Giao thông

Đường sắt tốc độ cao nên nâng cấp từ tuyến hiện hữu với khổ đường tiêu chuẩn mới

Gia Khánh 05/12/2023 22:01

Theo Bộ Xây dựng, với xu thế hội nhập, đảm bảo yêu cầu liên vận quốc tế trong quá trình vận hành, Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu, theo hướng nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc Nam bằng hình thức thay thế toàn bộ khổ đường hiện hữu 1.000 mm bằng khổ đường tiêu chuẩn 1.435mm trong quá trình triển khai thực hiện.

dsct1.png
Ảnh minh họa

Trước đó, cuối tháng 10/2023, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã xin ý kiến Ban chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam về 3 kịch bản.

Theo đó, Kịch bản 1 là đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.

Kịch bản 2 xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200-250 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD.

Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.

Cho ý kiến về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ Xây dựng thống nhất Kịch bản 3. Theo Bộ này, để nâng cao tính khả thi của Kịch bản 3 theo đề xuất của Bộ GTVT, cần lưu ý hoàn chỉnh một số nội dung.

Theo đó, hiện nay, Đề án chưa thể hiện rõ việc nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc Nam bằng khổ đường cụ thể nào. Với xu thế hội nhập, đảm bảo yêu cầu liên vận quốc tế trong quá trình vận hành sau này, Bộ GTVT cần nghiên cứu, theo hướng nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam bằng hình thức thay thế toàn bộ khổ đường hiện hữu 1.000mm bằng khổ đường tiêu chuẩn 1.435mm trong quá trình triển khai thực hiện, đảm báo thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023: "Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam là trục “xương sống ", khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối hiệu quả với các tuyến đường sắt độ thị, các trung tâm kinh tế lớn, đầu mối vận tải trong nước (cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế) và liên vận quốc tế".

Cũng theo Bộ Xây dựng, Đề án đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có chiều dài 1.545km, đi qua 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hiện nay, các tỉnh/thành đang trong quá trình lập, phê duyệt Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh và các Đồ án Quy hoạch xây dựng;

Đồng thời trong bối cánh tốc độ đô thị hóa ngày một tăng cao có thể làm phát sinh các tình huống làm thay đổi hướng tuyến thiết kế đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam kéo theo việc phải điều chỉnh khối lượng công trình dẫn đến thay đổi tổng mức đầu tư của dự án.

Vì vậy, Bộ GTVT cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương nơi có tuyến đường sắt đi qua để đảm bảo giữ nguyên được kết quả thỏa thuận hướng tuyến như đã được thể hiện tại Đề án.

Ngoài ra, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc — Nam có tổng mức đầu tư rất lớn: Kịch bản 1 (dự kiến khoảng 67,32 tỷ USD); Kịch bản 2 (dự kiến khoảng 72,02 tỷ USD); Kịch bán 3 (dự kiến khoảng 71,60 tỷ USD). Để đảm bảo tính khả thi của Đề án, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ GTVT cần bổ sung các căn cứ pháp lý được áp dụng để đề xuất sơ bộ tổng mức đầu tư như đã được xác định của dự án.

Trước đó, ngày 03/10/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1143/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia, trong đó giao Bộ GTVT là cơ quan thường trực, chuẩn bị tài liệu, lấy ý kiến các thành iên Ban Chỉ đạo, Tổ tư vấn giúp việc.

Văn phòng Chính phủ ngày 4/12 thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam. Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu bám sát kết luận của Bộ Chính trị, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện đề án.

Trong đó cần lưu ý làm rõ thêm kinh nghiệm các nước trên thế giới về phát triển đường sắt tốc độ cao bao gồm cả phương án huy động vốn. Đưa ra các số liệu, dữ liệu kinh tế, kỹ thuật, khoa học để phân tích đầy đủ, rõ nét hơn tác động của đường sắt tốc độ cao đến tổng thể nền kinh tế - xã hội: giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng hiệu quả nền kinh tế; tác động lan tỏa, phát triển đô thị, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy phát triển du lịch...

Trên cơ sở tính tương hỗ giữa các phương thức vận tải để nghiên cứu, lựa chọn, đề xuất phương án đầu tư bảo đảm khả thi, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu giai đoạn trước mắt và lâu dài. Về kịch bản phát triển, Phó thủ tướng cho rằng cần dựa vào nhu cầu nội tại về phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Gắn với kinh nghiệm đầu tư đường sắt tốc độ cao trên thế giới để nghiên cứu đầu tư đường sắt tốc độ cao đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới, tốc độ thiết kế 350km/h và thực sự trở thành trục "xương sống".

Gia Khánh