Đời sống

Giai đoạn 2023-2025, Hà Nội tiến hành sắp xếp 173 đơn vị hành chính cấp xã

Đ. Việt 08/12/2023 - 14:09

Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025, trong 2 năm tới Hà Nội tiến hành sắp xếp lại 173 xã, phường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước của chính quyền cơ sở và hoạt động tổ chức cộng đồng các khu dân cư …

Bộ Nội vụ vừa có văn bản gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội.

Ngoài việc lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ Nội vụ đề nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Ủy ban Dân tộc có ý kiến cụ thể về việc áp dụng các yếu tố đặc thù đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng UBND thành phố Hà Nội đề nghị không thực hiện sắp xếp; các đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp không đạt tiêu chuẩn theo quy định và việc thành lập đơn vị hành chính đô thị.

Sắp xếp lại nhiều đơn vị hành chính cấp xã

Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội. Hà Nội hiện có 579 xã, phường, thị trấn. Trong đó, số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 là 173; số thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp là 76; số thuộc diện khuyến khích sắp xếp là 12.

ha-noi1.jpg
Theo phương án, trong hai năm tới, Hà Nội tiến hành sắp xếp 173 đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh minh họa

Về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Hà Nội đề xuất nhập 92 xã thành 45 xã, giảm 47 xã. Trong đó, huyện Ba Vì nhập 3 xã thành 1 xã; huyện Chương Mỹ nhập 4 xã thành 2 xã; huyện Đan Phượng nhập 8 xã thành 4 xã; huyện Gia Lâm nhập 6 xã thành 3 xã...

Theo phương án, sẽ nhập 6 phường của quận Đống Đa thành 4 phường. Cụ thể, nhập phường Khâm Thiên và Trung Phụng thành đơn vị hành chính mới. Sáp nhập một phần phường Ngã Tư Sở vào phường Khương Thượng và nhập một phần phường Ngã Tư Sở vào phường Thịnh Quang. Sáp nhập một phần phường Trung Tự và phường Phương Liên, nhập một phần phường Trung Tự vào phường Kim Liên.

Đối với quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đề xuất nhập 7 phường thành 4 phường. Cụ thể, nhập phường Đồng Nhân và phường Đống Mác thành đơn vị hành chính mới. Sáp nhập một phần phường Cầu Dền vào phường Bách Khoa. Nhập một phần phường Cầu Dền vào phường Thanh Nhàn và nhập phường Quỳnh Lôi và phường Bạch Mai.

Tại quận Thanh Xuân, Hà Nội đề xuất sáp nhập 4 phường thành 2 phường. Cụ thể, nhập phường Thanh Xuân Bắc và phường Thanh Xuân Nam thành đơn vị hành chính mới. Nhập phường Hạ Đình và phường Kim Giang thành đơn vị hành chính mới.

Quận Ba Đình sẽ nhập phường Nguyễn Trung Trực và phường Trúc Bạch thành đơn vị hành mới...

Theo UBND TP Hà Nội, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước của chính quyền cơ sở và hoạt động tổ chức cộng động các khu dân cư trên địa bàn…

Đối với các trường hợp đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 nhưng đề nghị không sắp xếp, UBND TP.Hà Nội cho rằng có những đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên rất nhỏ nhưng dân số rất lớn. Bên cạnh đó, một số các đợn vị hành chính cấp xã thuộc quận nội thành sau khi sắp xếp vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định. Ngoài ra, do nhiều yếu tố đặc thù nên không thể nhập thêm đơn vị hành chính khác liền kề.

Vì sao đề xuất không sáp nhập quận Hoàn Kiếm?

Trong phương án sắp xếp của UBND TP Hà Nội, đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không sáp nhập là quận Hoàn kiếm.

Hà Nội cho biết, quận Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và văn hóa của TP Hà Nội. Quận có địa giới hành chính ổn định, hình thành trước năm 1945, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa… gắn với truyền thống lịch sử hình thành của thành Đại La, Thăng Long, Đông Đô.

thap-rua-ho-guom.jpg
Theo UBND TP Hà Nội, quận Hoàn Kiếm có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, nếu thực hiện sáp nhập sẽ mất đi các giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống và quá trình hình thành đô thị văn hóa lâu đời của Thăng Long – Hà Nội

Khu phố cổ gồm 10 phường có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời cần được bảo tồn, gìn giữ như Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Buồm, Hàng Mã, Cửa Đông, Đồng Xuân, Lý Thái Tổ, gắn với sự hình thành của khu 36 phố phường, có 5 Cửa Ô từ đầu thế kỷ XX.

Hầu hết phường thuộc quận Hoàn Kiếm đều có tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng riêng, tồn tại tên gọi từ hàng trăm năm trước đến nay. Khu phố cổ Hà Nội đã được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. Quận có hai di tích Quốc gia đặc biệt là Đền Bạch Mã và di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Tên của quận Hoàn Kiếm gắn liền với truyền thuyết trả gươm sau chiến tranh giải phóng dân tộc của Vua Lê Thái Tổ.

Quy hoạch xung quanh hồ Hoàn Kiếm là một chỉnh thể có yếu tố đặc thù, kế thừa lịch sử, văn hóa, kiến trúc, được chia ra làm 3 khu vực chính: Khu phố cổ, khu vực hồ Gươm và phụ cận, khu phố cũ, giữ hình thái ổn định từ năm 1990 đến nay.

Kinh tế quận Hoàn Kiếm trong những năm gần đây liên tục tăng trưởng cao, bền vững; cơ cấu kinh tế chủ yếu là thương mại, du lịch, dịch vụ. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn hằng năm đều vượt so với kế hoạch thành phố giao (năm 2021, 2022 đạt hơn 14.000 tỷ đồng).

Nếu thực hiện sáp nhập sẽ mất đi các giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống và quá trình hình thành đô thị văn hóa lâu đời của Thăng Long – Hà Nội, đồng thời sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả phát triển kinh tế của thành phố trong thời gian tới.

Đ. Việt