Cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, loại bỏ các quy định không cần thiết
Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng cần loại bỏ các quy định, thủ tục không cần thiết, tránh phát sinh chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân, doanh nghiệp.
Về nội dung xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh của người lái xe, dữ liệu hình ảnh bảo đảm an toàn theo quy định, nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, đối tượng áp dụng như dự thảo Luật là quá rộng.
Theo ý kiến của một số đại biểu, tính đến tháng 6/2023, cả nước có trên 6 triệu ô tô và 73 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành. Nếu dự thảo Luật được thông qua thì sẽ có đến hàng chục triệu xe máy bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình - điều này khó bảo đảm tính khả thi.
Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, người dân không lắp đặt camera hành trình để "chứng minh sự trong sạch” mà thay vào đó cơ quan chức năng phải chứng minh được chủ phương tiện vi phạm giao thông thì mới được xử phạt. Việc lắp các thiết bị cũng can thiệp vào hệ thống điện của xe, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Việc quy định bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình như dự thảo Luật là khó khả thi, bởi số lượng xe máy là quá lớn; người dùng có thể phải trả thêm nhiều chi phí lắp, sử dụng thiết bị trong khi thu nhập người dân còn thấp, đời sống còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới...
Cũng có ý kiến cho rằng, việc bắt buộc lắp thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe sẽ làm mất quyền riêng tư của người điều khiển xe cũng như người ngồi trong xe; gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật của người dân mà mức độ an toàn chưa được đánh giá kỹ lưỡng.
Từ những phân tích trên, các đại biểu cho rằng, quy định này chưa phù hợp với thực tế, trong khi đó phạm vi tác động lại khá rộng. Do đó, chỉ quy định gắn thiết bị giám sát hành trình đối với xe kinh doanh vận tải như hiện hành và quy định cụ thể hơn về Trung tâm tích hợp, phân tích dữ liệu để quản lý, sử dụng hiệu quả hơn, không lãng phí.
Đối với xe ô tô cá nhân, xe máy, nên quy định theo hướng khuyến khích người dân lắp thiết bị giám sát hành trình; có thể tổ chức thí điểm, có lộ trình áp dụng phù hợp, tránh gây "hiệu ứng ngược".
Các đại biểu cũng cho rằng cần rà soát để loại bỏ các quy định về thủ tục, điều kiện không cần thiết, tránh làm phát sinh chi phí đối với người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, phải đánh giá rõ hơn trong dự thảo Luật lần này đã bổ sung và loại bỏ bao nhiêu thủ tục hành chính và điều kiện, thể hiện tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp như thế nào? Có quy định nào làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và điều kiện không cần thiết cần loại bỏ không?
Ví dụ, quy định “xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phải được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường”. Như vậy, không chỉ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng mà cả phụ tùng xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu cũng phải được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Điều này có thể sẽ làm phát sinh chi phí không cần thiết, nhất là đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trong nước...
Chi phí tuân thủ pháp luật được hiểu là các chi phí mà doanh nghiệp, người dân phải gánh chịu trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật, bao gồm: chi phí hành chính, chi phí đầu tư để tuân thủ quy định, phí, lệ phí, chi phí rủi ro pháp lý (nếu có) và các chi phí không chính thức.
Việc cắt giảm triệt để các chi phí không hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật cho các doanh nghiệp, người dân, ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức, giảm chi phí tuân thủ pháp luật là một trong những giải pháp cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, qua đó sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.