Ông lão 84 tuổi hơn 30 lần đi vận động tiền xây cầu

Đời sống - Ngày đăng : 07:13, 26/10/2015

Theo dự toán, cây cầu ngốn ít nhất 1 tỷ đồng. Mặc dù chưa có đồng nào trong tay nhưng với quyết tâm xây bằng được cây cầu, ông Tráng bắt đầu một cuộc vận động quy mô. Ông khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh rồi ra tận Hà Nội để vận động đóng góp.

Đến huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) hỏi ông Tráng xây cầu hầu như ai cũng biết. Là dân xóm đảo Vạn Buồng (thôn Phú Bông, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên), ông Nguyễn Tráng (SN 1931) đã hơn 30 năm đi vận động đóng góp tiền xây cầu cho dân làng.

Nằm trên cồn cát nổi giữa sông Thu Bồn, Vạn Buồng giống như một xóm nhỏ, một bên bờ là trung tâm xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên), một bên bờ là khu phố chợ thuộc xã Điện Phong (huyện Điện Bàn). Xóm có khoảng 80 hộ dân, sống chủ yếu bằng nghề nông, sản xuất các loại cây màu và trồng các loại rau.

Hằng năm, xóm Vạn Buồng hứng chịu nhiều trận lũ lụt, có trận nước dâng ngập đầu người. Bà Nguyễn Thị Ích (SN 1933), người đã sống hơn 80 năm qua ở xóm Vạn Buồng cho biết, nông dân cần mua phân bón ruộng, mua thuốc trừ sâu, nhiều khi không thể đi mua kịp thời nên ảnh hưởng năng suất.

Đến lúc nông sản làm ra, thương lái đến trả giá “bèo” cũng đành phải bán vì không thể mang đi bán nơi khác được. Tội nhất là các em học sinh, do đi lại khó khăn nên đến lớp bữa được bữa mất. Nhiều gia đình sợ việc sang sông nguy hiểm tính mạng nên đành cho con em mình mù chữ. Tệ hại hơn, đã có nhiều trường hợp người dân “ốc đảo” tử vong một cách oan uổng vì bất ngờ đổ bệnh mà không đến được bệnh viện cấp cứu kịp thời. 

Ông lão 84 tuổi hơn 30 lần đi vận động tiền xây cầu

Ông Tráng mang bản vẽ phối cảnh cây cầu đi vận động

Năm 1979, trên địa bàn huyện Duy Xuyên khởi công xây dựng nhiều cây cầu, ông Tráng đã nảy ra ý tưởng xin phế liệu về làm cầu sắt cho Vạn Buồng. Nghĩ là làm, ông đi khắp các công trình xây cầu trong huyện để xin sắt vụn. Trước những mong mỏi thiết tha của ông Tráng, các chủ công trình đã biếu không cho ông những phần sắt vụn phế thải. Năm 1980, một cây cầu sắt nhỏ được hình thành, thay thế cây cầu tre tạm bợ.

Tuy nhiên, do được làm từ những thanh sắt vụn chắp nối nên cây cầu không được vững chãi. Thêm vào đó, do bị sức nước mùa lũ công phá nên cây cầu chỉ dùng được 2 năm rồi hỏng, người dân Vạn Buồng lại quay về cầu tre.

Liên tục trong gần 20 năm sau đó, ông Tráng luôn là người đi tiên phong trong việc dựng cầu tre cho xóm. Từ khâu chuẩn bị vật tư, chọn ngày “đẹp” cho đến tổ chức thi công, lo ăn uống, ông đều thường xuyên cùng các vị cao niên điều hành. Đến năm 2000, sau nhiều đêm trằn trọc, ông Tráng đã đem ý tưởng làm cầu phao bàn bạc với các vị bô lão và được sự đồng thuận của cả xóm. Từ những thùng phuy cũ, những cây tre có sẵn trong làng, những mảnh ván nhỏ tận dụng, người Vạn Buồng đã lắp được một chiếc cầu phao.

Cầu phao rộng rãi, dễ đi hơn cầu tre nhưng đến mùa lũ lại phải tốn công tháo dỡ. Cầu phao sử dụng được khoảng 6 năm thì bắt đầu hỏng. Cùng thời gian đó, một trận lũ lớn đã cuốn phăng chiếc cầu phao và dân Vạn Buồng lại quay về với chiếc cầu tre quen thuộc.

Đến khoảng năm 2007, nhờ nhà nước hỗ trợ, hầu hết các thôn xóm trong xã Duy Trinh đều đã có đường bê tông kiên cố. Riêng Vạn Buồng vẫn chưa có đường vì việc chuyển vật tư bị cách trở trong khi phần vốn nhà nước hỗ trợ quá ít. Thấy xóm mình càng ngày càng “tụt hậu” so với xung quanh, ông Tráng bắt đầu vận động nhân dân đóng góp làm đường.

Cuối cùng, đến năm 2009, nhờ tiền dân đóng góp cùng với vốn nhà nước hỗ trợ, Vạn Buồng đã đổ được 3km đường bê tông quanh xóm và ra đến 2 bến sông. Cũng trong năm đó, ông Tráng bắt đầu đi vận động quyên góp tiền để xây cầu kiên cố qua sông.

Ông đã nhờ bí thư chi bộ thôn cùng ông đến vận động từng gia đình. Sau khi nhận được sự ủng hộ của phần lớn hộ dân, ông mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo huyện, được đồng ý về chủ trương và hứa sẽ hỗ trợ một phần kinh phí. Quá vui mừng, ông Tráng lập tức nhờ người thăm dò địa chất, thiết kế cầu, lập dự toán và trình xin ý kiến nhân dân trong xóm.

Ông lão 84 tuổi hơn 30 lần đi vận động tiền xây cầu

Cầu bê tông do ông Tráng vận động xây nên.

Theo dự toán, cây cầu ngốn ít nhất 1 tỷ đồng. Mặc dù chưa có đồng nào trong tay nhưng với quyết tâm xây bằng được cây cầu, ông Tráng bắt đầu một cuộc vận động quy mô lớn. Ông khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh rồi ra tận Hà Nội gặp những người quê gốc Duy Trinh để vận động đóng góp. Hễ nghe tin gia đình nào trong xã có Việt kiều về thăm là ông tranh thủ đến vận động. Gặp ai, ông cũng trình ra bản thiết kế cây cầu bắc vào xóm Vạn Buồng và thiết tha kêu gọi. Sau nhiều năm nỗ lực vận động, cuối cùng ông Tráng đã quyên đủ số tiền 1,3 tỷ để xây cầu.

Sau hơn 5 tháng thi công, ngày 24/8/2012, cây cầu bê tông dài 84m, rộng 2,3m nối xóm Vạn Buồng với trung tâm xã đã hoàn thành trong sự vui mừng khôn xiết của người dân nơi đây.

Ông Tráng chia sẻ, lúc cây cầu sắp được khánh thành, nhiều người đề xuất đặt tên là “Cầu ông Tráng” để ghi nhớ công sức của ông. Tuy nhiên, ông chỉ cười và bảo đó là cầu do lòng dân “xóm đảo” và của những mạnh thường quân đóng góp xây nên.

Cầu đã xây xong nhưng ông Tráng vẫn chưa thật mãn nguyện, bởi dù cầu kiên cố nhưng tải trọng chỉ có 2 tấn, xe tải không qua được. Ngay sau đó, ông Tráng lại nghĩ cần xây thêm một con đường nối Vạn Buồng với xã Điện Phong.

Nói là làm, ông tranh thủ gặp gỡ và đề đạt ý tưởng với một số cán bộ mặt trận của xã Điện Phong rồi đặt thẳng vấn đề với ủy ban xã này. Sau đó, ông đã thuyết phục được lãnh đạo 2 xã Duy Trinh và Điện Phong thống nhất phương án rồi tiếp tục vận động nhân dân đóng góp.

Cuối cùng, đến đầu năm 2014, một con đường bê tông dài hơn 2km nối Vạn Buồng với xã Điện Phong đã hình thành. Con đường này rộng 3m, xe tải nhỏ có thể chạy qua, nhờ vậy việc chuyên chở vật tư, nông sản cũng dễ dàng hơn trước bởi có con đường rộng nối với xã Điện Phong. Vạn Buồng bây giờ không còn là ốc đảo nữa.

Đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, hiện ông Tráng vẫn phải một mình nuôi người con trai bị bại liệt do TNGT từ năm 2000. Tháng 2/2015 vừa qua, ông Tráng phát hiện mình bị u gan ác tính và phải tốn nhiều tiền chạy chữa. Vậy nhưng, khi gặp phóng viên, ông quên hết đớn đau và say sưa kể chuyện vận động xây cầu, làm đường với vẻ mãn nguyện. Ông Tráng đã có công rất lớn để xóa biệt danh “ốc đảo” cho xóm Vạn Buồng.

Châu Sơn