Cướp tài sản và bài học thích đáng
Đứng trước bục khai báo, bị cáo Đặng Kỳ Quý tỏ ra hối hận về hành vi sai trái của mình. Bị cáo khai rằng, đi làm thuê ở Hà Nội khoảng chừng 2 tháng nhưng không được trả lương, khi đang trên đường trở về nhà, chỉ vì muốn có tiền mua sữa cho con nên đã nảy sinh ý định cướp giật điện thoại của người đi đường.
Vừa qua, TAND huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) mở phiên tòa xét xử bị cáo Đặng Kỳ Quý (SN 1993, trú tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) về tội “Cướp giật tài sản”.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 17h ngày 7/8/2023, Đặng Kỳ Quý điều khiển xe mô tô đi trên đường Nghi Sơn – Sao Vàng, đoạn qua khu phố 8, thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, thì thấy chị Hoàng Thị Thanh Tr. (ở thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân) điều khiển xe mô tô đi cùng chiều phía trước.
Phát hiện chị Tr. đang cầm điện thoại nhãn hiệu Iphone 11 Promax để nói chuyện nên Quý nảy sinh ý định giật điện thoại để bán lấy tiền tiêu xài. Quý điều khiển xe chạy lên ngang xe chị Tr. rồi dùng tay phải giật lấy điện thoại khiến chị Tr. ngã xuống đường, điện thoại văng ra. Quý dừng xe xuống nhặt điện thoại rồi lên xe bỏ chạy về nhà.
Khoảng 21h cùng ngày, Quý đến một cửa hàng điện thoại ở thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống để chạy lại phần mềm nhằm xóa mật khẩu. Tuy nhiên, chủ cửa hàng nói với Quý phải có mật khẩu icloud mới làm được. Quý nói điện thoại nhặt được nên không biết mật khẩu và bán lại với giá 1,5 triệu đồng.
Ngày 10/8/2023, Đặng Kỳ Quý đến Công an huyện Thọ Xuân đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội.
Tại bản kết luận giám định tài sản, chiếc điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 11 Promax tại thời điểm bị chiếm đoạt có giá trị là 8.500.000 đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Đặng Kỳ Quý đã thành khẩn khai báo và tỏ ra ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình.
Đứng trước bục khai báo, bị cáo Quý khai rằng, đi làm thuê tại Hà Nội khoảng 2 tháng nhưng chủ không trả lương nên quyết định vào Nam làm ăn. Trên đường về nhà, mong muốn có quà cho 4 con nhỏ nên khi thấy chị Tr. đang nghe điện thoại, bị cáo đã nảy sinh ý định giật điện thoại của chị Tr. để đem bán lấy tiền mua sữa cho con.
Khi được chủ tọa phiên tòa cho nói lời sau cùng, bị cáo Quý cúi đầu, giọng nghèn nghẹn: “Bị cáo cảm thấy rất hối hận về hành vi sai trái của mình. Gia đình bị cáo rất khó khăn, bị cáo là lao động tự do, vợ thì ở nhà làm ruộng nên không có đủ kinh tế để nuôi 4 con nhỏ, cháu lớn mới 10 tuổi, còn cháu nhỏ thì mới 1 tuổi. Bị cáo mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về cùng vợ chăm sóc các con”.
Căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan cũng như diễn biến tại phiên toà, HĐXX nhận định hành vi của bị cáo Đặng Kỳ Quý là rất nghiêm trọng. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản và sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ, gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng, bất bình trong nhân dân, đồng thời làm ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự, trị an tại địa phương. Do đó, cần áp dụng mức hình phạt nghiêm minh đối với bị cáo nhằm giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.
Tuy nhiên, sau khi xem xét toàn diện vụ án, xét thấy bị cáo phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo và tỏ ra ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, sau khi phạm tội đã ra đầu thú, người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, HĐXX đã tuyên phạt Đặng Kỳ Quý 39 tháng tù về tội “Cướp giật tài sản”.
Đây là bản án thích đáng dành cho bị cáo, đồng thời là bài học cảnh tỉnh cho những ai coi thường pháp luật, không vì khó khăn, túng thiếu hay bất cứ lý do gì để xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ.