Bảo tồn Ga Hà Nội: Bài 4: Bài toán "Bảo tồn" và "Phát huy"
Bảo tồn đòi hỏi sự kết hợp tinh tế giữa việc duy trì tính nguyên bản và việc điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của thời đại mới. Quá trình này không chỉ bao gồm việc sửa chữa và tái tạo kỹ thuật, mà còn liên quan đến việc nghiên cứu và phục hồi các phần mất mát, giữ nguyên vật liệu gốc và phục vụ mục đích sử dụng mới mà vẫn tôn trọng bản chất. Phát huy di sản không chỉ là việc giữ gìn, mà còn là cơ hội để khám phá và phát triển tiềm năng mới.
Bảo tồn đòi hỏi sự kết hợp tinh tế giữa việc duy trì tính nguyên bản và việc điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của thời đại mới. Quá trình này không chỉ bao gồm việc sửa chữa và tái tạo kỹ thuật, mà còn liên quan đến việc nghiên cứu và phục hồi các phần mất mát, giữ nguyên vật liệu gốc và phục vụ mục đích sử dụng mới mà vẫn tôn trọng bản chất. Phát huy di sản không chỉ là việc giữ gìn, mà còn là cơ hội để khám phá và phát triển tiềm năng mới. Trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua sự thay đổi nhanh chóng, công tác bảo tồn và phát huy giá trị công trình, mở rộng là di sản trở thành một nhiệm vụ quan trọng, giúp kết nối quá khứ và hiện tại, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc cho tương lai của mỗi cộng đồng.
Ngày 28 tháng 9 năm 2007, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 3850/QĐ-UBND về việc gắn biển di tích cách mạng kháng chiến Ga Hà Nội, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo đó, tổ chức gắn biển di tích cách mạng kháng chiến Ga Hà Nội, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ga Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền, giới thiệu nội dung giá trị lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng của di tích.
Di tích cách mạng – kháng chiến trên địa bàn Thủ đô hiện nay có số lượng tương đối lớn, nằm ở nhiều quận, huyện khác nhau. Cùng với các di tích lịch sử - văn hoá khác, di tích cách mạng – kháng chiến góp phần tô điểm, làm sáng lên truyền thống yêu nước, đồng thời cũng thể hiện tinh thần yêu chuộng hoà bình, tự do của Nhân dân Hà Nội. Ngày nay, việc phát huy giá trị của các di tích ấy có vai trò quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng.
Di tích cách mạng - kháng chiến là một bộ phận cấu thành hệ thống các di tích lịch sử - văn hoá. Tuy nhiên, nó có những điểm khác với các di tích tôn giáo, tín ngưỡng như đình, đền, chùa, miếu… ở chỗ: Đó là những địa điểm cụ thể, công trình kiến trúc có sẵn (nhà ở, đường phố …), là những công trình được con người tạo nên phù hợp với mục đích sử dụng (địa đạo, hầm bí mật…) gắn liền với những sự kiện cụ thể, nhân vật lịch sử cụ thể mà trở thành di tích. Loại hình di tích này rất đa dạng, phong phú, có mặt ở khắp mọi nơi, khó nhận biết, đồng thời cũng rất dễ bị lãng quên, dễ biến dạng theo mục đích sử dụng, theo thời tiết và theo thời gian. Bởi vậy, các di tích này vừa khó bảo tồn vừa khó phát huy tác dụng nếu không được quan tâm đặc biệt.
Từ ngày 01/8/2008, theo Quyết định của Thủ tướng chính phủ, tỉnh Hà Tây chính thức sáp nhập với thành phố Hà Nội. Từ đây, địa bàn của Thủ đô Hà Nội được mở rộng, số lượng các di tích lịch sử - văn hóa nói chung, di tích cách mạng - kháng chiến nói riêng cũng tăng lên đáng kể. Hầu như ở khắp các quận, huyện của thành phố đều có những di tích và địa danh gắn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Cùng với các di tích lịch sử - văn hoá, các di tích cách mạng - kháng chiến đã và đang góp phần tô điểm, làm sáng lên truyền thống yêu nước hào hùng, đồng thời cũng thể hiện tinh thần yêu chuộng hoà bình, tự do, trọng đạo lý của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Mỗi địa điểm lịch sử đó đều chứa đựng nhiều giá trị khác nhau, những giá trị mà ngày nay chúng ta cần phải bảo vệ và phát huy để truyền đạt truyền thống anh hùng cách mạng cho thế hệ sau. Các di tích cách mạng - những kỷ niệm của các cuộc kháng chiến không chỉ là những ký ức lịch sử to lớn, mà còn là những bảo tàng sống động của quá khứ của dân tộc.
Gắn bó với những chiến công của những thế hệ tiền bối, mỗi di tích lịch sử cách mạng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Không chỉ giúp thế hệ trẻ ngày nay hiểu rõ hơn về quá khứ, mà còn khuyến khích lòng yêu nước, lòng tự hào, lòng tự tôn dân tộc. Điều này làm nổi bật vai trò quan trọng của những di tích này trong việc duy trì và phát triển truyền thống, cũng như kế thừa những đạo lý tốt đẹp như "uống nước nhớ nguồn" và "ăn quả nhớ kẻ trồng cây".
Với Ga Hà Nội cũng vậy, ngoài những giá trị được khẳng định trong ngành giao thông và đường sắt cũng như trong lòng Nhân dân cả nước, thì đã có những văn bản khẳng định về những giá trị lịch sử, giá trị văn hoá cũng như nhiều giá trị khác. Như vậy, gắn biển di tích cách mạng kháng chiến Ga Hà Nội liệu đã đủ?
Ở góc độ tiếp cận khác, theo nhiều chuyên gia, nếu coi công trình Ga Hà Nội dưới góc độ là một di tích cách mạng liệu đã đủ đảm bảo bao hàm và giữ gìn được toàn bộ giá trị của nó?
Theo TS, KTS Trương Văn Quảng – Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, thì: “Trước tiên đối với đô thị Hà Nội nó phải là một di sản. Vì chỉ cần một vị thế này nó đã bao gồm hết tất cả những giá trị có liên quan. Thêm nữa, giá trị của Ga Hà Nội phải trở thành di sản kiến trúc đô thị. Bởi trong đó có giá trị về nghệ thuật, giá trị về công năng sử dụng, giá trị về công nghệ và giá trị văn hóa, đặc biệt là giá trị lịch sử. Do vậy, bảo tồn không thể đối lập và cũng không mâu thuẫn với phát triển”.
Các đánh giá của chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch phát triển đô thị và bảo tồn di sản cũng nhận định, trên phạm vi các đô thị cả nước đều tồn tại nhiều di sản đô thị là tài sản quý giá với tư cách là các dấu mốc cho quá trình hình thành và phát triển đô thị. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan mà công tác bảo tồn chưa đúng vị trí của nó, nên việc phát huy giá trị di sản còn “thiếu và yếu”, chưa tương xứng với các yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Cần phải khẳng định, việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà còn là sự nghiệp của toàn dân, của tất cả các tổ chức và cá nhân trong xã hội. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò tạo ra khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách; còn Nhân dân đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di tích, di sản.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng, quan tâm và xác định di tích, di sản văn hóa là bản sắc của văn hóa dân tộc, là cơ sở để xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, là một nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước.
Ngay từ Sắc lệnh số 65/SL - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về bảo tồn di sản văn hóa do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 23/11/1945, đã khẳng định: “Bảo tồn cổ tích là công việc rất quan trọng và cần thiết trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”. Bảo tồn di sản văn hóa là trách nhiệm của toàn xã hội, nghiêm cấm mọi hành vi hủy hoại di sản văn hóa.
Từ năm 2005, ngày 23/11 đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy là ngày Di sản văn hóa Việt Nam.
Sau này, Nhà nước ta ban hành nhiều văn bản pháp luật khác về bảo tồn di sản văn hóa, từng bước đồng bộ hơn, toàn diện hơn, cụ thể hơn, như: Luật Di sản Văn hóa (2001); Luật sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa (2009); 9 Nghị định của Chính phủ, 3 Quyết định và 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 15 Thông tư, 8 Quyết định, 3 Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ… Đó là kim chỉ nam quan trọng mang tính chính thống trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam.
Hiện nay, các cách bảo tồn đều dựa trên những nguyên tắc: Nhận diện, đánh giá giá trị và tu bổ tôn tạo, trong đó bảo vệ tối đa được các yếu tố gốc. Chính vì vậy, những ý kiến, quan điểm, hành động của các cơ quan chủ quản của Ga Hà Nội đã và đang vô cùng quan trọng trong việc định hình bảo tồn công trình. Để độc giả có cái nhìn khát quát, rõ ràng hơn về vấn đề, PV báo Công lý đã buổi làm việc với Ông Nguyễn Tất Thương, Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Hà Nội – Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Trên vai trò là đơn vị trực tiếp quản lý hệ thống công trình kiến trúc, kết cấu hạ tầng đường sắt Ga Hà Nội, ông Nguyễn Tất Thương chia sẻ: “Chi nhánh khai thác đường sắt Hà Nội là đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, thực hiện một số nhiệm vụ do Tổng công ty giao. Trong đó có nhiệm vụ điều hành công tác giao thông, quản lý khai thác tài sản, kết cấu hạ tầng 11 ga trong địa bàn TP Hà Nội, trong đó có Ga Hà Nội. Việc quản lý, khai thác, sử dụng tài sản của khu vực nhà ga Hà Nội để phục vụ cho công tác vận tải đường sắt có hiệu quả.
Đối với ga Hà Nội hay cũng như là các nhà ga khác thì trách nhiệm của đơn vị trực tiếp tham mưu cho Tổng công ty về việc quản lý, khai thác, sử dụng. Chúng tôi có trách nhiệm là quản lý, khai thác, kinh doanh các kết cấu hạ tầng để đảm bảo hiệu quả với mục đích là phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của người dân, cũng như công tác vận tải của ngành đường sắt. Toàn bộ khu vực tầng một đảm bảo công tác phục vụ hành khách. Đây là một trong các ga có khối lượng vận chuyển hành khách lớn nhất cả nước. Là một trung tâm vận chuyển hành khách đối với ngành đường sắt. Từ Ga Hà Nội thì có thể đi được tất cả các hướng trong hệ thống mạng lưới của ngành. Như tuyến đường sắt Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đi Đồng Đăng, Lào Cai, Hải Phòng…
Trong suốt quá trình quản lý, khai thác, sử dụng công trình đều có hoạt động duy tu, bảo trì, bảo dường hàng năm. Đối với các công trình tài sản kết cấu hạ tầng của Nhà nước trên cơ sở là đơn vị quản lý, chúng tôi cũng theo dõi, kiểm tra và đề xuất kiến nghị những hạng mục công trình cần phải sửa chữa, cần phải bảo trì. Để từ đó luôn đảm bảo cho công trình được duy trì ở trạng thái hoạt động đáp ứng được nhu cầu về công tác sản xuất. Trên cơ sở đề xuất của đơn vị đối với Tổng công ty đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất triển khai việc sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng này đối với cơ quan quản lý của nhà nước. Chính vì vậy cho nên hàng năm, công trình vẫn tiếp tục được thực hiện việc bảo trì, sửa chữa.
Thời điểm 2015 - 2016, Ga Hà Nội cũng có cải tạo, sửa chữa, được đầu tư trang bị toàn bộ hệ thống mái che, cầu vượt và ke cao. Thứ hai là đầu tư xây dựng hệ thống cầu vượt có mái che. Hành khách có thể đi từ khu vực nhà ga ra đường sắt mà không phải giáp ranh với ke của nhà ga. Không phải giao cắt với đường sắt ở trong khu vực Ga. Nó vừa đảm bảo về mặt an toàn tuyệt đối cho hành khách, đồng thời cũng nâng cao về năng lực của công tác chạy tàu. Tuy nhiên, để vừa đáp ứng được nhu cầu về sử dụng, đáp ứng đủ công năng, vừa đảm bảo được duy trì nét cổ kính của Ga Hà Nội vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Thế nên, trong thời điểm này ngành Đường sắt vẫn đang chờ Đề án 46 của Chính phủ để có những định hướng đúng đắn nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ của Ga cũng như các biện pháp để bảo tồn phù hợp nhất với công trình.
*Đề án 46: Đề án quản lý, sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư đang được trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đến năm 2030; sau đó giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục xây dựng đề án giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia tính thành vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Còn ông Nguyễn Thanh Quang – Đội trưởng đội chạy tàu 2 - Ga Hà Nội - Chi nhánh Khai thác Đường sắt Hà Nội, chia sẻ: “Đối với cán bộ, công nhân viên Ga Hà Nội nói riêng và ngành đường sắt chung đều yêu mến Ga Hà Nội.
Ga Hà Nội là ga đầu mối, nối với các tỉnh trên cả nước và vận chuyển khối lượng lớn hành khách. Ngoài ra, trong chiến tranh thì nơi đây cũng là nơi thực hiện rất nhiều các nhiệm vụ chính trị, vận chuyển rất nhiều những đoàn quân và quân tư trang, vũ khí vào chiến trường. Sau khi hòa bình lập lại thì có nhiệm vụ chính là tàu khách, trung chuyển hàng hóa trên các tuyến đường sắt. Đây cũng là một nơi lưu giữ văn hóa của Thủ đô Hà Nội”...
Nói về việc bảo tồn Ga Hà Nội, ông Phạm Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), chia sẻ: “Ga Hà Nội là một trong những ga lớn và quan trọng nhất ở Việt Nam. Đây là nơi xuất phát và kết thúc của nhiều tuyến đường sắt quan trọng trong cả nước, nối liền Hà Nội với các tỉnh thành khác. Ga Hà Nội có một lịch sử lâu đời và là biểu tượng của vùng đất này. Ga Hà Nội đã tồn tại từ thời Pháp thuộc và có kiến trúc độc đáo với nhiều chi tiết cổ điển. Điều này tạo nên một cảm giác lịch sử và vẻ đẹp đặc biệt cho Ga...
Những cảm xúc của người dân khi đến Ga để đón hoặc tiễn người thân có thể rất đáng nhớ. Ga Hà Nội chịu trách nhiệm quan trọng trong việc nối liền Hà Nội với các vùng lân cận và các tỉnh thành khác trong cả nước. Đây là nơi giao thoa của nhiều tuyến đường sắt quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển. Đối với người dân Hà Nội, Ga không chỉ là một trạm tàu hoặc nơi đón tiễn, mà còn là biểu tượng của thành phố và niềm tự hào dân tộc. Họ tự hào về Ga Hà Nội và thấy nó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Kết lại, theo tôi Ga Hà Nội có một giá trị lịch sử và văn hóa quan trọng, đồng thời cũng mang trong mình nhiều kỷ niệm và cảm xúc của người dân Hà Nội. Đây là một địa điểm đáng để khám phá và trải nghiệm khi du khách đến thăm Thủ đô Hà Nội.
Tôi chỉ có một suy nghĩ đơn giản rằng, Ga Hà Nội đã đi vào tâm hồn của người dân như một bảo tàng lịch sử của thời gian. Việc tương lai tại vị trí ga Hà Nội hiện hữu có quy hoạch hoặc triển khai các dự án xây dựng mới, chuyển đổi công năng, bảo tồn, sửa chữa hay gì, nhưng điều quan trọng là làm thế nào để bảo tồn được nét đẹp và tinh thần vốn có của một nhà ga, để giữ vững hồn cốt văn hóa của Hà Nội là điều đáng bàn và cần quan tâm của các cấp, các ngành”.
Hà Nội gây ấn tượng bởi kiến trúc độc đáo pha trộn giữa kiến trúc phương Tây và phương Đông, là Thủ đô của Việt Nam và cũng là một thành phố có truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời. Hà Nội xứng đáng là điểm tiếp nối của dòng thời gian giữa quá khứ - hiện đại với những công trình, di tích mang tính lịch sử đậm dấu ấn thời gian.
Ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội – UBND TP Hà Nội chia sẻ với PV Báo Công lý về vấn đề bảo tồn Ga Hà Nội.
“Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021, phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đường sắt quốc gia qua Hà Nội đi theo các tuyến vành đai phía Đông kết nối Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi và vành đai phía Tây kết nối Ngọc Hồi - Thạch Lỗi (không đi vào trung tâm Thành phố Hà Nội); các đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên và Gia Lâm - Lạc Đạo chuyển thành đường sắt đô thị sau khi tuyến vành đai phía Đông đưa vào khai thác.
Ngày 28/2/2023, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026-2030 (Hà Nội - Vinh; TP.HCM - Nha Trang).
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 396/QĐ-TTg ngày 17/4/2023 phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016, mục tiêu của Thành phố là sẽ xây dựng 9 tuyến đường sắt đô thị và mạng lưới các tuyến kết nối đô thị vệ tinh với tổng chiều dài 417,8km. Trong đó tại khu vực Ga Hà Nội sẽ có 02 tuyến đường sắt đô thị: Tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) và Tuyến số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội) đi qua. Theo báo cáo rà soát quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP lập, trong đó có đề xuất nghiên cứu tính khả thi của việc chạy chung tuyến số 1 với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trên đoạn Ngọc Hồi - Ga Hà Nội.
Trong thông báo mới nhất của UBND Thành phố về Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đoạn qua địa phận Thành phố Hà Nội đã được công bố phương án, hướng tuyến, vị trí và quy mô của nhà ga, depot, trạm bảo dưỡng. Tuy nhiên, đề xuất đường sắt tốc độ cao sử dụng chung hạ tầng với tuyến đường sắt đô thị số 1 để tổ chức khai thác vận tải đến Ga Hà Nội không phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021. Do đó, tuyến đường sắt tốc độ cao chỉ dừng tại ga Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì.
Dự kiến tại khu vực Ga Hà Nội sẽ có hai tuyến đường sắt đô thị đi qua là Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội và Tuyến đường sắt đô thị số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi. Hiện tại, Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đang triển khai thực hiện và Tuyến đường sắt đô thị số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi, Ban quản lý đường sắt - Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với Ban thực hiên công tác bàn giao, tiếp nhận hố sơ, tài liệu nghiên cứu Dự án.
Ông Lê Trung Hiếu cho biết: “Cuối thế kỷ XIX, người Pháp nhận thấy muốn hiện thực hóa chương trình khai thác thuộc địa hiệu quả cũng như phát triển kinh tế, phải xây dựng được mạng lưới đường giao thông, mà giao thông đường sắt đóng vai trò then chốt. Cùng với việc lắp đặt các tuyến đường sắt, người Pháp quyết định xây dựng một nhà ga đầu mối ở Hà Nội. Khởi công xây dựng từ 1899 đến 1902 thì khánh thành cùng thời gian với cầu Long Biên. Ga Hà Nội được Henri Vildieu-kiến trúc sư trưởng đầu tiên của Hà Nội thiết kế, đây là một công trình tiêu biểu lúc bấy giờ, nhà ga là một trong những nhà ga có quy mô lớn và hiện đại nhất ở Đông Nam Á.
Đối với nhiều thế hệ người Hà Nội, Ga Hà Nội (Ga Hàng Cỏ) đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử khó phai mờ: Dấu ấn về Ga Hà Nội sâu sắc nhất, bi hùng nhất là giai đoạn từ năm 1970 đến 1972. Đó là thời kỳ cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, căng thẳng trên cả hai miền Nam-Bắc. Nhu cầu chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam là rất lớn. Thực hiện lệnh tổng động viên, tất cả các địa phương đều kêu gọi thanh niên, học sinh, sinh viên nhập ngũ lên đường vào Nam chiến đấu.
Lúc bấy giờ để đảm bảo bí mật quân sự, những cuộc hành quân vào Nam, người ta gọi là "đi B". Ga Hàng Cỏ đã chứng kiến hàng trăm chuyến tàu chở những người lính trẻ, trong số họ rất nhiều người là những sinh viên đang học năm thứ nhất, thứ hai và cả những người đang làm luận văn tốt nghiệp, hay chuẩn bị đi du học ở nước ngoài. Những "sỹ tử xếp bút nghiên, theo việc binh đao" ấy không được biết trước ngày, giờ "đi B", họ chỉ nhận được lệnh tập trung về Ga Hàng Cỏ để đi làm nhiệm vụ. Ba tôi lúc đó đang là giảng viên đại học Bách khoa cũng là một trong những người lính "đi B" từ Ga Hàng cỏ vào thẳng chiến trường Quảng Trị.
Nhìn về lịch sử để thấy được Ga Hà Nội là một nơi lưu giữ những miền ký ức, là nhân chứng lịch sử về “một thời đạn bom, một thời hoà bình” của Thủ đô, của đất nước. Vì lẽ đó, những giá trị hữu hình vô hình và hữu hình của Ga Hà Nội cần được bảo tồn để giữ lại ký ức lịch sử. Việc bảo tồn và phát triển di sản này không chỉ là nhiệm vụ của các nhà quản lý, mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng, để giữ gìn và kể lại những câu chuyện của quá khứ.
Từ góc độ của một người đang thực hiện dự án phát triển giao thông công cộng của Thủ đô, tôi nhận thấy rằng việc phát triển di sản Ga Hà Nội cần được tiếp cận một cách cẩn trọng. Điều này bao gồm việc duy trì tính chất lịch sử, văn hóa của ga, đồng thời tích hợp nó vào cấu trúc và hệ thống giao thông hiện đại.
Thủ đô đang ngày một phát triển, hệ thống giao thông trong đó giao thông đường sắt đô thị là xương sống, được xác định là then chốt cho bài toán giao thông của Hà Nội. Chắc chắn, Ga Hà Nội sau này sẽ có một vị thế xứng tầm, là một điểm nhấn cũng như trở thành một dấu ấn của Thủ đô phát triển “xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”.
Cần phải đảm bảo rằng sự phát triển của ga Hà Nội không chỉ đồng hành với sự phát triển kinh tế, mà còn phản ánh đúng bản chất và giá trị lịch sử của nó. Việc tận dụng và phát huy tối đa di sản này có thể góp phần làm giàu thêm trải nghiệm của người dân và du khách, đồng thời giữ cho không gian này sống động và gắn kết với cộng đồng.
Mặt khác, quan trọng là phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, bao gồm cả chính quyền địa phương, ngành giao thông và cộng đồng dân cư, để đảm bảo rằng quá trình phát triển không ảnh hưởng đến tính chất lịch sử và văn hóa của Ga Hà Nội. Điều này đòi hỏi sự nhạy bén, kiến thức vững về di sản và ý thức trách nhiệm lớn từ phía quản lý và cộng đồng”.
TS. KTS Trương Văn Quảng – Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển dô thị Việt Nam, cho biết: “Thực tế cho thấy, ở nước ta, từ những hạng mục sửa chữa cho đến những hoạt động quảng bá hình ảnh cho các công trình gắn mác di tích vẫn mang tính nhỏ lẻ, chưa có hệ thống. Ở giai đoạn hiện nay, các nhà quản lý phải thấu hiểu thực trạng công tác bảo tồn của thế giới, khu vực đã rất khác. Thứ nữa, những ý tưởng về bảo tồn của giới trẻ có nhiều sáng tạo, thiết thực và có thể đạt được đa mục tiêu. Nhưng cũng vì cơ chế chưa có sự điều chỉnh, nên mọi việc vẫn trở nên vô cùng khó khăn”.
Một sự thật cho thấy, chính các cơ quan chủ quản cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn về việc duy tu, bảo tồn Ga Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn có những chậm trễ bởi chúng ta chưa có quy định thống nhất và được luật hoá về đánh giá, xếp loại, công nhận Di sản đô thị, dù trong thực tế, nhóm di sản này là một bộ phận quan trọng của di sản văn hoá Việt Nam.
Khi chưa được pháp luật chế định các công cụ, quy trình xếp hạng, bảo vệ, đầu tư, phát huy… di sản đô thị hoàn toàn có nguy cơ bị phá huỷ, thay thế, làm mới không đúng phương pháp, dẫn tới làm sai lệch, biến dạng hoặc biến mất di sản đô thị. Bởi quá trình phát triển đô thị lịch sử, hầu hết di sản đô thị tập trung ở vùng lõi – nơi thường có giá trị bất động sản và thương mại cao. Do đó, nguy cơ di sản đô thị bị can thiệp, thay thế càng lớn.
Thực tế này đòi hỏi các cơ quan quản lý, xây dựng chính sách phải đánh giá đúng tình hình, bối cảnh để sớm xây dựng các công cụ pháp luật thích hợp. Luật Di sản văn hoá 2001 (đã bổ sung sửa đổi năm 2009) hiện mới chỉ có quy định chính thức công nhận “di tích” mà chưa có tiêu chí công nhận “di sản kiến trúc”, càng không có “di sản đô thị”.
Luật cũng không quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức khoa học, các hội chuyên ngành (như Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, Hội Kiến trúc sư, Hội Khoa học Lịch sử, Hội Di sản…) trong việc giúp cơ quan quản lý Nhà nước thẩm định, đánh giá, nghiên cứu và hoạch định các chính sách liên quan đến di sản. Hiện nay, tuỳ thuộc cấp di tích mà do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, hoặc UBND tỉnh quyết định công nhận di tích và giao cho Sở quản lý theo Luật Di sản văn hoá.
Đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang trải qua sự thay đổi nhanh chóng, công tác bảo tồn của các “di sản đô thị” hay “di sản kiến trúc” chưa được quan tâm đủ lớn thì việc giữ gìn là vô cùng khó. Những giá trị kết nối quá khứ, hiện tại sẽ ngày càng mai một. Như vậy, “chiếc móng” xây dựng nền tảng văn hoá, lịch sử, giá trị tương lai của cộng đồng có được vững vàng?
Nội dung: Tuấn Dũng - Tuyết Nhung
Hình ảnh & đồ hoạ: Tuấn Dũng