Hà Nội: Ngôi đền gần 1000 năm tuổi vẫn chưa được công nhận là di tích
Đời sống - Ngày đăng : 13:33, 30/10/2015
Ngôi đền này được xây dựng cách đây gần 1000 năm, thờ Thái úy Phạm Cự Lượng, một vị anh hùng dân tộc, có nhiều công lao với đất nước.
Theo cuốn Đại Việt Sử ký toàn thư -Tập I (trang 392, NXB Văn hóa-Thông tin, Hà Nội năm 2000) và Việt Điện U Linh thì đình Lương Sử được dựng vào năm Đinh Sửu (1034), niên hiệu Thông Thụy (1034-1038) năm thứ tư, theo ý chỉ của vua Lý Thánh Tông (trước khi xây dựng Văn Miếu-Quốc Tử Giám 36 năm). Đền Lương Sử thuộc quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám có bề dày lịch sử gần 1000 năm, hiện còn lưu giữ được thần phả và nhiều sắc phong của các triều đại phong kiến.
Đền Lương Sử được vua Lý Thánh Tông cho lập để thờ đức Hồng Thánh Đại Vương Phạm Cự Lượng, một Đại tướng đời Đinh Tiên Hoàng và được Lê Đại Hành phong đến chức Thái úy, là chức quan cao nhất của triều đình, sau khi mất được trên 50 năm thì ông được vua Lý Thánh Tông phong làm Hoằng Thánh Đại Vương với chức “Đô Hộ Phủ Ngục Trung Minh Chủ” để trông coi việc xử án.
Đức Hồng Thánh Đại Vương Phạm Cự Lượng sinh ngày 20 tháng 10 năm Giáp Thìn (tức ngày 8 tháng 12 năm 944), tại làng Trà Hương, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Thụy Trà, xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Ông có công lớn, giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân được phong chức Phòng Ngự sử tiên phong Tướng quân giữ cửa biển Đại Ác (Nam Định) rồi Tâm phúc Tướng quân coi việc thị vệ.
Cụ từ đền Lương Sử trao đổi với PV về Di tích Đền Lương Sử
Khi Triều Đinh có biến (Đinh Tiên Hoàng và Đinh Toàn bị ám hại), giặc Tống lăm le xâm lược nước ta, ông đã phò Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi rồi được Lê Hoàn phong làm Đại Tướng quân, cùng Lê Hoàn cầm quân đánh thắng quân xâm lược Tống năm Tân Tỵ (981).
Năm Nhâm Ngọ (982), ông lại phụng mệnh vua đi đánh và thắng Chiêm Thanh. Hết giặc, đất nước thái bình, năm Quý Mùi (983), ông được vua Lê Hoàn trao trọng trách đi khai sông, làm đường tại Thanh Hóa. Công trình đào sông nhà Lê do Lê Hoàn khởi xướng, Phạm Cự Lượng thực hiện là con đường giao thông thuỷ nội địa đầu tiên của Việt Nam. Ông còn lập trại luyện quân cung cấp quân sĩ cho triều Lê Đại Hành.
Phạm Cự Lượng là người có công đầu trong sự nghiệp của Lê Hoàn với công giúp Đinh, phò Lê, đánh Tống, bình Chiêm, Thời bình - Khai sông trị thuỷ. Do công lao to lớn của ông, năm Bính Tuất (986), ông được vua Lê Đại Hành phong tới chức Thái úy là chức quan đầu triều.
Đôi câu đối ở Đền Đình Lương Sử và các đền thờ ông ở vùng biển Nam Định đã khái quát công lao của ông: “Khuông Lê vĩ tích tồn sơn hải, Bình Tống, anh thanh quán cổ kim.”(Công lớn phò giúp nhà Tiền Lê, còn tồn tại với nước non. Tiếng vang oai hùng đánh giặc Tống, còn vọng mãi từ xưa đến nay).
Chính sử không ghi ông mất năm nào. Nhưng ở Đền Lương Sử và nhiều nơi thì ghi ông mất ngày 12 tháng 9 năm Giáp Thân (984) tại nơi ông đang làm việc (khai sông, mở đường) ở Đồng Cổ, Thanh Hóa. Riêng ở Ninh Bình thì ghi ông mất ngày 26 tháng 11 năm Mậu Tuất (998). Các nơi tổ chức ngày lễ giỗ theo Thần phả của mình.
Đền Lương Sử
Đền Lương Sử nơi thờ ông một thời gian dài bị lấn chiếm. Nhân dân làng Lương Sử từ năm 1997 đã dần dần đòi lại được một phần đất và trùng tu khôi phục lại nhờ sự đóng góp công của nhân dân phường Văn Chương, làng Lương Sử xưa và thập phương, nay đã khang trang.
Mặc dù ngôi đền đã nhiều lần tu sửa, nhưng vị trí và hướng của đền (hướng bắc) vẫn được giữ nguyên.
Dân làng Lương Sử từ gần 1000 năm nay cũng như các triều đại phong kiến đã sắc phong ông là Thành Hoàng làng Lương Sử.
Đền Lương Sử với lịch sử hình thành và xây dựng gần 1000 năm, với việc thờ một vị anh hùng dân tộc có nhiều công lao lớn với đất nước từ thời Đinh - Tiền Lê, còn lưu giữ được thần phả và nhiều sắc phong của các triều đại phong kiến, với những hoạt động văn hóa truyền thống liên tục, rất xứng đáng là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.
Hiện Đền Đình Lương Sử vẫn chưa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa, mặc dù di tích này đã tồn tại gần 1000 năm qua, ngay tại Trung tâm thành phố Hà Nội. Trong khi đó, tại nhiều địa phương như các tỉnh: Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên, Ninh Bình,… những đình, đền thờ ông hầu như đều đã được công nhận là Di tích lịch sử.
Ban Quản lý Di tích Đền Lương Sử và phường Văn Chương, quận Đống Đa đã làm Hồ sơ gửi lên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, đã nhiều tháng nay, không thấy Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hà Nội có ý kiến trả lời cụ thể về việc này.