Chuyên gia giải đáp những tình huống vi phạm trật tự, an toàn giao thông
Trong Chương trình Tìm hiểu pháp luật về An toàn giao thông từ “Mô hình phiên tòa giả định”, các Thẩm phán, đại diện Cục CSGT đã giải đáp các quy định của pháp luật xoay quanh những tình huống vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Chương trình Tìm hiểu pháp luật về An toàn giao thông từ “Mô hình phiên tòa giả định” do TANDTC và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cùng một số đơn vị liên quan phối hợp tổ chức sáng 9/12, tại trụ sở TANDTC thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh, sinh viên, người lao động đang học tập và làm việc trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tại chương trình, các học sinh, sinh viên và người lao động được trải nghiệm những kiến thức an toàn giao thông từ clip mô phỏng tình huống giao thông để nhận biết và trang bị những kỹ năng cơ bản về những lỗi vi phạm giao thông phổ biến, từ đó rút ra những bài học cho bản thân nhằm tham gia giao thông một cách an toàn.
Cụ thể, các clip tình huống về giao thông mô phỏng bằng những hình ảnh sinh động, tái hiện lại những lỗi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, cách nhận biết các biển chỉ dẫn, vạch kẻ đường, biển báo… trong quá trình tham gia thông mà người dân thường hay mắc phải.
Ngoài ra, các lỗi vi phạm quy định về nồng độ cồn, các mức xử phạt vi phạm quy định về nồng độ cồn; bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; các tình huống vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ; giao xe máy điều khiển cho người dưới 18 tuổi, chưa có giấy phép lái xe (GPLX)…
Sau mỗi tình huống, các chuyên gia pháp lý đều giải đáp, phân tích những hành vi vi phạm xảy ra trong clip tình huống và đánh giá câu trả lời của người chơi, từ đó giải đáp các quy định của pháp luật đối với từng trường hợp cụ thể.
Đơn cử là clip mô phỏng tình huống Nguyễn Đăng V chưa đủ 18 tuổi, chưa có GPLX nhưng vẫn được Bùi Văn T (GPLX mang tên Bùi Văn T) giao xe máy để điều khiển. Trong trường hợp này: Nguyễn Đăng V có vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ không? Việc Bùi Văn T giao xe cho V có vi phạm quy định về giao thông đường bộ không? Mức phạt đối với hành vi giao phương tiện cho người chưa đủ tuổi lái xe thế nào?
Giải đáp vấn đề này, Thượng tá Tạ Hồng Minh - Phó trưởng Phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT) cho biết, Nguyễn Đăng V chưa đủ 18 tuổi, chưa có GPLX nhưng vẫn được Bùi Văn T giao xe máy điều khiển. Như vậy, V đã vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Việc Bùi Văn T giao xe V điều khiển dù biết V chưa đủ 18 tuổi, chưa có GPLX đã vi phạm Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Về mức phạt đối với người chưa đủ tuổi lái xe mô tô, gắn máy: Căn cứ khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức phạt đối với người chưa đủ tuổi lái xe quy định - Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe máy và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô. Phạt tiền từ 400.000 đồng - 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;
Mức phạt đối với hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi lái xe, Thượng tá Tạ Hồng Minh cho biết: khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi giao xe mô tô, xe máy và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ 2008 điều khiển xe tham gia giao thông có thể chịu các mức phạt như: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ phương tiện; Phạt tiền từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ phương tiện.
Thượng tá Tạ Hồng Minh lưu ý, khi xảy ra tai nạn giao thông, trong mọi tình huống phải giữ an toàn cho mình. Theo quy định phải giữ nguyên hiện trường, ở lại hiện trường. Tuy nhiên, trong một số tình huống có thể gây mất an toàn cho bản thân, chúng ta có thể tạm thời rời đi để tránh những xung đột xảy ra nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân. Sau đó, người vi phạm phải đến cơ quan chức năng nơi gần nhất để báo cáo về vụ tai nạn.
Đặc biệt, tại chương trình các học sinh, sinh viên và người lao động còn được theo dõi clip từ “Mô hình phiên tòa giả định”. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa các thủ pháp nghệ thuật hình ảnh truyền hình và tương tác thực tế.
Từ hồ sơ các vụ án, dàn dựng nhiều thể loại video clip tình huống thể hiện hành vi vi phạm của các bị cáo, đồng thời dàn dựng lại diễn biến của các phiên tòa xét xử nhằm giúp các học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò của Viện Kiểm sát, Tòa án, Hội thẩm nhân dân, Luật sư trong các vụ án.
Mỗi clip là một tình huống pháp pháp luật, cùng với đó, các Thẩm phán phân tích các hành vi vi phạm của bị cáo, các quy định của pháp luật liên quan để áp dụng hình phạt cho bị cáo; căn cứ áp dụng những tình tiết giảm nhẹ, hay tăng nặng đối với hành vi của bị cáo trong vụ án?
Giải đáp các vấn đề này, Thẩm phán Nguyễn Đình Tiến - Chánh tòa Tòa Gia đình và người chưa thành niên TAND thành phố Hà Nội đã phân tích thấu đáo căn cứ theo các quy định của pháp luật.
Về “Tình tiết giảm nhẹ”, Thẩm phán Tiến cho hay, tình tiết giảm nhẹ được hiểu là người có thân thân tốt, khai báo thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại một phần cho bị hại. Gia đình bị hại có đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo, hay bị cáo phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.
Theo chuyên gia đánh giá, “Phiên tòa giả định” là cách làm sáng tạo, hiệu quả, sát thực tế của nhiều địa phương. Cùng với các hình thức truyền thông, giáo dục pháp luật trực tiếp tại các trường học, cộng đồng dân cư, hoạt động tuyên truyền bằng hình thức này đã tạo chuyển biến mới trong công tác tuyên truyền pháp luật cho nhiều đối tượng trong tình hình hiện nay.