Phát động sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Trong khuôn khổ Festival lúa gạo năm 2023, sáng 12/12, tại tỉnh Hậu Giang, Bộ NN&PTNT đã chính thức phát động Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đến dự.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, đáp ứng yêu cầu của thị trường theo xu hướng tiêu dùng mới ngành sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa gạo nói riêng cần phải canh tác theo quy trình nâng cao chất lượng, bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng vật tư đầu vào có nguồn gốc hóa học.
Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt; ban hành nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế
Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao”, sẽ được triển khai từ năm 2024 với khoảng 200.000 ha dựa trên diện tích vùng lúa thuộc Dự án VnSAT đã triển khai những năm trước đây.
Cụ thể, bắt đầu ngay từ vụ đông xuân 2023 - 2024, các địa phương tại vùng ĐBSCL sẽ triển khai khoảng 180.000ha. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000 đến 500.000 ha.
Từ 2026 - 2030, mỗi năm tăng thêm 100.000 ha để đến năm 2030, vùng ĐBSCL “cán mốc” 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp.
Đại diện lãnh đạo 12/13 địa phương tại vùng ĐBSCL có đăng ký tham gia Đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp kỳ vọng, Đề án này sẽ giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo lợi nhuận ở mức trên 40% vào năm 2025 và trên 50% vào năm 2030.
Chia sẻ tại lễ phát động chương trình sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải, bà Carolin Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, Đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải do Bộ NN&PTNT Việt Nam phát động đã đi đúng với xu hướng mà cả thế giới đang nỗ lực để thực hiện, nhằm đảm bảo môi trường sống của người dân trên toàn cầu được tốt hơn. WB đã cam kết đồng hành và sẵn sàng mua tín chỉ các bon cho các mô hình sản xuất xanh.
"Việc sản xuất thân thiện với môi trường không chỉ giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị đầu ra, tăng lợi nhuận cho ngành hàng mà còn góp phần trong việc xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế”, bà Carolin Turk nhận định.
Trước đó, ngày 27/11, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.
Mục tiêu chung của đề án là hình thành 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị. Đề án sẽ áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể của đề án, đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu ha. Giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững…
Về tổ chức sản xuất, 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích; trên 1 triệu hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững.
Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.
Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%. Lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL hướng dẫn tổ chức triển khai đề án; phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện đề án; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hằng năm.