và Pa Cô. Trước đây, đàn được làm chủ yếu từ nguyên liệu tre, sau này cây đàn được cải tiến to hơn, hình thức đẹp hơn và chuyển sang dùng chất liệu gỗ để làm đàn. Để làm được loại đàn này không quá khó, nhưng yếu tố quan trọng là phải biết cách bố trí phím đàn để tạo được âm thanh chuẩn. Việc này cần có sự cảm nhận âm thanh bằng cảm giác, mà cảm giác chỉ đến khi người ta thực sự yêu tiếng đàn này. Qua tay nghệ nhân Mai Hoa Sen, đã có hàng trăm cây đàn ra đời.
Không giấu nghề, nhiều người Pa Cô trên miền Tây Quảng Trị đã được nghệ nhân Mai Hoa Sen hết lòng chỉ bảo cách làm đàn. Cánh cửa nhà ông luôn rộng mở chào đón những người yêu vốn cổ dân tộc. Những nghệ nhân trẻ như anh Hồ Văn Việt, Mai Trung qua sự dìu dắt, truyền lửa của già Sen giờ đây đã trở thành những người làm đàn Ta lư có tiếng trong cộng đồng dân tộc Pa Cô - Vân Kiều, được nhiều các đoàn nghệ thuật đặt hàng.
Cho tinh hoa Pa Cô còn mãi
Dẫu cuộc sống khó khăn, nhưng lão nghệ nhân chưa bao giờ lãng quên khát vọng bảo tồn và gìn giữ tinh hoa cho dân tộc mình. Ông đề nghị với chính quyền xã cho thành lập đội cồng chiêng gồm 16 thanh niên trong bản. Năm tiếp năm, tháng liền tháng, những thành viên của đội trưởng thành thì lại có thế hệ đàn em kế cận nâng tay chiêng thêm vững. Ông phục dựng lại nhiều bản cồng chiêng dùng trong các lễ hội khác nhau như Lễ hội mừng lúa mới, ho tinh hoa pa cô còn mãi Lễ hội Ariêu… Những cô gái, chàng trai Pa Kô mới hôm nào còn bỡ ngỡ, e ngại trước những núm chiêng bóng màu thời gian và mồ hôi người đi trước thì nay đã biết đánh chiêng, đấm cồng sao cho thật hay, thật khéo.
Không chỉ truyền dạy cho học sinh những bản cồng chiêng truyền thống, nghệ nhân Mai Hoa Sen còn giúp cho họ hiểu được những cái hay, cái đẹp và giá trị tinh thần của loại nhạc cụ độc đáo này. Đội cồng chiêng của già Sen đã nhiều lần được mời tham dự các Festival cồng chiêng trong cả nước và đạt nhiều giải cao, góp thêm một nét rất riêng về không gian văn hóa cồng chiêng trong kho di sản của cộng đồng các sắc dân sinh sống trên dải Trường Sơn hùng vỹ.
Là một trong những người tham gia sáng lập chi hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tại huyện Đăk rông, ông cũng dành nhiều tâm sức để ghi chép lại những bài dân ca cổ và sáng tác thêm nhiều làn điệu mới phù hợp với giai đoạn hiện nay nhưng vẫn giữ được âm hưởng từ xa xưa để lại. Sự kì công của ông đã góp phần làm sống lại biết bao điệu dân ca, dân vũ làm say đắm lòng người. Trai gái đi sim tìm hiểu nhau dùng đàn Talư và bài A Dà lúc tha thiết nhớ thương, lúc trách hờn; bài Păn tưi (lẻ loi) da diết kể về nỗi buồn của chàng trai vượt núi băng sông tìm bạn yêu, nhưng người ấy đã bị chàng trai khác giành mất. Trong niềm vui, nỗi buồn của bản làng có sự hoà nhịp của đủ bộ chiêng cồng, đàn Talư, khèn bè Ciên, đàn Abel với điệu Hiê réo rắt... Những bài hát nồng nàn như thế khiến cho người nghe biết bao xao xuyến.
Trai gái Pa Cô ở Đăkrông bây giờ không chỉ đánh cồng chiêng giỏi, hát hay, múa khéo… mà còn hiểu rõ được những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc mình, tích cực tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống, để mỗi buổi chiều, tiếng hát, tiếng đàn của người cựu chiến binh Mai Hoa Sen - người nghệ sỹ Pa Cô của núi rừng Trường Sơn lại quyện với gió núi mây ngàn, quyện trong điệu múa nồng nàn, đằm thắm của trai gái Pa Cô trong sắc thổ cẩm tươi màu để mời gọi bà con dân bản ngồi lại bên nhau để quên đi những vất vả, mỏi mệt sau một ngày lao động. Tiếng đàn, tiếng hát ấy như nhắn nhủ bà con thêm yêu quý mảnh đất này, chung tay góp sức cùng bảo vệ sự bình yên cho những cung đường biên giới cheo leo giữa đỉnh Trường Sơn hùng vỹ.