Đồng Nai: Không để xảy ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”
Trong tháng 12/2023, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức hội nghị quán triệt chương trình công tác, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024 và quyết tâm không để xảy ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 mới đây, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã thông qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Tỉnh ủy, với 4 nhiệm vụ chủ yếu, 4 khâu đột phá và xây dựng 8 phương án phát triển; Trong đó, tỉnh sẽ chọn kịch bản tăng trưởng khả thi, với tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 là 10%.
Ông Đức nói thêm, báo cáo cuối kỳ Quy hoạch tỉnh Đồng Nai đã trình Hội đồng thẩm định Quốc Gia, dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2023, thông qua HĐND tỉnh trong tháng 1/2024 và hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý I/2024. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Đồng Nai và kêu gọi thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh…
Tuy nhiên, đó là chuyện của năm 2024.
Còn hiện tại, tỉnh Đồng Nai vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đầu tiên phải kể đến là kết quả thu ngân sách giảm mạnh. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9 tháng đầu năm 2023 trên đạt 31.982 tỷ đồng, giảm 12,37% so với cùng kỳ; Trong đó, thu nội địa ước đạt trên 30.709 tỷ đồng, giảm 11,55%. Một số khoản thu giảm so cùng kỳ như: Khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt khoảng 2.319 tỷ đồng, giảm 6,2%; Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10.694 tỷ đồng, giảm 3,67%; Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt gần 5.936 tỷ đồng, giảm 6,89%; Thuế thu nhập cá nhân đạt gần 4.823 tỷ đồng, giảm 6,18%; Các khoản thu về nhà đất đạt trên 2.232 tỷ đồng, giảm 53%...; Thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu đạt gần 1.149 tỷ đồng, giảm 32,39% so cùng kỳ.
Nguyên nhân thu ngân sách giảm được xác định là do tỉnh Đồng Nai tiếp tục phải đối diện với “khó khăn kép” cả bên trong lẫn bên ngoài. Điển hình như: Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, vì thiếu hụt đơn hàng, chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường bị đứt gãy, xuất khẩu giảm mạnh, giảm sản lượng sản xuất, giảm doanh thu, giảm nộp ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, lĩnh vực đất đai cũng giảm sâu do thị trường bất động sản bị ngưng trệ, nhiều dự án lớn theo quy hoạch của tỉnh vẫn chưa có nhà đầu tư. Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp không khả quan, làm cho người lao động thiếu việc làm, thu nhập giảm, lãi suất vay ngân hàng tăng, dẫn đến các giao dịch mua bán nhà đất, ô tô, xe máy, giao dịch chuyển mục đích sử dụng đất trong dân cũng giảm mạnh, ảnh hưởng đến số thu thuế thu nhập cá nhân, thu lệ phí trước bạ và tiền sử dụng đất.
Tiếp đến, tỉnh Đồng Nai còn chậm giải ngân đầu tư công, bồi thường giải phóng mặt bằng cũng xảy ra nhiều ách tắc. Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh (đến ngày 30-11-2023) là 5.458 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch, thấp hơn bình quân cả nước khoảng 60,1%, đứng thứ 54/63 tỉnh/thành phố.
Để giải quyết những khó khăn này này, UBND tỉnh cho biết sẽ chỉ đạo công tác giải ngân đầu tư công đến từng chủ đầu tư, các Sở, ngành, địa phương, xã, phường, thị trấn; Trong đó, yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương được bố trí vốn năm 2024 phải xây dựng tiến độ cụ thể của từng dự án; Theo dõi đôn đốc thực hiện theo tuần, tháng, quý để kịp thời xử lý vướng mắc.
Còn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh đã phân cấp việc định giá đất cho UBND các huyện/thành phố, giao Sở Tài chính tập huấn cho địa phương để công việc định giá đất ngày càng đi vào nền nếp. Ban Bồi thường tỉnh, UBND các huyện, thành phố rà soát cơ cấu tổ chức, bộ máy, con người, năng lực của Trung tâm Phát triển Quỹ đất cấp huyện/thành phố;
Đồng thời, rà soát lực lượng địa chính cấp xã, phường, thị trấn có thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để điều động, tăng cường, đảm bảo công tác kiểm kê. UBND các huyện, thành phố rà soát việc triển khai các dự án Khu tái định cư trên địa bàn, đảm bảo đáp ứng yêu cầu di dời dân; Rà soát việc nợ tái định cư trên địa bàn, xây dựng kế hoạch, xác định tiến độ trả nợ tái định cư…
Nhìn chung, tỉnh Đồng Nai vẫn là “đầu tàu kinh tế”, vẫn là địa phương có thành tựu phát triển kinh tế - xã hội sáng nhất của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Điển hình như giai đoạn 2012-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của tỉnh Đồng Nai đạt khoảng 6,64%; Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2022 đạt 133,59 triệu đồng/người (tương đương 5.717 USD, tăng gấp 1,4 lần so với cả nước và xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố); Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng GRDP ngành công nghiệp – xây dựng, ngành dịch vụ và giảm ngành nông - lâm nghiệp (đến năm 2022, tỷ trọng GRDP ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 60,36%, ngành dịch vụ chiếm 22, 57%, ngành nông - lâm nghiệp chiếm 7,83%, thuế sản phẩm 9,24%); Lĩnh vực thương mại tăng trưởng mạnh; Chương trình nông thôn mới đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Nhưng để lấy lại “phong độ”, tỉnh Đồng Nai cần quyết tâm không để xảy ra tình trạng không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm; Thậm chí thay thế hoặc điều chuyển công tác khác đối với cán bộ, công chức có năng lực yếu kém như nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023.