Kinh tế

Thúc đẩy hợp tác thương mại giữa các tỉnh biên giới phía Bắc và Trung Quốc

PV 09/12/2023 - 17:37

Ngày 9/12, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị trực tuyến thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc.

z4957003213048_6b11746de1c75bbd39d6f1aca4afc055_8d275.jpg
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Hội nghị có sự tham dự của các lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và 7 tỉnh biên giới phía Bắc, gồm: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên và Lai Châu.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam với Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đất liền đạt 34,57 tỷ USD, tăng 87,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 14,23 tỷ USD, tăng 315,7%; nhập khẩu đạt 20,34 tỷ USD, tăng 43,8%.

Hoạt động thương mại Việt Nam - Quảng Tây tiếp tục được đẩy mạnh, tổng kim ngạch XNK qua các cửa khẩu với Quảng Tây chiếm tỷ trọng 97,06% tổng giá trị giao dịch hàng hóa qua các cửa khẩu trên bộ với Trung Quốc, trong đó, xuất khẩu chiếm 95,53%, nhập khẩu chiếm 97,72%. Các mặt hàng chính Quảng Tây nhập khẩu từ Việt Nam gồm: Cáp điện, nguyên liệu gỗ, thiết bị thông tin viễn thông, trái cây tươi, tinh bột sắn, quặng và tinh quặng Titan, tinh quặng Tho-ri, nhôm thỏi tái chế... Nhóm mặt hàng xuất khẩu chính của Quảng Tây gồm: Vi mạch điện tử, ắc quy Li-ion, vật liệu hợp kim nhôm, loa, chế phẩm nhựa, động cơ đốt trong, quần áo...

Về hợp tác đầu tư giữa Việt Nam - Quảng Tây, phía Việt Nam có 103 doanh nghiệp đăng ký đầu tư tại Quảng Tây, với tổng vốn đăng ký đạt 196 triệu USD, thực hiện 17,92 triệu USD. Quảng Tây có 184 doanh nghiệp (ngoài lĩnh vực tài chính ngân hàng) đăng ký đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư thực tế đạt 140 triệu USD. Tổng giá trị hợp đồng EPC các doanh nghiệp Quảng Tây thực hiện tại Việt Nam đạt 1,09 tỷ USD.

Tỉnh Vân Nam tiếp giáp Việt Nam qua các địa phương: Châu Hồng Hà, Châu Văn Sơn. Tổng kim ngạch XNK của Vân Nam qua Việt Nam đạt 36,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 18,3 tỷ USD; nhập khẩu đạt 18,1 tỷ USD. XNK theo hình thức thông thường đạt 26,9 tỷ USD; XNK theo hình thức gia công đạt 3,84 tỷ USD; XNK theo hình thức logistics bảo thuế đạt 2,29 tỷ USD. Kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Vân Nam - Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, giảm 18,51% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, Vân Nam xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD, giảm 39,44%; nhập khẩu đạt 841,4 triệu USD, tăng 77,03%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản (các loại rau, củ, quả…), than cốc, phân bón, năng lượng điện, máy móc thiết bị điện, hóa chất khác…; nhập khẩu gồm: Phốt pho vàng, hoa quả nhiệt đới (thanh long, xoài, chuối, dưa hấu, vải, nhãn..), sản phẩm gỗ, ván bóc, dược liệu, sắn tươi, tinh bột sắn, nông sản...

112711_phat_bieu_08474909.jpg
Tỉnh Cao Bằng tham gia ý kiến, thúc đẩy hợp tác kinh tế với Trung Quốc.

Phát biểu tại hội nghị, bà Đồng Thị Kiều Oanh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cao Bằng cho biết: Tỉnh Cao Bằng hoạt động XNK hàng hóa, thông quan từ đầu năm 2023 đến nay diễn ra thuận lợi qua 3 cửa khẩu: Tà Lùng, Trà Lĩnh, Sóc Giang. Lưu lượng xe thông quan trung bình khoảng hơn 50 xe/ngày. Tổng kim ngạch XNK qua địa bàn tỉnh đạt 606,058 triệu USD, bằng 95% kế hoạch. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Rau quả, thủy sản, hạt điều, hạt tiêu, cà phê...; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Vải, than và ô tô các loại. Đề nghị phía nước bạn tạo thuận lợi hơn nữa cho việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nông, lâm, thủy sản, động vật và nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc (ô tô tải các loại...) qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Cao Bằng để tăng kim ngạch XNK.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành trung ương và 7 tỉnh biên giới phía Bắc đã trao đổi, đánh giá về tình hình hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với địa phương biên giới của Trung Quốc; việc triển khai các chính sách hợp tác kinh tế, thương mại của các địa phương biên giới Trung Quốc với Việt Nam; làm rõ những thuận lợi, khó khăn, các vấn đề vướng mắc trong hợp tác kinh tế thương mại với các địa phương biên giới của Trung Quốc; đề xuất các giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại với Trung Quốc trong thời gian tới.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những kết quả mà các địa phương biên giới phía Bắc đạt được trong việc thực hiện hợp tác kinh tế thương mại với các địa phương biên giới của Trung Quốc trong thời gian qua.

Bộ trưởng cũng gợi mở một số nhiệm vụ, công việc để kịp thời có những giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại biên giới; tiếp tục trao đổi đồng cấp với Trung Quốc để điều chỉnh các quy định trong hợp tác để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc. Các địa phương biên giới có cửa khẩu tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển logistics tại khu vực cửa khẩu…

PV