"Cư dân xóm gốm" và cuộc sống trên những con thuyền mắc cạn

Đời sống - Ngày đăng : 06:35, 06/11/2015

Những chiếc thuyền vừa là nơi ở, vừa là phương tiện vận chuyển hàng hóa của nhiều "cư dân" nơi đây, tuy nhiên, khoảng chục năm trở lại đây, mực nước sông Hồng xuống quá thấp nên thuyền bị mắc cạn và nằm im tại con lạch này.

Phía sau những tòa nhà chọc trời, những căn biệt thự khang trang, men theo con ngõ nhỏ của đường Âu Cơ ra tận sông Hồng là xóm nước nổi, thuộc phường Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội). 

Đường vào "xóm gốm" từ bao năm nay vẫn ngoằn ngoèo khó đi bởi những con dốc nhỏ bùn đất trơn trượt. Dọc khắp các sườn dốc là chậu hoa, bình sứ, bát đĩa… đủ loại xếp thành hàng dài. Buổi sáng, "cư dân xóm gốm" lại tất tả xếp hàng hóa lên xe đạp, xe máy chở vào nội thành để bán.

Có đến hàng trăm chiếc thuyền của những người buôn gốm neo đậu trên sông. Có người mới đến sống được vài năm, hay "vô tình" neo đậu tại bến ngót nghét vài năm, nhưng cũng có cả gia đình không dưới 3 thế hệ sống tại đây.

"Cư dân" ở đây chủ yếu là những người đến từ tỉnh Vĩnh Phúc. Theo các hộ dân ở đây cho biết thì đời cha ông họ dùng thuyền xuôi dòng sông Lô, rồi ra sông Cái (sông Hồng) cập bến đất Hà thành buôn bán.

Hàng hóa chủ yếu là đồ gốm sứ lấy từ Bát Tràng hay Quảng Ninh. Đến một ngày, hàng chục chiếc thuyền xi măng cỡ lớn của họ neo đậu ở nhánh sông thuộc phường Tứ Liên này rồi mắc kẹt do nước cạn.

Bao con người ở đây chẳng thể bỏ thuyền, họ vẫn sống và mưu sinh trên những chiếc thuyền mà cha ông để lại.

Mặc dù, không phải dân chài lưới nhưng cuộc sống của những người dân “xóm gốm” về cơ bản không khác dân chài là mấy, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên chiếc thuyền cũ kỹ.

Từ khi lập bến cho đến nay, "xóm gốm" vẫn được coi là nơi cư ngụ của những hộ dân tự phát nên việc đưa điện, lập công tơ riêng xuống tận thuyền gặp nhiều khó khăn, phức tạp, do vậy điện hầu hết đều được đấu nối thủ công, mua lại từ hộ dân trên bờ với giá 5.000 đồng/số .

Trước đây, nước dùng để sinh hoạt ăn uống, giặt giũ cho đến vệ sinh cá nhân hầu như đều là nước sông Hồng. Sau này, nước sông Hồng bị ô nhiễm, cả xóm đã chung tiền, đào giếng khoan để phục vụ cho sinh hoạt, nhưng chi phí cho việc bơm nước từ giếng xuống thuyền cũng rất tốn kém.

Đến "xóm gốm" vào dịp này, sẽ gặp những "cư dân" đang cặm cụi, cần mẫn sắp xếp hàng để chuẩn bị bán vào dịp cuối năm. Được biết, những ngày cuối năm, nhu cầu sử dụng mặt hàng gốm tăng lên, ai cũng hy vọng sẽ bán được nhiều hàng để sắp tới về nhà đón Tết với gia đình.

30 năm nay, những người lao động nghèo của tỉnh Vĩnh Phúc lấy những con thuyền mục nát làm nơi trú ngụ

Người dân buộc các thuyền chặt lại với nhau và nối với đất liền bằng những chiếc cầu gỗ độc mộc. Trên mái nhà đầy những quần áo rách đế che chắn, các tấm nhựa đủ màu, cả những tấm nilon xếp chồng lên nhau ngổn ngang.

Con đường vào xóm gốm sẽ trở nên trơn trượt, đầy bùn đất vào những ngày mưa, dọc 2 bên đường hàng hóa đủ loại xếp thành hàng dài

Những chiếc thuyền mỏng manh được che lợp bằng mái tranh, tất cả neo vào nhau tạo thành một khối 

Vào ban ngày, xóm gần như không có người bởi họ đã vận chuyển hàng hóa vào thành phố  để bán. Hầu hết các gia đình đều sinh con đẻ cái trên những chiếc thuyền, khi chúng lớn sẽ gửi về Vĩnh Phúc cho ông bà, anh chị em trông nom và học hành. Tuy nhiên, cũng có gia đình sống đến 3 thế hệ sống trên 1 chiếc thuyền bao năm nay

Không gian sinh hoạt cũng bó buộc trên thuyền. Đứng dưới thuyền cũng không thể đứng thẳng người, cả nhà chỉ có 1 chiếc giường duy nhất. Mọi đồ đạc đều tằn tiện, hạn chế diện tích nhất có thể

Để vào được trong "nhà" chỉ có cách duy nhất là chui người qua ô cửa nhỏ. Ô cửa này cũng không hề được khoá mà chỉ dùng một tấm bạt hoặc mành che lại khi chủ nhà đi ra ngoài

 Ở đây, điện phải mua từ các chủ vườn đào với giá cắt cổ 5.000 - 6.000 đồng/số, nước trước kia phải mua của dân trong phố với giá 100.000đồng/khối tuy nhiên nay nhiều hộ đã chung nhau khoan được một chiếc giếng trên bờ rồi cùng nhau dùng ống bơm về thuyền

Mọi sinh hoạt của những người trong xóm gốm đều diễn ra trên thuyền. Cuộc sống đời thường cứ lênh đênh, nghiêng ngả khi gặp sóng to, gió lớn. Đối với họ chuyện ăn, ở trên thuyền rách lâu dần rồi cũng thành quen.

Thay vì rong ruổi thuyền đi khắp nơi để bán gốm như trước kia thì bây giờ người dân “xóm gốm” lại dùng xe đạp, xe máy ngày ngày chở gốm vào các chợ nội thành Hà Nội để bán

Huy Hùng