Tín dụng tiêu dùng sẽ bứt phá

Đời sống - Ngày đăng : 15:44, 24/10/2015

Mặc dù còn khá mới mẻ và còn nhiều vướng mắc từ quan điểm đến các quy định quản lý trong thời gian qua, song các chuyên gia cho rằng, cho vay tiêu dùng tại Việt Nam sẽ có bước bứt phá.

Đây là sự phát triển hợp với xu hướng tất yếu của thế giới bởi trên thực tế, các nước trên thế giới đã xuất hiện hình thức cho vay này từ lâu và được người dân ưa chuộng.

 Xu hướng tất yếu

TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing TP. Hồ Chí Minh đánh giá, tiềm năng phát triển tài chính tiêu dùng ở Việt Nam là rất lớn, dự đoán nhiều khả năng sẽ vượt qua con số 10% GDP vào năm 2020. Theo TS. Trần Hoàng Ngân, cuối năm 2013, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại thị trường Mỹ đã vượt 3.000 tỷ USD (tương đương khoảng 20% GDP), chưa bao gồm dư nợ cho vay thế chấp nhà. Con số này ở Anh là gần 14% GDP và một số nước khác như: Đức, Pháp là trên 7% GDP. Tương tự, ở châu Á, Malaysia được biết đến là quốc gia có tốc độ tăng tín dụng tiêu dùng rất ấn tượng với 24% GDP (chưa bao gồm cho vay thế chấp nhà ở). Cho vay tiêu dùng phát triển mạnh ở các quốc gia phát triển là vì nó đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người dân với thủ tục rất nhanh gọn, đơn giản.

Thực tế, vay tiêu dùng đã được cung cấp rất phổ biến và đa dạng tại các nước phát triển với  nhiều  hình thức kết hợp giữa các ngân hàng thương mại, công ty tài chính… với các doanh nghiệp (công ty kinh doanh bất động sản, các công ty bán thiết bị, vật tư, tài sản lớn như ôtô, xe máy hay các sản phẩm khác) để bán sản phẩm cho vay tài chính. Họ cho vay với mức lãi suất vừa phải, người tiêu dùng thực hiện trả góp gốc và lãi khoản vay. “Với nhu cầu vay tiền mua xe gắn máy, điện thoại cầm tay hay các trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt… thì các ngân hàng thường không cung cấp mà chỉ có thể tìm đến các công ty tài chính. Trong khi đó, vấn đề tiêu dùng đóng vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế nên tín dụng tiêu dùng có ý nghĩa đặc biệt”, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.

Tín dụng tiêu dùng sẽ bứt phá

Tín dụng tiêu dùng ngày càng phát triển

Tại Việt Nam, cho vay tiêu dùng vẫn còn khá mới mẻ nhưng nở rộ trong thời gian gần đây. Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), nhu cầu vay tiền của người tiêu dùng đang rất cao, đặc biệt đối với các khoản vay có giá trị nhỏ, vay trả góp để phục vụ nhu cầu tiêu dùng như mua sắm thiết bị điện tử gia dụng, máy tính xách tay, điện thoại… Số liệu thống kê cuối năm 2014 cho thấy, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đạt khoảng trên 200.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 5,3% GDP).

Làm thế nào để tránh hệ lụy?

Giống như bất kỳ một loại hình dịch vụ nào khác khi mới xuất hiện đều nhận được những đánh giá trái chiều, cho vay tiêu dùng tại Việt Nam thời gian qua đã hỗ trợ, cải thiện đời sống cho không ít người dân, nhưng cũng có không ít những quan điểm khác nhau đối với hình thức tín dụng này. Bên cạnh những quan điểm ủng hộ, khuyến khích phát triển thì một số quan điểm cho rằng, còn có những vướng mắc như lãi suất cao, thông tin không rõ ràng… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có trách nhiệm của các công ty tài chính tiêu dùng. Tuy nhiên, một phần nguyên nhân cũng đến từ chính người tiêu dùng. Với tâm lý muốn vay nhanh, thủ tục đơn giản, một số người tiêu dùng đã bỏ qua các bước kiểm tra, đối chiếu thông tin, không cẩn trọng trong việc ký kết hợp đồng… dẫn đến rủi ro. Những thông tin tiêu cực nhanh chóng được lan truyền khiến cho vay tiêu dùng chưa được nhìn nhận khách quan.

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh, để thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, Nhà nước cần có những quy định rõ ràng, cởi mở hơn về hành lang pháp lý cũng như có sự giám sát thị trường này một cách chặt chẽ. Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, người dân cần tỉnh táo lựa chọn công ty tài chính uy tín, làm ăn chuẩn mực, bài bản để tránh rơi vào “bẫy lãi suất”.

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần một khuôn khổ pháp lý quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng đảm bảo sự hài hòa giữa các chức năng bảo vệ người tiêu dùng và điều tiết các tổ chức tín dụng theo thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tế Việt Nam, đi đôi với việc nâng cao tính năng động, trách nhiệm và minh bạch trong hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thu nhập của người dân Việt Nam.

Cao Thượng Văn