Tòa án địa phương

TAND tỉnh Quảng Ninh nỗ lực thực hiện cải cách tư pháp

PV 08/12/2023 - 15:54

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức, thời gian qua TAND 2 cấp ở Quảng Ninh đã thực hiện tốt theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, đáp ứng các yêu cầu về cải cách tư pháp.

mot-phien-toa-xet-xu-truc-tuyen.jpg
Một phiên tòa xét xử trực tuyến tại TAND tỉnh Quảng Ninh.

6 tháng đầu năm 2023, TAND 2 cấp đã tổ chức 63 phiên tòa rút kinh nghiệm; đăng tải 1.373 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên cổng thông tin điện tử tòa án; tăng cường quán triệt việc áp dụng án lệ và khai thác, sử dụng có hiệu quả phần mềm trợ lý ảo trong quá trình xét xử các loại án...

TAND 2 cấp luôn bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn quy trình, biểu mẫu hòa giải, đối thoại của TANDTC để triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa một cách có hiệu quả. Xác định hòa giải, đối thoại là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, TAND 2 cấp xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để tăng cường công tác hòa giải, đối thoại các vụ việc dân sự, vụ án hành chính để từ đó góp phần giảm áp lực về số vụ việc phải thụ lý giải quyết.

Với việc làm tốt công tác tuyên truyền về Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa, tỷ lệ đương sự khi nộp đơn tại Tòa án đã đồng ý chuyển đơn sang Trung tâm hòa giải, đối thoại tăng lên. Đơn cử năm 2022, số đơn chuyển hòa giải, đối thoại tăng 10% so với năm 2021 (tương ứng 3.308/5.744 đơn nộp tại Tòa án); số vụ việc hòa giải, đối thoại thành công chiếm tỷ lệ 59% tổng số đơn chuyển hòa giải, đối thoại, với 1.955 vụ việc.

6 tháng đầu năm 2023, số lượng đương sự khi nộp đơn tại Tòa án đã đồng ý chuyển đơn sang Trung tâm hòa giải, đối thoại, so với cùng kỳ tăng 07% (1.443/2.050 tổng đơn nộp tại Tòa án); hòa giải, đối thoại thành công 1.175 vụ việc, chiếm tỷ lệ 81% tổng số đơn chuyển hòa giải, đối thoại.

Bà Nguyễn Thúy Huyền, Chánh Văn phòng TAND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về công tác cải cách tư pháp, TAND 2 cấp của tỉnh đã tập trung vào việc nâng cao tiến độ, chất lượng giải quyết, xét xử các loại án; nâng cao hiệu quả hoạt động tranh tụng tại phiên tòa; chú trọng công tác hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính; tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc cho các Tòa án.

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến mặc dù gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, về con người, nhưng với sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo TAND 2 cấp, cùng sự phối hợp từ tích các lực lượng chức năng đã đem lại hiệu quả rõ rệt.

Các phiên tòa xét xử trực tuyến của TAND 2 cấp luôn có sự phối hợp chặt chẽ với VKSND cùng cấp, Trại tạm giam Công an tỉnh và các nhà tạm giữ Công an cấp huyện để phiên tòa được diễn ra đúng quy định của pháp luật.

Tổ chức phiên tòa trực tuyến góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian cho Tòa án, các cơ quan chức năng, công dân tham gia, nhưng vẫn đảm bảo các quy định về tố tụng, quyền và lợi ích hợp pháp cho người tham gia tố tụng. Sau các phiên tòa xét xử trực tuyến đều tổ chức họp rút kinh nghiệm, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn khi triển khai tại đơn vị mình.

Từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, TAND 2 cấp của tỉnh đã xét xử trực tuyến 53 vụ việc; hỗ trợ điểm cầu tại TAND tỉnh phục vụ 12 phiên toà hành chính xét xử bằng hình thức trực tuyến của TAND cấp cao tại Hà Nội.

Cùng với nâng cao hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, TAND tỉnh luôn chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý, đội ngũ Thẩm phán có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sáng, lành mạnh, đủ trình độ, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, cử cán bộ đi học các lớp nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị được thực hiện thường xuyên, để cán bộ, công chức trong ngành kịp thời nắm bắt các bộ luật, nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC mới ban hành trong quá trình giải quyết công tác chuyên môn.

Trong 6 tháng năm 2023, TAND 2 cấp của tỉnh Quảng Ninh đã thụ lý 2.398 vụ việc; đã giải quyết, xét xử 1.331 vụ việc; chất lượng công tác xét xử được đảm bảo, không có người bị kết án oan, không bỏ lọt tội phạm; kỷ luật, kỷ cương công vụ được tăng cường; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

PV