Đổi tên Thành phố Bắc Giang thành Phủ Lạng Thương: Lợi bất cập hại!
Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 27/10/2015
Đề xuất đổi tên TP Bắc Giang thành Phủ Lạng Thương được nêu trong Hội thảo khoa học Di sản văn hóa từ Phủ Lạng Thương đến TP Bắc Giang tổ chức ngày 16/10, đã nhận được sự quan tâm của nhiều học giả nghiên cứu về văn hóa, các nhà khoa học, lịch sử.
Tại hội thảo, PGS Trương Quốc Bình (Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia) cho rằng, cần kiến nghị để Nhà nước sớm có quyết định đổi tên TP Bắc Giang thành Phủ Lạng Thương.
PGS Bình nêu quan điểm, không chỉ là địa danh lịch sử, Phủ Lạng Thương đã trở thành những giá trị, văn hóa đặc hữu, góp phần quan trọng vào việc khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, tạo lập những sức mạnh vật chất để xây dựng quê hương Bắc Giang.
Đồng tình với ý kiến trên, Giáo sư sử học Lê Văn Lan, người chủ trì Hội thảo cho biết, việc đổi tên này có ý nghĩa to lớn trong việc làm giàu tri thức cho nhân dân Bắc Giang, nhắc nhở về con đường, kinh nghiệm phát triển của đô thị này.
Nhà sử học Dương Trung Quốc
Để có thêm một khía cạnh, một góc nhìn khác về đề xuất này, PV Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn ngắn Nhà sử học Dương Trung Quốc:
PV: Ông bình luận gì về ý kiến đề xuất việc đổi tên Thành phố Bắc Giang thành Thành phố Phủ Lạng Thương?
Nhà sử học Dương Trung Quốc : Phủ Lạng Thương ban đầu là tên gọi một đơn vị hành chính cấp "phủ" bên bờ sông Thương và trên trục đường hướng lên xứ Lạng. Phủ có từ thời Lê Trung Hưng, nhưng dần dần thành một tên riêng khi nó trở thành thủ phủ của nhiều đơn vị hành chính khác nhau nằm trên không gian của tỉnh Bắc Giang hiện tại.
Từ khi Bắc Giang và Bắc Ninh sáp nhập thành tỉnh Hà Bắc thì nó đổi thành thị xã Bắc Giang tương quan với thị xã Bắc Ninh và trở thành thủ phủ của tỉnh sáp nhập Hà Bắc (1962).
Cái tên Phủ Lạng Thương gắn với một thời phát đạt như một đô thị phát triển (đặc biệt là thời thuộc địa) của vùng trung du phía Bắc. Do vậy nó để lại ý niệm sâu sắc đối với lớp người cao tuổi và những người quan tâm đến di sản; nó cũng là một địa danh được nhắc đến nhiều trong các thư tịch cổ và cận đại. Có lẽ vì thế mà đề xuất liên quan đến việc lấy lại cái tên "Phủ Lạng Thương" đã được đưa ra trong một hội thảo về di sản?
Đấy là ý kiến hay, có thể đánh thức những giá trị của quá khứ, nhưng cũng lại là ý kiến đòi hỏi phải xử lý những vấn đề rất cụ thể : giáo dục, tuyên truyền nhận thức cho giới trẻ và đặc biệt là những thay đổi rất phức tạp về quản lý hành chính chắc chắn sẽ gây không ít phiền toái và tốn kém.
Do vậy phải cân nhắc giữa cái "lợi" và cái "hại".
Cầu sông Thương. Ảnh Báo Bắc Giang
PV: Cá nhân ông có tán thành chuyện đổi tên hay không?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Quan điểm của tôi là nếu thay đổi ngay thì "lợi bất cập hại". Nhưng cũng nên khơi lại giá trị di sản của địa danh này trong giáo dục, trong sinh hoạt văn hóa và nó vẫn có thể trở thành một cái tên "kép" mang nặng tính hoài cổ sử dụng trong các văn bản không mang tính hành chính.
PV: Theo ông, việc đổi tên này có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của người dân khi mà các doanh nghiệp, sản phẩm của họ đã gắn với tên địa lý?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cũng cần nói thêm rằng, cách đặt địa danh của người xưa (kể cả của Nhà nước) ngoài các địa danh xuất xứ từ các ngôn ngữ cổ của các dân tộc bản địa được bảo lưu, thì phần lớn là các mỹ tự được ghép lại thể hiện cái khát vọng của người xưa xoay quanh sự phú, quý... và yên ổn, thanh bình như Định, Yên, Bình, Hòa... Cách đặt địa danh theo định vị địa lý căn cứ vào các con sông lớn chủ yếu chỉ dùng từ thời Nguyễn (có phần nào ảnh hưởng của phương Bắc).
Ở nước ta hay Trung Hoa đều có các địa danh Hà Nội, Hà Nam, Hà Bắc, Hà Đông... Phải chăng vì thế, mà tâm lý nhiều người muốn trở lại với cung cách xưa của ông cha ta. Ví như dịp kỷ niệm 1000 năm, đã có nhiều ý kiến (kể cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp có văn bản chính thức) đề nghị lấy lại tên "Thăng Long" cho Thủ đô Hà Nội.
Dẫu sao, vào thời điểm này, đặt ra việc đổi tênThành phố Bắc Giang thành Thành phố Phủ Lạng Thương là chưa phải lúc, sẽ dẫn đến thay đổi rất phức tạp về quản lý hành chính, gây không ít phiền toái, tốn kém cho cả nhân dân và Nhà nước.