Kinh tế

Đầu tư tín dụng phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Văn Hà 12/12/2023 - 15:07

Thời gian qua, ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều chương trình tín dụng hiệu quả, tạo đòn bẩy giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) từng bước vươn lên, giảm nghèo bền vững.

Trước đây, gia đình anh A Hiếu ở thôn Kon Rờ Bàng 1 (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) là hộ nghèo, đời sống bấp bênh phụ thuộc vào nguồn thu nhập ít ỏi từ đi làm thuê, kiếm sống qua ngày.

Khó khăn chồng chất khó khăn, trong lúc lao động, anh A Hiếu còn không may bị tai nạn làm cho một bên chân bị teo tóp khiến cho sức khỏe bị giảm sút, không thể lao động nặng. Gánh nặng mưu sinh càng đè lên vai khi gia đình có đông con với 5 cháu đang trong tuổi ăn, tuổi học.

Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn cùng sự quyết tâm, chí thú làm ăn, gia đình A Hiếu đã được Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) thôn Kon Rờ Bàng 1 xác nhận, bảo lãnh cho vay 50 triệu đồng vào tháng 8/2022.

Sau khi được hỗ trợ vay vốn, anh A Hiếu đầu tư mua 3 con bò lai giống về để chăn nuôi. Đến nay, đàn bò phát triển khỏe mạnh và sắp xuất bán được. Anh A Hiếu dự tính nếu bán 3 con bò hiện tại, anh sẽ trả được hết lãi vay ngân hàng và còn dư khoảng 40 triệu đồng để tái đầu tư sản xuất.

a1.jpeg
Anh A Hiếu ở thôn Kon Rờ Bàng 1 (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) đã được hỗ trợ vay vốn, vươn lên thoát nghèo.

Vợ anh Hiếu là chị Y Tin cũng tranh thủ thời gian rảnh đi làm chăm sóc cao su thuê để có tiền trang trải. Vợ chồng đồng thuận với nhau nên cuộc sống gia đình càng khấm khá, có thu nhập đủ trang trải cuộc sống. Đáng mừng hơn, gia đình anh còn là hộ có số tiền gửi tiết kiệm nhiều nhất Tổ với gần 8 triệu đồng.

Ông Đặng Minh Chính – Tổ trưởng Tổ TK&VV (do Hội CCB xã Quản lý) thôn Kon Rờ Bàng 1 (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) cho biết: “Điều đáng mừng là các hộ sau khi được vay vốn, cộng với việc tuyên truyền, vận động đều thay đổi nhận thức, tư duy trong phát triển kinh tế, thêm quyết tâm để thoát nghèo. Hộ gia đình A Hiếu là một trường hợp điển hình cần nhân rộng với ý chí, quyết tâm vươn lên từ đồng vốn vay ưu đãi. Tổ của chúng tôi hiện tại có 48 thành viên với tổng dư nợ cho vay trên 1,5 tỷ đồng, tiền gửi tiết kiệm của các thành viên gần 109 triệu đồng và không có nợ quá hạn, chất lượng tín dụng luôn đạt loại tốt”.

Theo thống kê của NHCSXH tỉnh, trên địa bàn thành phố Kon Tum, cho vay các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số có doanh số đạt gần 240 tỷ đồng với gần 5.800 lượt hộ vay vốn. Chất lượng tín dụng không ngừng nâng cao với nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,36%/tổng dư nợ. Thông qua hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 2,5 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn để xây dựng, sửa chữa nâng cấp hơn 5 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; trên 1,1 nghìn lượt hộ tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất kinh doanh; tạo việc làm cho trên 2,1 nghìn lượt lao động mất việc làm; 19 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây dựng 103 căn nhà ở xã hội...

Ông Nguyễn Văn Chung – Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh cho biết, bên cạnh những chính sách hỗ trợ đặc thù của Nhà nước, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH trong những năm qua đã tạo động lực quan trọng giúp các hộ nghèo, nhất là các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố Kon Tum có cơ hội phát triển sản xuất thuận lợi, đa dạng hóa sinh kế nhằm mở ra cơ hội thoát nghèo nhanh, bền vững; làm chuyển biến nhận thức, tư duy sản xuất của bà con. Qua đó rất nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, thoát nghèo đã xuất hiện tạo sự lan tỏa, làm gương cho nhiều hộ khác noi theo.

Theo ông Nguyễn Văn Chung, những chính sách hỗ trợ vay vốn đối với hộ đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố thời gian qua đã đạt được kết quả đáng kể. Kết hợp với tuyên truyền, vận động hợp lý cùng các cơ chế, chính sách cho vay ngày càng thuận lợi đã tạo đòn bẩy giúp các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn làm ăn ngày càng có hiệu quả và thoát nghèo bền vững.

“Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục khắc phục những khó khăn, đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, quy mô nguồn vốn tín dụng chính sách đến các hộ dân. Trong đó, tiếp tục phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền đến người dân trong đầy đủ, kịp thời về chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn tín dụng ưu đãi; lựa chọn, tìm kiếm những mô hình sản xuất kinh doanh, thoát nghèo hiệu quả để nhân rộng cho người dân học hỏi; đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức, đơn vị, địa phương lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn” - ông Nguyễn Văn Chung cho biết thêm.

Văn Hà