Tăng cường hoạt động tư vấn, thăm khám trước hôn nhân
Hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân cho các cặp đôi nam, nữ thanh niên công nhân khó khăn trên địa bàn TP.HCM nhằm hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số.
Ngày 10/12, tại Bệnh viện Hùng Vương, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức Hội nghị kỷ niệm 62 năm Ngày Dân số Việt Nam (26/12/1961 - 26/12/2023) và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cung cấp các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số.
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, công tác dân số luôn được Đảng, chính quyền các cấp quan tâm và xác định là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước. Thực hiện tốt công tác dân số là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân, từng gia đình và toàn xã hội.
Theo BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết, công tác dân số của cả nước đang phải đối mặt với những thách thức như mức sinh giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước còn chênh lệch đáng kể; mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh; chỉ số phát triển con người (HDI) chưa cao, chậm được cải thiện; tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 67,5 tuổi; tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ "dân số vàng" và thích ứng với việc "già hóa dân số"...
TS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, tại TP.HCM, nhờ việc triển khai có hiệu quả chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, cơ cấu dân số thành phố thay đổi theo hướng tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ trên 70%.
Thành phố đã kiểm soát hiệu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được tăng cường, vai trò người cao tuổi không ngừng được phát huy trong cộng đồng. Năm 2022, tuổi thọ trung bình của người dân thành phố ở mức khá cao 76,3 tuổi so với mặt bằng chung của cả nước là 73,6 tuổi.
Tuy nhiên, TP.HCM cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong công tác dân số.
Năm 2023, theo dự ước từ nguồn số liệu của Cục Thống kê Thành phố, tổng tỷ suất sinh của thành phố là 1,42 con, số liệu này tiếp tục báo động về tình trạng mức sinh rất thấp của thành phố;
Bên cạnh đó, các yếu tố như dân số đông, biến động dân cư rất lớn, người dân nhập cư đông; phân bố dân cư không đều, tốc độ đô thị hóa nhanh; các vấn đề liên quan đến dân số và phát triển như nhà ở, việc làm, môi trường ô nhiễm, vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh... là những áp lực khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về dân số.
TS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh, hoạt động tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn là một trong những nhân tố quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi. Vấn đề này được Bộ Y tế xác định là một ưu tiên hàng đầu trong Chiến lược Dân số đến năm 2030.
Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2023 với chủ đề "Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước", hai tuần qua, Bệnh viện Hùng Vương đã phối hợp cùng với Thành đoàn, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn cho các cặp đôi nam, nữ thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.
Việc tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn không chỉ thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của bản thân mà còn là thực hiện trách nhiệm đối với tương lai hạnh phúc gia đình của mình và toàn xã hội.
Theo đó, Bệnh viện Hùng Vương đã khám, tư vấn cho 154 cặp đôi tại TP.HCM. Kết quả thăm khám tuy không đại diện cho mặt bằng chung nhưng là hồi chuông cảnh báo để mọi người cùng chung tay cho vấn đề khám tiền hôn nhân.
Năm 2023, có 1.177 cặp thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn tự nguyện tham gia thực hiện khám sức khỏe trước khi kết hôn, tăng 24% so với năm 2022, vượt chỉ tiêu giao.
Ngành Y tế - Dân số đã duy trì hoạt động của 310 CLB Tiền hôn nhân tại 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức, tổ chức sinh hoạt hàng tháng với chủ đề phong phú, phù hợp thực tế, qua đó cung cấp thông tin, truyền thông tư vấn, giới thiệu mục đích, ý nghĩa của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn nhằm phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ sau khi kết hôn như mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh, góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng giống nòi.
Đồng thời, giúp các cặp bố mẹ tránh được một số bệnh di truyền thường gặp cho con như bệnh mù màu, bệnh tan máu bấm sinh Thalassemia, hội chứng Down, Turner, Edward...
Do đó, tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân sẽ giúp sinh ra những đứa trẻ khoẻ mạnh, tránh những gánh nặng cho bản thân đứa trẻ, gia đình và xã hội.