Văn hóa - Du lịch

Nhà phê bình nghệ thuật có còn là cầu nối giữa công chúng và nghệ sĩ?

Minh Anh 13/12/2023 - 16:33

Tại hội thảo toàn quốc với chủ đề “Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới: Thực trạng và định hướng phát triển”, một lần nữa vấn đề về tình trạng thiếu lực lượng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật lại được làm "nóng". Các nhà phê bình đều đồng tình cho rằng, tác phẩm nghệ thuật rất cần công chúng, nhà phê bình nên là cầu nối giữa công chúng và người nghệ sĩ. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay lại vẽ lên bức tranh hoàn toàn khác.

Giáo sư Phong Lê trình bày tham luận khái quát thực trạng hiện nay của công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Theo nghiên cứu của Giáo sư Phong Lê, hiện nay "phê bình chuyên nghiệp là ai, và ở đâu thì cũng rất khó tìm. Ngoài một số người ở khoa Văn, khoa Văn hóa, Khoa học xã hội ở các trường, những người có lịch sử viết gắn với giai đoạn trước đều đã cao tuổi, không còn sung sức".

giao-su-phong-le-1-6255-170243-6651-9194-1702440706.jpg
Giáo sư Phong Lê tại hội thảo. Ảnh: Huyền Trang

Từ nửa sau thập niên 1990, sự phát triển của báo chí, với đặc thù về dung lượng, nội dung chủ yếu đề cập những vấn đề chính trị, xã hội nhiều hơn đời sống văn chương, khiến việc bàn thảo về một tác phẩm hay bỗng trở nên rất hiếm, kể cả trên các báo của hội nghề nghiệp. Việc tổ chức viết, chấm luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ ở các trường có mang lại hiệu quả nhưng các tác phẩm sau đó không được phổ biến rộng rãi.

Thực trạng phê bình văn học hiện nay gắn bó trực tiếp với hoạt động báo chí, còn phê bình trong đời sống nghiên cứu và giảng dạy ở các viện và học đường thì ít có tác động đến công chúng", Giáo sư Phong Lê đánh giá.

Thực tế đã cho thấy nhiều năm vừa qua, trong khi mảng sáng tác và biểu diễn không ngừng phát triển thì lý luận phê bình lại đi theo chiều ngược lại, ngày càng trầm lắng, trống vắng, vừa thiếu vừa yếu các nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp.

Cả nước hiện có hơn 80 tạp chí văn học nghệ thuật của Trung ương và các hội địa phương, nhưng hầu hết các đơn vị này đều trong tình trạng hoạt động cầm chừng thiếu sức sống, hiện không một nhà phê bình nào có thể sống được bằng nghề.

Theo đánh giá của một số chuyên gia cho rằng: hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác. Khoảng cách của nhiều vấn đề lý luận với cuộc sống hiện thực không những chưa được thu hẹp mà có xu hướng mở rộng thêm.

Các công trình nghiên cứu chuyên sâu về lý luận văn học, nghệ thuật còn ít và chất lượng chưa cao; chưa giải đáp được nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra.

Hiện nay đang tồn tại hai thực tế trái ngược nhau: Một mặt, lý luận văn hóa bị lạc hậu, đi sau cuộc sống, hàng loạt câu hỏi cơ bản và cấp bách do thực tiễn đặt ra mà công tác lý luận chưa trả lời được, hoặc trả lời chưa thuyết phục; mặt khác, do thiếu sự dẫn dắt, chỉ đường, định hướng của lý luận đúng đắn, nên nhiều hiện tượng văn hóa diễn ra một cách tự phát, khiến cho chỉ đạo thực tiễn bị lúng túng, thụ động đối phó, không có đối sách rõ ràng, kịp thời và hiệu quả.

Hoạt động phê bình văn nghệ chưa góp phần định hướng kịp thời, chưa thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác, nhiều khi còn dễ dãi, né tránh, cảm tính trong phê bình và ngược lại, cũng xuất hiện kiểu phê bình áp đặt, triệt tiêu bản chất khoa học của phê bình văn nghệ; chưa phân tích phê phán đầy đủ những khuynh hướng sai trái, lệch lạc.

Bên cạnh đó, những thách thức từ mạng xã hội cũng gây ra tình trạng “vàng thau lẫn lộn” trong việc bình luận một bộ phim, một tác phẩm nghệ thuật. Điều đó khiến công chúng vẫn phải tự kiểm chứng, tự tạo ra bộ lọc cho mình.

Xét về tốc độ, có lẽ những bài viết về phim trên mạng xã hội nhanh hơn so với trên báo chí, nhưng dễ bị nhiễu loạn thông tin, người đọc thường băn khoăn không biết người đó viết có chính xác hay không? Ai là người kiểm chứng những thông tin đó?

phe.jpg
Nhà phê bình mỹ thuật nên là cầu nối giữa công chúng và người nghệ sĩ.

Hiện nay cũng có một số nhà phê bình hoạt động tự do, còn những người làm báo mảng điện ảnh lại không nhiều người có kỹ năng, sự hiểu biết kỹ càng về lĩnh vực này để có thể viết những bài nhận định chất lượng.

Do vậy, trên báo chí, các bài viết mang tính tập hợp và phân tích bắt đầu ít dần, người viết chủ yếu đưa thông tin tham khảo, tổng hợp ý kiến dư luận khi nói về một tác phẩm nghệ thuật.

Nhà phê bình Hoàng Anh cho rằng, tác phẩm nghệ thuật rất cần công chúng, nhà phê bình nên là cầu nối giữa công chúng và người nghệ sĩ. Hãy viết đúng, viết chân thành, viết hay, viết sâu sắc để công chúng đọc và sẽ có những sự lựa chọn riêng mình với tác phẩm. Dù khen hay chê, sự chuẩn mực, đúng đắn trong bài viết sẽ khiến người nghệ sĩ sáng tác thấy tác phẩm của mình được tôn trọng; công chúng thì sẽ hiểu được giá trị của tác phẩm nằm ở đâu

Trong khi đó, TS. Ngô Phương Lan - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chỉ ra một khía cạnh khác của sự thiếu hụt đội ngũ phê bình lý luận văn học nghệ thuật là “sợ nói thật”.

"Trước mỗi tác phẩm, sự kiện văn hoá gây hiệu ứng dư luận. Giả dụ có nhà phê bình nào lên tiếng có thể sẽ bị bủa vây, ném đá, làm sao có thể trụ vững được trong cơn lốc của dư luận, của các 'anh hùng bàn phím'?", TS. Ngô Phương Lan thẳng thắn.

Minh Anh