Hà Nội: Sẽ có đề án riêng về 12 tuyến đường sắt đô thị
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết Hà Nội sẽ trình Bộ Chính trị một đề án riêng về phát triển hệ thống 12 tuyến đường sắt đô thị để xin ý kiến.
Chiều 7/12, giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn của HĐND thành phố, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, hạ tầng giao thông của Thủ đô đang tụt hậu so với tốc độ phát triển.
Theo thông tin mà Chủ tịch TP. Hà Nội đưa ra, diện tích đất dành cho giao thông của thành phố mới đạt khoảng 10,35% diện tích đất đô thị (theo quy hoạch phải đạt từ 20-25%), tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tĩnh chưa đạt 1% (theo quy hoạch từ 3-4%), tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 19,05% (theo quy hoạch 50-55%).
Tình trạng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm vẫn xảy ra ở nhiều khu vực; tình trạng thiếu chỗ đỗ xe, bãi đỗ xe khu vực các quận nội thành vẫn là sự bức xúc trong nhân dân. Số liệu được dẫn chứng là thành phố có khoảng 2,3 triệu học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 ra đường mỗi sáng cùng với lượng phụ huynh đưa đón thì ùn tắc là điều dễ hiểu.
Về giải pháp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, thành phố sẽ rà soát, đánh giá thực trạng quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô, từ đó tập trung nguồn lực đầu tư các dự án quan trọng, có tính chất kết nối, đường vành đai, đường hướng tâm…
Đặc biệt, Chủ tịch TP. Hà Nội cho hay thành phố sẽ có đề án riêng để phát triển đường sắt đô thị. Đề án này sẽ được thành phố tập trung nghiên cứu để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến. Khi làm tổng thể đề án 12 tuyến đường sắt đô thị thì thành phố mới có nguồn lực riêng để thực hiện.
“Chúng ta làm một tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội 15 năm chưa xong, khả năng phải 20 năm. Tuyến Cát Linh - Hà Đông cũng thế. Do vậy, không thể làm từng dự án một, bởi nếu làm từng dự án thì 100 năm nữa mới xong 12 tuyến đường sắt”, ông Trần Sỹ Thanh nói.
Tập trung chỉ đạo triển khai các dự án trọng điểm về giao thông; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác triển khai các dự án về hạ tầng giao thông; Đồng thời, bên cạnh phát triển giao thông công cộng, thành phố cũng sẽ nghiên cứu có giải pháp tổ chức giao thông phù hợp, ứng dụng giao thông thông minh…
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội hy vọng, khi làm tổng thể 12 dự án đường sắt đô thị thì 20 năm nữa những vấn đề đại biểu nêu ra tại phiên chất vấn hôm nay về những bất cập trong giao thông đô thị sẽ được giải quyết.
Về khai thác nguồn lực cho đầu tư, phát triển các công trình giao thông, ông Trần Sỹ Thanh cho hay, thành phố sẽ đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện việc đầu tư dự án khu đô thị theo hình thức đấu thầu thực hiện dự án trên địa bàn các quận, huyện.
Hiện có khoảng 14 dự án trên địa bàn các huyện Thanh Trì, Mê Linh, Đông Anh, Đan Phượng, Gia Lâm… đã được phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc đang xem xét đề xuất chủ trương đầu tư với quy mô khoảng 1.432 ha. UBND TP. Hà Nội chỉ đạo cho tổ chức đấu thầu những dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư trong Quý I-2024.
Cùng với đó, thành phố cũng rà soát quy hoạch, khai thác quỹ đất phát triển đô thị dọc đường Vành đai 4, tạo nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông khung. Dự kiến sẽ khai thác khoảng 16.700 ha, trong đó phía Tây Vành đai 4 là 13.470 ha; phía Đông Vành đai 4 là 3.300 ha.